Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Ngành giáo dục đã chuyển hướng thành công!
(Dân trí) - Tại Hội nghị tổng kết năm học 2014-2015 và nhiệm vụ trọng tâm năm học 2015-2016 khối ĐH, CĐ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã có những chia sẻ hết sức thẳng thắn. Bộ trưởng khẳng định ngành giáo dục đã chuyển hướng thành công còn việc khắc phục bất cập, yếu kém thì cần phải có thời gian.
Lắng nghe ý kiến của các đại biểu tham dự tại đầu cầu Hà Nội cũng như trưởng các đầu cầu khác báo cáo lại kết quả thảo luận, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận bày tỏ: “Về cơ bản, các trường bày tỏ sự nhất trí đối với báo cáo của Bộ GD-DT kể cả đánh giá, nhận định tình hình năm học 2014-2015 cũng như dự kiến năm học 2015-2016. Chúng ta đã triển khai công việc đổi mới đúng tinh thần Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ cũng như sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đã có những kết quả và thành công bước đầu. Bên cạnh đó cũng có những hạn chế trầm trọng, những yếu kém cũ cũng có dịp bộc lộ một cách rõ ràng hơn”.
Minh chứng cho vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhắc lại “sự cố” về tra cứu điểm thi vừa qua với bài học thực tế: Ứng dụng công nghệ thông tin không phải chỉ có mỗi hạ tầng. Bộ trưởng cũng thừa nhận những bất cập hiện nay khá nổi cộm như khả năng ngoại ngữ của học sinh cũng như tính chủ động làm chủ trong học tập của học sinh còn yếu…
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Giáo dục cũng khẳng định: “Năm học 2014-2015 ngành Giáo dục đã chuyển hướng thành công. Điều này thể hiện từ việc chuyển từ lối cũ, tư duy cũ, hành động cũ, theo đuổi mục tiêu cũ sang một mục tiêu đích mới, bàn về cách tiếp cận mới. Trong ngổn ngang công việc và vô vàn những hạn chế yếu kém, bất cập của ngành thì không thể 1 hay 2 năm có thể khắc phục được”.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chia sẻ, khi chúng ta nói làm giáo dục là sự nghiệp trăm năm điều này có nghĩa khắc phục những hạn chế yếu kém đó không thể một sớm một chiều.
“Cá nhân tôi đánh giá thành công nhất của năm học vừa rồi là chúng ta đã chuyển hướng, có trục trặc nhưng không xáo trộn, không đổ vỡ, về căn bản nhận được sự đồng thuận, sự đánh giá tích cực trong ngành và ngoài xã hội” – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng thẳng thắn bày tỏ: Đối với những trục trặc chúng ta không thể xoa xuýt cho qua mà cần phải nghiên cứu một cách nghiêm túc để khắc phục, rút kinh nghiệm sâu sắc. Chúng ta cũng không được thỏa mãn với những thành công bước đầu vì đây mới chỉ là sự chuyển hướng. Để thay đổi chất lượng giáo dục, tạo ra nề nếp của một nền giáo dục mới theo tinh thần Nghị quyết 29 thì còn phải một hành trình dài. Dài như thế nào tùy thuộc vào sự công minh, sự dũng cảm, đoàn kết của những người làm quản lý sau đó là thầy cô giáo, học sinh, sinh viên và xã hội.
Cũng theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, trong năm đầu tiên đổi mới đã được cả xã hội quan tâm, giúp đỡ, chỉ dẫn ngay trong quá trình triển khai kỳ thi THPT quốc gia. Đây là biểu hiện rõ của việc “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”.
Trăn trở câu chuyện “Nói giống nhau nhưng quan niệm rất khác nhau”
Vấn đề mà Bộ trưởng Phạm Vũ Luận bày tỏ sự băn khoăn, trăn trở của mình trước hiện trạng: “Nói giống nhau nhưng quan niệm rất khác nhau”. Điều này được thể hiện ngay tại Hội nghị tổng kết.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phân tích: Chúng ta bàn luận về phân tầng giáo dục ĐH nhưng hình như đang nói đến 3 thứ hạng cao thấp của giáo dục. Có vẻ như chúng ta đang theo đuổi câu chuyện trường nào vào được tốp ĐH nghiên cứu thì sẽ vinh dự hơn tốp trường ĐH ứng dụng; và trường nào vào được tốp ĐH ứng dụng thì “danh giá” tốp trường ĐH vừa học vừa làm…
“Theo quan điểm của tôi thì mỗi một tầng sẽ có một xứ mạng, không có phân biệt cao thấp trong vị trí xã hội. Nhiều cơ sở muốn vào ĐH nghiên cứu nhưng hiện nay quy mô tuyển sinh, đào tạo lại rất cao thì làm sao đáp ứng được. Các trường ĐH nghiên cứu trên thế giới có uy tín thì quy mô đào tạo ĐH, CĐ là rất ít, chủ yếu đào tạo sau đại học” – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói.
Chưa dừng lại ở đó, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tiếp tục chỉ ra: Ở nước ngoài nói đến tự chủ thì chưa bao giờ nói đến tự chủ tài chính. Trong khi đó, thời gian gần đây thì nói đến tự chủ nhiều người lại cho rằng mình được tự biểu quyết muốn làm thì thì làm, vượt ra khỏi các quy định của pháp luật.
Người dứng đầu ngành Giáo dục cũng bày tỏ về thực trạng đáng buồn của ngành khi cơ sở “thờ ơ” đóng góp ý kiến với dự thảo văn bản quy định mới của ngành.
“Những văn bản quy phạm pháp luật ban hành thì bằng nhiều hình thức khác nhau để lấy ý kiến của lãnh đạo các đơn vị ĐH, CĐ thì xin các đồng chí quan tâm đến việc này để góp ý kiến. Cho đến nay việc ban hành văn bản làm rất đúng quy trình nhưng cơ sở thì chưa quan tâm lắm nên chất lượng không cao nên dẫn đến văn bản không đi vào cuộc sống. Kỷ luật hành chính của chúng ta còn chưa chuẩn nên từ trên xuống dưới chúng ta đều phải tự đổi mới, phải thay đổi. Nếu thấy những vấn đề gì Bộ GD-ĐT yêu cầu còn cồng kềnh, nhiêu khê, mong các đồng chí góp ý, Bộ sẽ tiếp thu; điều gì cần bổ sung, các đồng chí đề xuất” – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng khẳng định, Bộ GD-ĐT sẽ không can thiệp vào hoạt động chuyên môn nữa mà thực hiện công việc quản lý nhà nước, trong đó, hoạt động thanh tra, kiểm tra, khen thưởng với các đơn vị làm tốt và kỷ luật với những đơn vị vi phạm sẽ được chú trọng.
Nguyễn Hùng (ghi)
(Email hungns@dantri.com.vn )