Bữa ăn khi du học

"Có thực mới vực được đạo", nhưng với nhiều du học sinh, chuyện ăn uống nơi đất khách dường như ít được để ý đến. Tuy nhiên trên thực tế, quanh chuyện ăn cũng có nhiều điều để nói.

Nhiều thức ăn không được vượt biên

 

Khi có người quen từ Việt Nam ra nước ngoài, ai cũng muốn gửi mang dùm sang cho con đang du học vài món thức ăn nào đấy. Người thì ký mứt, chục con mực khô.

Người khác lại gửi thịt ruốc thịt, khô bò, lạp xưởng... Có người không ngại gửi cả nước mắm đông cô, mắm tôm chua... thôi thì mùa nào thức nấy!

 

Chỉ tội cho "khổ chủ": không nhận thì áy náy, nhận thì đôi khi quá tải hoặc phải bỏ lại hoặc phải trả thêm cước phí chuyên chở vốn không rẻ.

 

Ê ẩm nhất là khi đi qua các sân bay quốc tế hoặc sân bay nước sở tại bị hải quan cửa khẩu kiểm tra phát hiện. Món thức ăn có thể bị loại bỏ ngay lập tức.

 

Tất cả các nước, đặc biệt là các nước Âu Mỹ, đều có những quy định chặt chẽ trong việc cho phép hay không cho phép đưa qua biên giới nước mình các loại thực phẩm, trái cây...

 

Họ làm như vậy nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân nước họ, bảo vệ hàng hóa thực phẩm, giống cây của xứ họ chống lại những nguy cơ nhiễm khuẩn, lai tạp, dịch bệnh...

 

Ví dụ, một số loại fromage (pho-mát) của Pháp không được đưa vào Bắc Mỹ theo con đường tự do.

 

Cục Camembert - một loại pho-mát Pháp - cùng con gà nướng tôi mang từ Paris sang Canada đã bị nhân viên hải quan vứt vào sọt rác không thương tiếc!

 

Trong chuyến du lịch đi từ Pháp sang Nga, hải quan cửa khẩu đã buộc tôi phải vứt hết số táo mà tôi mang theo ăn đường. Chiếc va-li của tôi bị thất lạc ở sân bay Frankfourt, khi tìm lại được thì gói mực khô đã không cánh mà bay vì bị kiểm tra.

 

Thường thì những thức ăn, thực phẩm sấy khô, đóng gói kỹ, có xuất xứ rõ ràng thì không ngại gì. Nhưng những thức ăn có mùi vị đặc biệt, tươi sống, không rõ nguồn gốc, các loại cây, hạt giống... thì chắc không lọt. Hải quan sân bay Huế từng giữ lại chai nước mắm Phan Thiết của tôi.

 

Ngày xưa, khi thế giới này còn chưa "toàn cầu hóa", kiếm được ít thực phẩm châu Á ở nhiều thành phố Âu Mỹ quả là một kỳ công. Nhưng nay tình hình đã đổi thay rất nhiều.

 

Mang thức ăn Việt Nam ra nước ngoài phải kể là "của một đồng công một nén", nếu không nói là đôi khi "chở củi về rừng" vì hàng Trung Quốc, Thái Lan, Hồng Kông tràn ngập...

 

Dù vậy, ở những thành phố hẻo lánh, ít người châu Á sinh sống, đồ ăn châu Á vẫn khó tìm và khá đắt. Nhiều người vẫn thích mang thức ăn ra nước ngoài, qua cửa khẩu không khai báo gì, may thì "thoát" được.

 

Món ăn ngon và không ngon

 

Suốt đời có lẽ không bao giờ tôi quên được "bài học ẩm thực" đầu tiên khi mới đặt chân lên đất Paris. Trong bếp ăn công cộng của ký túc xá, tôi kho một nồi thịt với nước mắm.

 

Để nồi thịt trên bếp cho nhừ, tôi quay lên phòng mình học bài tiếp. Hơn nửa giờ sau khi tôi trở xuống thì nồi thịt đã biến mất.

