Bữa ăn bán trú: Đừng để lợi ích cá nhân bóp miệng trẻ

Với dạy học 2 buổi/ngày ở Tiểu học, bữa ăn bán trú có ý nghĩa quan trọng bảo đảm phát triển thể chất học sinh. Trong thực tế tổ chức bữa ăn bán trú hiện nay, an toàn thực phẩm đang phụ thuộc rất lớn vào cái tâm và năng lực của hiệu trưởng.

Từ đó đặt ra vấn đề làm sao minh bạch hóa tối đa việc giám sát bữa ăn bán trú…

 

Lời cảnh báo từ vụ việc đau lòng

 

Bàn về bữa ăn bán trú, vấn đề lo lắng hàng đầu là vệ sinh an toàn thực phẩm – nghĩa là lo nhất cho chất lượng thực phẩm đầu vào nhà bếp như thịt có ôi thiu, rau quả có thối rữa... Tuy nhiên, sau sự việc ăn bớt khẩu phần học sinh tại một trường tiểu học tại Nha Trang đã hé lộ ra khoảng trống giám sát quá trình nấu nướng ngay trong bếp ăn bán trú.

 

Ngày 30/11, đoàn kiểm tra của Phòng GD&ĐT TP Nha Trang kiểm tra Trường tiểu học Tân Lập, khi kiểm tra bếp ăn đã phát hiện trong khoang chứa ga có nửa xô canh khoai tím đã nấu tôm, 2 kg thịt bò được chia đều làm 5 phần (một phần đựng trong xô và 4 phần đựng trong túi nilon). Số thực phẩm này được giấu khi cấp dưỡng đã chia xong thức ăn cho các lớp học. 

 

Việc xử lí sai phạm với cấp lãnh đạo cao nhất của trường là đương nhiên nhưng từ sự việc này đặt ra vấn đề là làm sao có được một quy trình “chuẩn” cho tổ chức bữa ăn bán trú. 

 

Bữa ăn bán trú: Đừng để lợi ích cá nhân bóp miệng trẻ
Chăm sóc bữa ăn hợp vệ sinh đủ dinh dưỡng cho trẻ vừa là lương tâm và trách nhiệm của người quản lý trong các trường bán trú.

 

Hiện trạng tổ chức bữa ăn bán trú

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì việc tổ chức bữa ăn bán trú hiện nay được các trường lựa chọn trong 3 hình thức: Một là đặt cơm hộp – nấu từ nơi khác chuyển đến trường; hai là khoán cho công ty cung cấp dịch vụ nấu ăn nấu ngay tại trường; và ba là nhà trường tự tổ chức nấu ăn.

 

Với hình thức đặt cơm hộp thường được lựa chọn bởi những trường có điều kiện cơ sở vật chất chật hẹp, không có khu vực nấu bếp; hay với những trường đang trong giai đoạn xây dựng học nhờ, học tạm. Hình thức này có thể coi là “hạ sách” nhất vì nhà trường coi như không thể giám sát được chất lượng thực phẩm đầu vào. Ngoài ra việc vận chuyển suất ăn từ khu vực nấu cách xa trường cũng có thể gặp sự cố tắc đường, lụt lội… làm xáo trộn giờ ăn của học sinh.

 

Hình thức khoán cho công ty đến nấu tại trường được nhiều trường lựa chọn nhất do nhà trường không phải lo biên chế nhân sự trong khi vẫn giám sát được chất lượng thực phẩm và quá trình nấu nướng cho tới khi giao suất ăn tới học sinh. Một hiệu trưởng chia sẻ thẳng thắn: Việc tuyển nhân viên hợp đồng làm công việc nấu nướng sẽ nảy sinh nhiều phiền toái. Hiệu trưởng không thể từ chối nhận trường hợp con em giáo viên trong trường, đến khi có vi phạm thì cũng “khó ăn khó nói”! Trong khi đó, việc thuê công ty bên ngoài vào nấu không có ràng buộc quan hệ tình cảm; và trách nhiệm được thể hiện rõ trên hợp đồng.

 

Hình thức nhà trường “thầu tất” bữa ăn bán trú không nhiều. Để tổ chức một bữa ăn bán trú có nhiều công đoạn từ chọn mua thực phẩm, đến lo nhân sự nấu nướng… Những hạn chế của hình thức này đã cũng khiến nhiều trường lựa chọn hình thức thuê công ty bên ngoài vào trường nấu bữa ăn bán trú.

 

Cần một quy trình quản lí chặt chẽ 

 

Không kể hình thức mua cơm hộp cho học sinh được rất ít trường thực hiện, 2 hình thức tổ chức bữa ăn bán trú còn lại đều có cơ chế giám sát từ đầu vào tới đầu ra giống nhau. Theo quy trình chung thì thực phẩm khi được chuyển tới nhà bếp bắt đầu được kiểm tra giấy phép kiểm dịch, kiểm tra bằng cảm quan đối với rau củ quả.

 

Hiệu trưởng Trường tiểu học Q (quận Hai Bà Trưng, HN) cho biết việc giám sát bắt đầu từ khâu đầu tiên này (mặc dù công ty dịch vụ nấu ăn đã chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng thực phẩm đầu vào), ban giám sát gồm có thanh tra nhân dân, đại diện Hội phụ huynh học sinh (tham gia đột xuất) cân đo, kiểm tra bằng cảm quan đối với thực phẩm đầu vào; trường cắt cử một nhân viên thuộc tổ bán trú trực tiếp đứng bếp theo dõi quá trình nấu nướng; sau khi qua chế biến, lại tiếp tục cân đo để định lượng thành phẩm (chẳng hạn qui đổi 1 kg thịt sống, sau chế biến còn 0,7 kg); nhân viên tổ bán trú tiếp tục theo dõi chia suất về các lớp; giáo viên trực lớp có trách nhiệm góp ý về suất ăn của học sinh trong ngày với lãnh đạo nhà trường như món ăn mặn, nhạt, ít thức ăn…

 

Có trường thay vì cử người giám sát thì lắp camera giám sát trong bếp ăn. Hiệu trưởng một trường có lắp camera cho biết việc quản lí bằng camera buộc đầu bếp có ý thức tự giác cao, không chỉ phòng tránh chuyện ăn bớt đồ ăn mà còn phải có ý thức giữ gìn vệ sinh trong quá trình nấu nướng.

 

Theo ý kiến chia sẻ của nhiều hiệu trưởng thì thực tế những trường có được bữa ăn đảm bảo số lượng, chất lượng ở mức ngon thì đều do cái tâm và sự tinh tế của hiệu trưởng. Nói vậy để thấy cần có một qui trình chuẩn cho quản lí giám sát quá trình nấu nướng bữa ăn bán trú. Đây là điều rất cần thiết để buộc những trường chưa làm tốt có trách nhiệm và nỗ lực hơn nữa đảm bảo bữa ăn sạch, ngon và đầy đặn cho học sinh.

 

Một hiệu trưởng trường tiểu học tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) tâm sự: Hiệu trưởng phải coi học sinh như con cái ruột thịt của mình. Con mình ăn ngon như thế nào thì cho học sinh ăn như vậy. Phải xuất phát từ tình cảm và nhận thức này thì hiệu trưởng mới tổ chức tốt được bữa ăn bán trú.

 

Theo Đức Duy

GD&TĐ