Cả nước vẫn thiếu trên 45.000 giáo viên mầm non
(Dân trí) - Hiện nay toàn quốc vẫn thiếu trên 45.000 giáo viên mầm non. Đây là số lượng còn thiếu sau khi đã được bổ sung trên 20.000 biên chế giáo viên mầm non trong năm học 2019-2020.
Thông tin trên được ông Nguyễn Bá Minh Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (GDMN) cho biết tại hội nghị tổng kết năm học 2019-2020 và triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021 đối với GDMN.
Tỷ lệ huy động trẻ đến trường giảm so với năm học trước.
Kết thúc năm học 2019-2020, toàn quốc có 364.776 giáo viên mầm non, (tăng 2.604, bình quân toàn quốc đạt 1,82 giáo viên/lớp; tỷ lệ giáo viên mầm non đạt trình độ chuẩn đào tạo trở lên đạt 73,7%; chuẩn nghề nghiệp đạt 86,8%.
Toàn quốc hiện có 15.461 trường mầm non, 23.960 điểm trường lẻ. Tỷ lệ phòng kiên cố các vùng đều tăng so với năm học trước, đạt trên 90% ở các địa phương: Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Trà Vinh.
Về đội ngũ, trong năm học vừa qua, các địa phương đã tích cực thực hiện xét tuyển số giáo viên đang thực hiện chế độ hợp đồng lao động theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Các địa phương cũng tăng cường thực hiện tuyển mới giáo viên theo quy định và số giáo viên được tuyển trong năm học là 17.605 người.
Theo báo cáo, hệ thống trường mầm non ở những địa bàn có khu công nghiệp chỉ đáp ứng 44,4% nhu cầu. 55,6% số trẻ trong độ tuổi được gửi vào các nhóm lớp tư thục.
Tỷ lệ huy động trẻ đến trường giảm so với năm học trước. Tỉ lệ huy động trẻ em mầm non học tại các cơ sở GDMN ngoài công lập chưa đạt theo mục tiêu đến năm 2020 của Đề án phát triển GDMN giai đoạn 2018-2025, còn nhiều tỉnh có tỉ lệ trường mầm non ngoài công lập rất thấp, toàn quốc có 13 tỉnh có dưới 10 trường mầm non ngoài công lập.
Bên cạnh đó, mặc dù giảm 40 trường, giảm 2.278 điểm trường lẻ, nhưng sau khi sắp xếp, sáp nhập địa giới hành chính, sáp nhập trường và điểm trường, quy hoạch lại các trường, điểm trường, tại một số địa bàn vẫn còn tình trạng dân cư phân tán, giao thông bị chia cắt, ảnh hưởng đến việc đi học của trẻ.
Thiếu giáo viên
Tình trạng thiếu giáo viên ở nhiều địa phương tạo áp lực lớn cho đội ngũ trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ (toàn quốc thiếu trên 45.000 GVMN). Đây là số lượng còn thiếu sau khi đã được bổ sung trên 20.000 biên chế giáo viên mầm non trong năm học 2019-2020.
Hiện còn trên 48.000 giáo viên hợp đồng lao động tại các cơ sở mầm non công lập. Tình trạng này gây khó khăn cho quản lý, thực hiện chính sách đối với giáo viên.
Theo Vụ trưởng Nguyễn Bá Minh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra ở năm học 2020-2021 là phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên.
Cụ thể, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 102 ngày 03/7/2020 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế, tổ chức rà soát định mức giáo viên/lớp; có giải pháp bảo đảm đủ số lượng giáo viên theo quy định, các đơn vị thiếu giáo viên bố trí bảo đảm ít nhất 2 giáo viên/lớp; không để kéo dài tình trạng hợp đồng nhiều năm và thiếu giáo viên trong khi vẫn còn nhiều chỉ tiêu tuyển dụng.
Phát triển đội ngũ giáo viên mà nhiệm vụ trọng tâm
Tại hội nghị, chia sẻ vất vả của giáo viên mầm non, thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh nhấn mạnh, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên mầm non là nhiệm vụ trọng tâm.
Bổ sung đội ngũ giáo viên, có lộ trình nâng chuẩn đào tạo giáo viên mầm non, điều chỉnh các quy định hành chính như quy định về hồ sơ, sổ sách để giảm áp lực cho giáo viên. Đặc biệt, cần thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với GVMN theo quy định hiện hành.
Ngoài ra, cần chú ý công tác rà soát, sắp xếp và phát triển hệ thống mạng lưới GDMN, trong đó có giải pháp khắc phục việc trắng cơ sở mầm non ở một số xã. Việc dồn ghép trường mầm non cần tránh thực hiện cơ học, đảm bảo quyền lợi đến trường cho trẻ; đảm bảo mỗi xã, phường có ít nhất một trường mầm non công lập.