“Cả bản Chùa mang ơn cô”
(Dân trí) - Năm nay 23 tuổi, cô giáo Trần Thị Cẩm Thảo đảm nhận lớp mẫu giáo Bản Chùa được bốn năm. Vượt lên bao khó khăn, cô Cẩm Thảo đang nuôi dưỡng những mầm non nơi bản nghèo thuộc tỉnh Quảng Trị.
Tại bản Chùa thuộc xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) có một ngôi trường chỉ có một phòng học duy nhất, đó là Trường Mẫu giáo Bản Chùa. Trường được xây xong từ năm 2004, đó cũng là thời điểm cô giáo Cẩm Thảo về nhận dạy hợp đồng tại đây. Ban đầu, lương tháng hợp đồng chỉ là 170 ngàn/tháng cộng với khoảng hơn 400 ngàn tiền phụ cấp. Dần dần, lương hợp đồng của cô được tăng lên 220 ngàn. Tháng 1 năm nay, cô chính thức được ký hợp đồng dài hạn.
Lớp học đặc biệt. (Ảnh: Văn Được) |
Lớp học mẫu giáo có 18 cháu, trong đó có 15 cháu từ 3-5 tuổi và 3 cháu 2 tuổi. Các cháu ở đây hầu hết đều là con em người dân tộc Vân Kiều, bố mẹ các em rất ít quan tâm đến việc học của con cái. Bọn trẻ thường hay phải nghỉ học vì đau ốm hoặc bố mẹ không cho đến trường. Ở đây, phần đông bố mẹ các em chủ yếu làm nghề rà phế liệu, bom mìn nên về nhà rất muộn. Ví dụ như hai chị em Lê Thị Việt, 5 tuổi và Lê Xuân Vinh, 2 tuổi có bố mẹ đều làm nghề này. Buổi trưa đi học về, cả hai phải nhịn đói vì bố mẹ chưa về nhà, chiều hai cháu lại đến học lớp cô Thảo.
Cô giáo Cẩm Thảo cho biết việc vận động các cháu đi học thường rất khó khăn, có bữa lớp học chỉ có 5-6 em. Mỗi buổi sáng, cô phải chạy xe đến từng nhà để chở các cháu. Mỗi chuyến xe cô chở được 3 cháu, phải mất 4-5 chuyến cô mới có thể bắt đầu buổi học.
Suốt bốn năm dạy học tại đây, cô Thảo đã vượt qua không biết bao nhiêu khó khăn để duy trì lớp học này. Mọi điều kiện sinh hoạt của các cháu đều do cô giáo tự lo. Mùa hè, cô Thảo phải đi bộ 5-6 cây số để lấy nước về cho các cháu rửa mặt. Khăn mặt, ly uống nước đều do cô bỏ tiền túi ra mua cho các cháu. Nước uống cũng là do cô mang ở nhà đến. Nhiều khi học trò đói, cô giáo lại phải đi mua đồ ăn cho. Cô giáo còn mua thêm cả giày dép, áo quần cho các cháu, rồi đi thu gom áo quần cũ để giúp các cháu những ngày mùa đông rét mướt, giá lạnh. Cháu nào bị bệnh tật hay đau ốm, cô Thảo mua thuốc men về chạy chữa cho.
Ở trong lớp học, lúc thì các cháu nói tiếng Việt theo cô nhưng nhiều lúc chúng lại nói tiếng địa phương làm cô không hiểu được. Thế là cô giáo phải vừa dạy cho các cháu nói tiếng Kinh vừa học tiếng địa phương từ chính các cháu.
Anh Lê Xuân Đức và chị Hồ Thị Hà là bố mẹ hai cháu Việt và Vinh chia sẻ: “Bọn miềng (mình-PV) thương cô Thảo lắm, cái bụng cô tốt lắm, cô ấy hay cho con miềng ăn. Cả bản Chùa này mang ơn cô Thảo.”
Văn Được