Bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ, lợi cho ai?

Đa số các trung tâm bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ “ăn chia” với nhà trường theo tỉ lệ 60/40, trong đó trích ra từ 5% - 10% cho ban giám hiệu. Đây chính là lý do khiến các trung tâm này rộ trong các trường công lập trong thời gian gần đây...

Ép học sinh học thêm

 

Trong khi Sở GD-ĐT TPHCM cấm việc dạy và học thêm ở các trường thì trung tâm bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ (TTBDVHNG) Văn Hiến lại được tự do tung hoành. Điều khiến giáo viên bức xúc nhất là họ chỉ được hưởng 40% từ nguồn thu, còn trung tâm hưởng đến 60%. Các giáo viên cho rằng trung tâm này đã bóc lột sức lao động của họ.

 

Ghi nhận tại quận 6, chúng tôi thấy TTBDVHNG Văn Hiến mở hoạt động dạy thêm ở các trường THCS Phạm Đình Hổ (đường Gia Phú), Bình Tây (đường Phạm Văn Chí), Văn Thân (đường Văn Thân)...

 

Một buổi tối, chúng tôi có mặt tại Trường THCS Phạm Đình Hổ để tìm hiểu cụ thể vấn đề này. Trời mưa lất phất. Nhiều phụ huynh kiên nhẫn đụt mưa đợi đón con về. Một phụ huynh có con học ở lớp 8A10 nói với chúng tôi: “Việc học thêm thật ra chẳng có lợi gì nhiều. Nhưng không cho đi học thì ngày nào giáo viên cũng kêu trả bài”. Đó cũng là lý do chính của các phụ huynh cho con đi học thêm.

 

Hưởng 60% là quá nhiều!

 

Chúng tôi đã gặp cô Vũ Thanh Thảo, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phạm Đình Hổ, để tìm hiểu thêm về vấn đề này. Cô Thảo cho biết toàn trường có 305 học sinh ở các khối lớp từ 6 đến 9 đăng ký học thêm tại TTBDVHNG Văn Hiến. Cô Thảo xác nhận tỉ lệ “ăn chia” 60/40 (nhà trường hưởng 40%) là đúng.

 

Trong khi đó, mọi việc từ lên thời khóa biểu, sắp xếp giáo viên, phân bố giờ dạy, phòng học đều do phía nhà trường làm cả, phía trung tâm chỉ cử người thu học phí. Rõ ràng phía trung tâm hưởng 60% là quá nhiều!

 

Cô Thảo cũng cho biết, trung tâm trả cho giáo viên từ 30.000-40.000 đồng/tiết tùy theo số học sinh trong lớp nhiều hay ít. Tiền thuê phòng học là 250.000 đồng/phòng/tháng. Riêng ban giám hiệu được trung tâm trả tiền quản lý là 5%. Cụ thể, trong tháng 11 số tiền này là 650.000 đồng. Cô Thảo cho biết, số tiền này được chia cho hiệu trưởng 220.000 đồng, hai hiệu phó mỗi người 215.000 đồng.

 

Học sinh phải trả gấp đôi học phí

 

Trung tâm hưởng lợi, còn phía học sinh thì được gì? TTBDVHNG Văn Hiến đã tăng gấp đôi học phí khi tổ chức dạy thêm tại các trường. Cụ thể các khối 6, 7, 8 thu từ 20.000 đồng lên 40.000 đồng/môn/tháng; khối 9 từ 25.000 đồng lên 50.000 đồng/môn/tháng. Một học sinh nếu đăng ký học đủ 5 môn phải đóng 210.000 đồng/tháng.

 

Cô Vũ Thanh Thảo cho biết, tại Trường THCS Phạm Đình Hổ trước đây tự tổ chức phụ đạo chỉ thu từ 8.000 đồng đến 16.000 đồng/tháng tùy theo môn. Chúng tôi không tin ở tai mình khi nghe những thông tin này. Mỗi học sinh đi học thêm ở trung tâm phải trả học phí gấp khoảng 2,5 lần trước đây khi học phụ đạo trong nhà trường!

 

“Các học sinh nghèo ở quận 6 liệu có cơm ăn ngày hai bữa hay phải nhịn đói đóng học phí? Lẽ nào lãnh đạo Phòng Giáo dục quận và Sở GD-ĐT TP làm ngơ?” - thư tập thể giáo viên viết.

Dạy thêm được hợp thức hóa!

Đầu năm học 2005-2006, nhiều phụ huynh ngạc nhiên khi thấy ở một số trường công lập có dán bảng thông báo tổ chức phụ đạo ngoài giờ có thu tiền cho tất cả các khối lớp.

Tại sao các trường công khai việc dạy thêm đồng loạt như vậy, trong khi Sở GD-ĐT TPHCM đã có chủ trương cấm? Nhiều trường còn dán lên thời khóa biểu, bảng phân phối giờ học của từng khối lớp một cách cụ thể khiến không ít phụ huynh lo lắng.

Nhìn kỹ lại bảng thông báo, lúc này mới biết việc tổ chức dạy phụ đạo không phải do nhà trường mà do một TTBDVHNG tổ chức. Có phụ huynh thắc mắc hỏi thẳng hiệu trưởng tại sao nhà trường không tự tổ chức mà để cho một trung tâm bên ngoài vào hoạt động?

Vị hiệu trưởng trả lời Sở GD-ĐT TP.HCM không cho trường dạy thêm đồng loạt học sinh của mình. Còn TTBDVHNG thì không liên quan gì đến trường. Họ có giấy phép hoạt động của sở hẳn hoi, phía trường chỉ cho thuê phòng để có thêm kinh phí.

 

 

Nhóm PV Giáo dục

Báo Người Lao Động