 

Tôi cứ ngỡ ai đùa mình, tìm quanh quất thì một cậu sinh viên ngoại quốc ở phòng gần đó chạy ra nói: "Nồi thịt của cậu phải không, cậu ăn cái gì mà hôi thế, tôi bỏ nó vào sọt rác rồi!".

 

Nghe anh bạn nói thật tình tôi không biết nên khóc hay nên cười. Quả là tôi có phần sơ ý quá.

 

Nước mắm tuy là món "quốc hồn quốc túy" của Việt Nam thật nhưng không phải ai cũng quen thưởng thức hương vị của nó.

 

Lại một lần khác, khi tôi đi vắng, chị nhân viên vệ sinh của ký túc xá đã thẳng cánh cho gói mực khô của tôi vào sọt rác khi vào dọn phòng. Khi tôi về, chị còn mắng: "Thứ đó hỏng rồi, hôi lắm, sao còn mang vào trong phòng!".

 

Ngược lại, người nào không tế nhị đôi lúc cũng tỏ ra khiếm nhã khi thấy người khác ăn loại fromage Roquefort rất ngon và rất đắt tiền của Pháp nhưng lại cũng có mùi vị rất đặc trưng.

 

Không ít bạn du học sinh Việt Nam cau mày khi người bên cạnh thưởng thức món này. Người khác thì lại nhăn mặt khi thấy miếng bifteck (beefsteak) của thực khách bên cạnh vẫn còn tươi hồng. Khi ấy hãy nhớ lại lúc mình kho thịt với nước mắm "lẫy lừng" gian bếp chung!

 

Trường đại học của các nước thường có thể coi như một môi trường "rất quốc tế" vì ở đây có rất nhiều sinh viên ở các nước trên thế giới cũng tới theo học giống như mình.

 

Có người theo đạo Hồi, ăn thịt cừu, người theo đạo Ấn, không ăn thịt bò, có người ăn chay, ăn nhiều gia vị... Mỗi dân tộc có một thói quen ăn uống và một văn hóa ẩm thực riêng.

 

Món này đối với mình có thể là ngon nhưng đối với người khác thì không, hoặc ngược lại. Điều quan trọng là biết tôn trọng văn hóa và sở thích của người khác.

 

Bánh mì và mì gói

 

Đó là cái điệp khúc mà không ít du học sinh phải ca hoài. Vì nhiều lý do, nhất là đối với các cậu con trai chưa vợ, xa nhà lần đầu.

 

Thiếu thời gian vi làm việc trong phòng thí nghiệm liên tục, ôn thi, viết luận văn... chợ xa, cuối tháng hết tiền, hay đơn giản chỉ vì lười nên hết bánh mì lại tới mì gói.

 

Ngay cả khi các cô các cậu đi du học ở một nước châu Á thì chuyện này vẫn có thể xảy ra, vì rõ ràng những món ăn Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc không phải lúc nào cũng "hợp khẩu vị" người Việt!

 

Đi chợ cũng là một sự vất vả. Những người vẫn quen ăn hàng, ăn với gia đình... thì chuyện nấu nướng đảm bảo ngày ba bữa sẽ là một công việc không mấy nhẹ nhàng.

 

Bí quyết là ở chỗ phải có chút hiểu biết về dinh dưỡng và tổ chức bữa ăn của mình cho hợp lý. Nên đi chợ một lần cho cả tuần và tập ăn những món thức ăn chế biến sẵn của xứ bạn. Những bữa liên hoan, ăn chung với các bạn Việt nam khác thường là một nguồn vui và động viên tinh thần rất lớn.

 

Vì vậy, trước khi lên đường du học, ngoài những gói ruốc thịt, mực khô, lạp xưởng... mang theo, các bạn du học sinh còn nên trang bị cho mình tinh thần cởi mở, tính thích nghi, tự lập, cũng như tính chăm chỉ và tiết kiệm trong việc "bếp núc" ở xứ người. Có vậy mới đảm bảo sức khỏe để theo đuổi chuyện đèn sách lâu dài.

 

Theo Nguời Viễn xứ