Hà Nam:
Bức xúc trước hàng loạt sai phạm trong xây dựng trường mầm non
(Dân trí) - Nếu đem so sánh bản thiết kế công trình xây dựng trường mầm non với thực tế thi công thì từ việc đóng cọc tre, làm nền móng, thép làm cổ cột…đều sai hoàn toàn với thiết kế...
Đó là việc đang diễn ra tại công trình xây dựng trường mầm non khu vực thôn 7 và 8 tại xã Hưng Công, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Chủ đầu tư là UBND xã Hưng Công, đơn vị thi công là công ty TNHH Minh Luật. Trong quá trình thi công phần móng nhà vào trước tết nguyên đán 2015, người dân đã phát hiện ra hàng loạt sai phạm rõ ràng của dự án này.
Công trình Trường mầm non khu vực thôn 7 và 8, xã Hưng Công gồm 2 tầng, mỗi tầng có 4 phòng học với tổng diện tích sàn là 570 m2, kinh phí đầu tư để xây dựng khu trường mầm non thôn 7 và 8 này là hơn 4 tỷ đồng. Dự kiến, sau khi đưa vào hoạt động ngôi trường này sẽ là nơi học tập cho khoảng 300 cháu.
Hàng loạt sai phạm khi thi công công trình
Khi công trình được khởi công xây dựng, người dân trong các thôn 6, 7, 8 và người dân thôn Quắm vô cùng vui mừng vì con em họ sẽ được học tập ở môi trường có nhiều điều kiện phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình thi công phần móng nhà, người dân nơi đây đã phát hiện ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng.
Theo như thông tin cung cấp của người dân thì đáng nhẽ phần cọc đóng móng là phải bằng gốc tre, nhưng gần như toàn bộ cọc lại là phần ngọn tre non, kích thước nhỏ. Trong khi đó về phần móng theo như bản thiết kế được lót bằng bê tông đá 4x6 vữa mác 100, nhưng đơn vị thi công lại chỉ xếp đá và phủ lên một lớp vữa.
Nghiêm trọng hơn, trong phần thiết kế công trình trường mầm non đối với phần cốt thép làm cột nhà, phần cổ cột phải được bẻ vuông góc 90 độ. Tuy nhiên, đơn vị thi công lại làm hời hợt và hết sức cẩu thả. Thực tế ghi nhận lại là, phần cổ cột không được uốn vuông như quy định, mà uốn chéo, có cái cắm chếch xuống nền móng, có cái thiếu chiều dài theo quy định. Chất lượng thép cũng có vấn đề khi máy xúc đất chạm vào, sắt bị nứt có khe đứt khiến đơn vị thi công không dám uốn lại sợ gãy rời.
Bên cạnh đó, khoảng cách đai ở dầm và cột theo quy định bản thiết kế gần cột là 15cm và 20cm. Tuy nhiên người dân cho biết khi nhìn bằng mắt thường thì khoảng cách phải lên đến gần 30cm.
Ngoài ra, theo thiết kế, nền nhà được đổ và nén bằng cát, nhưng trên thực tế, đơn vị thi công đã dùng đất để san nền. Đến khi người dân phát hiện, đơn vị thi công mới xúc đất và mang cát đến thay thế, nhưng người dân đã chặn lại không cho đổ. Họ yêu cầu phải sửa lại phần móng đúng theo thiết kế mới cho đổ cát.
Ông Nguyễn Trí Lễ (76 tuổi), ở thôn 6, xã Hưng Công bức xúc cho biết: “Hàng chục năm nay, các cháu mầm non học ở khu trường cũ, mặc dù chỉ là ngôi nhà cấp 4 nhưng chúng tôi vẫn thấy an toàn hơn. Nếu xây dựng kiểu này tính mạng các con cháu chúng tôi khi vào học liệu có được đảm bảo, khi mà công trình làm theo kiểu này? Nếu xây như thế này, chúng tôi thà tu bổ lại trường cũ còn hơn”.
Công trình vẫn đảm bảo sai số cho phép?
Theo ông Trần Văn Tấn (75 tuổi), ở thôn 6 phản ánh: “Trong một lần ra xem xây dựng công trình, tôi và người dân mới phát hiện là đơn vị thi công lúc trộn bê tông làm móng, thì họ đổ 9 thúng đá, 7 thúng cát và 1 bao xi. Nếu đúng tỷ lệ phải là 4 cát, 6 đá và 1 xi, hơn nữa đá làm móng lại là loại đá nhỏ không hải đá 1.2. Chúng tôi đã yêu cầu đơn vị thi công dừng việc này để làm rõ. Sau đó chúng tôi ở lại giám sát thì người ta mới làm đúng tỷ lệ đã chia”.
