Bồi dưỡng giáo viên kiểu… đối phó!

Việc bồi dưỡng thường xuyên khiến nhiều nhà giáo bức xúc vì quy định chỉ mang tính hình thức, làm khổ giáo viên.

Giáo viên (GV) một trường THPT tại quận 3, TP HCM cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đưa ra mấy chục module rồi yêu cầu GV phải tự bồi dưỡng hoặc nhà trường tổ chức bồi dưỡng. Mỗi năm, GV phải đăng ký học khoảng 4 nội dung tự chọn và bắt buộc. Cuối năm phải có sản phẩm thu hoạch hoặc bài thi. Sau đó, các trường đánh giá xếp loại GV gửi lên Sở GD-ĐT cấp chứng chỉ. Việc GV cần bồi dưỡng chuyên môn, đạo đức là quy định cần nhưng vấn đề ở đây là việc bồi dưỡng hiện nay không thực chất, mang tính đối phó là chính.

Làm cho có

Theo Thông tư 26 của Bộ GD-ĐT, mục đích của bồi dưỡng thường xuyên là để cán bộ quản lý, GV cập nhật kiến thức về chính trị, kinh tế - xã hội, bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, phát triển năng lực dạy học, năng lực giáo dục và những năng lực khác theo yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp GV. Ngoài ra, mục đích quan trọng khác là nhằm phát triển năng lực tự học, tự bồi dưỡng của GV.


Việc bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên cần gắn với chuyên môn, tránh hình thức. (Ảnh: Tấn Thạnh)

Việc bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên cần gắn với chuyên môn, tránh hình thức. (Ảnh: Tấn Thạnh)

Thầy N.Q - giáo viên một trường THCS tại quận 7, TP HCM - cho biết mỗi GV phải thực hiện việc bồi dưỡng gồm các nội dung: Kiến thức bắt buộc (30 tiết/năm) và khối kiến thức tự chọn (60 tiết/năm). Ở bậc THCS, mỗi GV được chọn trong khối kiến thức tự chọn với các nội dụng về giáo dục kỹ năng sống, giáo dục bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, sử dụng di sản và giảng dạy, giáo dục địa phương, đổi mới việc phát triển năng lực thí nghiệm thực hành và năng lực nghiên cứu cho học sinh. Ngoài ra, căn cứ nhu cầu của cá nhân, khối kiến thức tự chọn trong chương trình bồi dưỡng thường xuyên, GV tự lựa chọn thêm các module bồi dưỡng để đủ thời lượng theo quy định.

Chính việc GV được tùy chọn phương thức, làm bài theo một khuôn mẫu có sẵn nên những nội dung bồi dưỡng cũng quanh đi quẩn lại những kiến thức như đổi mới phương pháp dạy, bồi dưỡng kỹ năng sống…Chính vì điều này, mục đích tốt đẹp ban đầu của quy định là giúp GV có ý thức nâng cao tính tự học trở thành việc làm mang tính đối phó và mất thời gian.

“Điều quan trọng của quy định là yêu cầu chất lượng của việc bồi dưỡng lại không cụ thể khiến mỗi trường làm mỗi kiểu. GV thực hiện rất lơ là, chỉ cần có bài thu hoạch nộp đúng thời điểm. Trường chỉ cần 100% cùng hoàn thành là xong” - thầy Q. cho biết.

Thả lỏng chất lượng

Hiệu trưởng một trường THPT tại quận 1, TP HCM cho hay nhà trường lúc nào cũng nhắc nhở GV thực hiện việc bồi dưỡng thường xuyên một cách nghiêm túc, thế nhưng khó trách họ khi đó là quy định mở, cũng không xếp vào thi đua, GV chỉ cần hoàn thành là tốt, cũng không cần đầu tư công sức, tâm huyết, trí tuệ.

“Sáng kiến, kinh nghiệm, GV còn có thể mang đi thi, còn đầu tư vào bồi dưỡng thường xuyên thì không được gì lại mất thời gian. Có trường hợp, GV được chọn 4/35 module mỗi năm để làm bài thu hoạch nên các GV phân công nhau, năm này GV này làm chủ đề này, GV kia làm chủ để khác; năm sau, 2 người đổi cho nhau. Nhìn bài thu hoạch không khác gì nhau nhưng rõ ràng họ làm đúng quy định” - vị hiệu trưởng này nói.

Cô Đào Kim Phụng, nguyên GV Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4, TP HCM), nhận xét vấn đề quan trọng là bộ chỉ quy định việc GV phải bồi dưỡng nhưng lại thả lỏng chất lượng các bài thu hoạch. Theo cô Phụng, nói một cách dễ hiểu, cái gì không khắt khe thì sinh dễ dãi. GV chỉ bị giới hạn về thời gian, chủ đề cũng được cho sẵn. Chính điều này nảy sinh chuyện sao chép bài thu hoạch của nhau hoặc lên mạng sao chép là xong.

Do đó, ý nghĩa ban đầu của quy định là giúp GV sáng tạo và tự giác đã không còn. “Hiện nay chỉ cần lên mạng là có hàng loạt thông tin về kiến thức pháp luật, các nội dung giáo dục kỹ năng sống, giáo dục bảo vệ môi trường… Thế nên không dại gì GV tự mày mò, nghiên cứu” - cô Phụng nêu thực tế.

Thầy Đặng Chí Minh, GV Trường THPT Tân Phong (quận 7), nhận định đặc thù của ngành sư phạm là GV luôn luôn phải tự bồi dưỡng để nâng cao yêu cầu dạy học nhưng hạn chế của thông tư là không quy định việc đánh giá chất lượng của việc bồi dưỡng một cách rõ ràng. “Cứ cuối năm, GV phải nộp sản phẩm, không ít trường hợp làm theo kiểu đối phó, gần sát thời hạn nộp bài thì mới làm. Bài viết trong những lúc vội vàng như thế thì chỉ là hình thức, làm gì có chất lượng!" - thầy Minh cho biết.

Nên để giáo viên tự học

Một chuyên gia giáo dục cho rằng ngành GD-ĐT đang mong muốn giảm tải cho GV nhưng có vẻ càng ngày GV càng nhiều việc. Từ yêu cầu GV phải có sáng kiến, kinh nghiệm, tham gia các phong trào, vừa bồi dưỡng chuyên môn đến bồi dưỡng thường xuyên… thì hậu quả là họ bị quá tải. Việc này nên để GV tự học, tự giác. Còn chuyện ban hành quy định mà không lường trước được kết quả thì việc thực hiện cũng chỉ là làm cho xong chuyện.

Theo Đặng Trinh

Người Lao Động