Bộ trưởng: Sẽ hỗ trợ các trường tư bằng hành động cụ thể
(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo các đơn vị chức năng như vậy tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ngày 23/3.
Đề xuất xem xét miễn bảo hiểm đối với toàn bộ giáo viên quý I và II
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ một phần khó khăn cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập, không chỉ dừng ở văn bản đề xuất mà cần có hành động cụ thể.
Bộ trưởng cũng gửi lời động viên, chia sẻ sâu sắc tới giáo viên, học sinh và phụ huynh trên cả nước và mong rằng, các nhà trường, học sinh, phụ huynh yên tâm, tiếp tục chủ động phối hợp với ngành Giáo dục để vừa tích cực phòng, chống dịch bệnh, vừa đảm bảo việc dạy và học với phương châm, học sinh không đến trường nhưng việc học không gián đoạn.
Trước đó, 150 cơ sở giáo dục ngoài công lập (bao gồm các trường học từ mầm non đến phổ thông, đại học, các trung tâm ngoại ngữ…) đã có kiến nghị khẩn gửi tới Thủ tướng, các bộ, ban ngành về hỗ trợ vượt qua khó khăn của dịch bệnh Covid-19, nếu không sẽ bị phá sản vì không cân đối được thu chi.
Các trường tư cũng chỉ có thể kéo dài thời gian xoay sở không quá 3 tháng (theo thời gian đóng tiền học trung bình của học sinh). Nếu bị phá sản hoặc mất thanh khoản, chỉ tính tại 200 trường phổ thông tư nhân quy mô vừa ở TP HCM và HN thì sẽ có hàng ngàn giáo viên mất việc, hàng ngàn tỉ tiền vay ngân hàng sẽ không được trả đúng hạn.
Trước tình hình này, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất các biện pháp, chính sách đối với trường tư thục để ứng phó với dịch Covid-19.
Cụ thể, miễn, giảm, kéo dài thời gian quyết toán các khoản thuế năm 2019 và miễn các khoản thuế phát sinh trong quý 1 và 2 năm 2020 đối với các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan xem xét miễn bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với toàn bộ giáo viên, giảng viên, nhân viên, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập đang tham gia đóng trong quý 1 và 2 năm 2020...
Mong hỗ trợ bằng chính sách
Bà Nguyễn Thị Ngân Hoa – Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Victoria Thăng Long cho rằng: "các trường tư cần sự bình đẳng về chính sách đối với giáo viên và học sinh, phụ huynh các trường ngoài công lập. Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư giáo dục không phải để “giải cứu” các chủ trường, mà để hỗ trợ về tinh thần và vật chất (dù là rất ít) cho giáo viên, phụ huynh và tất cả các học sinh. Chỉ cần sự hỗ trợ từ Chính phủ bằng 30-50% so với các học sinh và giáo viên của trường công là đã rất quý rồi".
Được biết, về tiền lương cho giáo viên trong đợt nghỉ dịch này, trường Tiểu học và Trung học cơ sở Victoria Thăng Long đã gửi thông báo rõ tới từng giáo viên, trong tháng 2/2020 trả 70% lương theo hợp đồng vì giáo viên không đứng lớp trực tiếp. Khi giáo viên quay lại trường dạy học và dạy bù trong tháng 6 như quy định của Nhà nước thì nhà trường thanh toán đủ theo hợp đồng.
Còn tại trường Vietschool (Thanh Xuân, Hà Nội), vẫn chi trả đầy đủ 100% tiền lương của giáo viên trong 3 tháng nghỉ dịch Covid-19 và động viên các thầy cô tiếp tục giảng dạy học trò qua các lớp học trực tuyến.
Với phụ huynh đã có con học tập tại trường, nhà trường cam kết không thu phí ôn tập trực tuyến đến hết tháng 4/2020. Các lớp học trực tuyến tại trường có 3 ca/ngày, mỗi ca học kéo dài 40 phút. Việc học 3 ca từ thứ 2 - thứ 6, với tất cả các môn học.
Nhà trường đã chi 6 tỷ đồng để hỗ trợ giáo viên, học sinh trong dạy học trực tuyến hoàn toàn miễn phí này.
Ông Nguyễn Trường Giang, đại diện truyền thông của nhà trường cho hay, dịch Covid-19 đang phức tạp chưa biết bao giờ kết thúc, ngoài việc triển khai dạy online, nhà trường sẽ đổi mới phương pháp tuyển sinh bằng việc thử nghiệm hình thức thi thử trực tuyến, dự kiến áp dụng cho năm học sau.
Thời gian qua, nhà trường liên tục tổ chức các kỳ thi thử trực tuyến để đánh giá năng lực học sinh, tiến đến đổi mới hình thức tuyển sinh cho năm học 2020-2021. Mặc dù là kỳ thi thử, nhưng quy trình thực hiện vẫn rất bài bản, dưới sự đánh giá của Ban Đào tạo và sự giám sát của Ban Giám hiệu nhà trường. Kỳ thi thử dưới hình thức phỏng vấn 1-1 được đánh giá là giải pháp linh hoạt, đem đến sự an tâm cho phụ huynh học sinh trong mùa dịch bệnh.
Đồng thời, nhà trường cũng hỗ trợ giảm học phí đối với các phụ huynh có con nhập học trong năm học 2020 – 2021, chung tay với cộng đồng vượt qua giai đoạn khó khăn.
Hồng Hạnh