Sau khi phát hiện những sai phạm trên, người dân đã thông báo lên cho chính quyền địa phương để yêu cầu làm rõ. Tuy nhiên, không hiểu vì sao, việc thi công vẫn cứ tiếp diễn, buộc người dân phải trực tiếp canh gác, đấu tranh và ngăn chặn đơn vị thi công, không cho họ tiếp tục xây dựng. Nhưng khi người dân đi làm, đơn vị thi công lại tiếp tục làm việc, khi có người ra ngăn chặn thì đơn vị này lại tạm dừng.
Theo trình bày của người dân, khi biết đơn vị thi công làm phần móng có quá nhiều khuất tất, họ đã yêu cầu xã phải cung cấp hồ sơ thiết kế công trình để xem xét và báo cáo tổ chức tư vấn giám sát về chất lượng thi công công trình. Đến khi nhận được bản thiết kế và báo cáo họ mới “ngã ngửa” khi biết trong báo cáo có yêu cầu phải thành lập Ban giám sát nhân dân và Ban giám sát cộng đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, không có một ban giám sát nào như vậy.
Để làm rõ vấn đề trên, chúng tôi đã đến UBND xã Hưng Công, trao đổi về vấn đề này, ông Trần Đức Thành - Chủ tịch UBND xã Hưng Công cho biết: “Về việc thành lập ban giám sát nhân dân, xã đã làm đúng theo quy định. Ban giám sát gồm 9 người, 8 người trong đó là các đại diện của các cơ quan, đoàn thể trong xã, thôn, người còn lại được xã đề nghị cán bộ thôn tiến cử từ dân. Nhưng do người dân không tham gia nên xã phải cử một công an viên trong thôn nhà gần địa điểm làm trường thay thế”.
Ông Thành cũng cho biết thêm: “Sau khi nhận được kiến nghị từ người dân, chúng tôi đã mời đơn vị thi công lên để chấn chỉnh. Chúng tôi yêu cầu đơn vị thi công, ban giám sát và ban quản lý dự án là người chúng tôi thuê. Vì về phía UBND xã chúng tôi không đủ điều kiện, năng lực mà phải là các đơn vị nhà nước và được nhà nước cho phép chúng tôi thuê, thực hiện một số báo cáo kết luận về chất lượng công trình. Đơn vị thi công đã cam kết đảm bảo chất lượng công trình. Khi nêu ra những ý kiến mà người dân đưa ra, theo thiết kế thì chưa gọi là chính xác, song về chất lượng công trình thì đều đảm bảo sai số trong khuôn khổ cho phép. Đơn vị thi công cam kết chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư nếu như có vấn đề xảy ra.
Đồng thời, chúng tôi đã thống nhất, thỏa thuận với người dân sẽ mời cơ quan có đủ điều kiện năng lực, để thẩm định chất lượng công trình trường mầm non xóm 7, 8 và trả lời với nhân dân. Hiện nay công trình này cũng đang tạm dừng thi công”.
Trước đó, ngôi trường mầm non Trung tâm xã Hưng Công cũng đã được xây dựng với số vốn hơn 5 tỷ đồng. Ngôi trường này cũng đã được đưa vào sử dụng từ tháng 9/2014. Nhưng sau khi đi vào hoạt động gần 7 tháng đến nay, song hiện tượng bong tróc sơn đã diễn ra. Tìm hiểu tại hiện trường, phóng viên nhận thấy lớp ngoài cùng của tường không phải được sơn đúng nghĩa, mà chỉ là được quét một lớp sơn rất cẩu thả. Lớp sơn này có thể dùng móng tay cạy và xoa bong ra từng mảng. Bên cạnh đó, nhiều phần tường có thể dùng ngón tay chọc thủng, bong rơi cát. Ngay cả đinh bắt vít treo khung ảnh cũng có thể dùng tay rút ra dễ dàng.
Khi được PV hỏi về công trình này, ông Thành cho biết: “Công trình vẫn đang trong giai đoạn bảo hành”. Với hàng loạt sai phạm trong việc xây dựng trường mầm non với kinh phí đầu tư hơn 4 tỷ đồng, nhưng phía đơn vị thi công vẫn báo cáo là “sai số cho phép?”. Trong khi đó người dân vẫn nơm nớp lo sợ nếu cho con cháu của họ vào học ở một ngôi trường không đảm bảo chất lượng liệu có an toàn…?.
Đức Văn