Buồn, vui sinh viên làm gia sư

Thời điểm nghỉ hè hay những thời gian rảnh không phải ôn thi, nhiều sinh viên đã nghĩ ngay đến việc tìm kiếm cho mình một công việc làm thêm. Nghề gia sư là một trong số công việc được các bạn trẻ quan tâm và thấy "trong sạch" nhất.

Những tưởng đây là một nghề ổn định, lương cao, nhàn hạ nhưng thực tế nhiều trường hợp đã phải dở khóc dở cười.
 
May mắn gặp phụ huynh... thoáng
 
May mắn gặp phụ huynh... thoáng

Vừa mới chân ướt chân ráo lên Hà Nội nhập học, bạn Nguyễn Thị Vân - sinh viên trường Đại học Ngoại thương đã đến ngay trung tâm để đăng ký đi dạy gia sư. 

May mắn thay, bạn được trung tâm giới thiệu dạy kèm môn Văn cho một học sinh lớp 7 trên đường Đào Tấn. Vì dạy hiệu quả, học sinh tiến bộ hơn hẳn nên Vân được gia đình quý và bắt đầu cảm thấy tin tưởng với phương pháp dạy của Vân. 

Hằng tháng, phụ huynh cho Vân thêm tiền thưởng để đi lại và trả giúp Vân tiền đặt cọc nửa tháng lương ở trung tâm nữa. Với mức thu nhập ổn định cộng với tiền thưởng, Vân hoàn toàn có đủ khả năng để xoay xở cuộc sống của bản thân.

Còn Trần Thị Phương - sinh viên năm thứ ba Học viện Báo chí và Tuyên truyền - chia sẻ: Em may mắn được một người bạn giới thiệu đi dạy môn Toán lớp 9 ở đường Âu Cơ. Mặc dù xa xôi, nhưng em cũng đã cố gắng dạy đảm bảo cho học sinh 3 buổi một tuần. 

Gia đình họ thấy em dù xa nhưng chịu khó, nhiệt tình nên lúc nào cũng nấu cơm cho em ăn xong rồi mới dạy. Ngoài ra, tối muộn, họ còn chở em về tận nhà. Cuối tháng lĩnh lương, họ còn bồi dưỡng cho em thêm vài trăm ngàn đồng.

Dù không phải là những cô giáo, hay sinh viên sư phạm nhưng niềm vui ấy sẽ giúp những sinh viên đánh bât mọi gian nan, thử thách.

Gia sư cũng phải... "sang chảnh"

Tuy nhiên, công việc gia sư được ví như nghề “làm dâu trăm họ” bởi không dễ gì có thể làm hài lòng phụ huynh và học sinh. Trên thực tế đã có rất nhiều người gặp rắc rối ngay ở giai đoạn làm việc với trung tâm gia sư. 

Nhiều bạn chỉ nhận được những cái lắc đầu vì trình độ sư phạm không có, thiếu kiến thức chuyên môn, chưa có kinh nghiệm dạy. Các bạn trẻ thường truyền tai nhau khi phỏng vấn phải tự nhận mình là sinh viên năm 2 trở lên và đã từng đi dạy rồi. Chỉ như thế mới có cơ hội nhận lớp.

Nguyễn Thị Bình - sinh viên năm thứ hai Học viện Tài chính - kể: Mình đến trung tâm để nhận dạy kèm một bé lớp 4 trên đường Hồ Tùng Mậu.

Vì phụ huynh yêu cầu phải là sinh viên sư phạm có kinh nghiệm nên trung tâm đã làm bằng giả sư phạm cho mình và yêu cầu mình đến dạy thì cứ nhận là sinh viên sư phạm. 

Dạy được một tháng thì bị gia đình phát hiện và họ đã không trả lương cho mình. Mình vừa mất tiền đặt cọc ở trung tâm, vừa mất một tháng dạy không công.

Bùi Thị Huế - sinh viên Đại học Thương mại - cho hay: Trung tâm giới thiệu cho mình dạy kèm môn toán lớp 6 cho một em ở đường Trần Cung.

Nhưng khi đến nhận dạy thì gia đình phụ huynh có sự miệt thị vùng miền, chê mình là người Nghệ An, nói ngọng, tiếng địa phương nên chất lượng dạy sẽ không hiệu quả, và họ đã từ chối mình. 

Sau đó, mình đã đến trung tâm để lấy lại tiền đặt cọc nhưng không được. Biết mình bị lừa nhưng cũng đành ngầm ngùi chấp nhận.

Những câu chuyện trên đây chỉ là một lát cắt nhỏ trong vô vàn câu chuyện quanh nỗi niềm gia sư. Làm công việc này cũng có nghĩa bạn phải đối mặt với nguy cơ bị “xù” tiền lương, tiền đặt cọc; gặp phải những học sinh nghịch ngợm phá phách hay gia đình thiếu hợp tác… 

Đây đúng là một công việc không nhàn hạ như nhiều người vẫn tưởng mà trái lại có muôn vàn khó khăn thử thách.

Khó hay không khi gắn bó với nghề gia sư

Khi được hỏi, nhiều bạn cho rằng nghề gia sư tìm được việc đã khó nhưng để bám trụ lâu dài với nghề lại càng khó hơn. Nhiều người tỏ ra buông xuôi, chán nản.

Để gắn bó với nghề gia sư lâu dài, các bạn sinh viên nên trang bị cho mình kiến thức đầy đủ, tốt nhất là nên dạy những môn đúng chuyên ngành của mình để tránh trường hợp bị chê, bị từ chối dạy tiếp. 

Quan trọng hơn là nên chọn cho mình địa chỉ trung tâm phù hợp để nhận lớp tránh lừa đảo, mất tiền, mất thời gian, nếu có thể thì nhờ bạn bè, người quen giới thiệu để đảm bảo sự tin cậy.

Trong quá trình giảng dạy, các bạn nên có phương pháp truyền đạt dễ hiểu, sáng tạo, không ngừng động viên để học sinh có hứng thú tiếp nhận kiến thức và phải tích cực trao đổi phương pháp với phụ huynh để học sinh nhanh tiến bộ.

Hơn thế, bản thân người đi dạy thêm cũng phải nắm bắt được tâm lý của học sinh mà mình dạy để có những phương pháp phù hợp nhất, đem lại hiệu quả cao.

Để gắn bó với nghề lâu dài, dù là bất cứ ngành nghề nào cũng cần sự tụ tin, lòng nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm và ham học hỏi của cá nhân mỗi con người.

Theo Ngọc Trang - Trần Thanh
Giáo dục & Thời đại