Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Bộ GD-ĐT luôn đứng trước sức ép!

(Dân trí) - Tại Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 296/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11/9, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng: “Tình trạng mất cân đối giữa các trình độ đào tạo luôn đặt ra và Bộ GD-ĐT luôn phải đứng trước sức ép”.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Bộ GD-ĐT luôn đứng trước sức ép!
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã tới dự và phát biểu tại Hội nghị.

Tỷ lệ mà 3 năm trước chưa từng có!

Tại hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 296/CT-TTg và chương trình hành động của Bộ GD-ĐT về đổi mới quản lý giáo dục ĐH giai đoạn 2010-2012 ngày 11/9, nhận định về những kết quả đã đạt được sau 3 năm thực hiện Chỉ thị, tổng công trình sư của chương trình đổi mới quản lý giáo dục đại học - Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhận định: “Những yêu cầu trong quá trình đổi mới quản lý giáo dục đặt ra trong 3 năm đã được quán triệt “thấm” đến tất cả các trường. Nhiều nội dung 3 năm trước còn băn khoăn nay đã thành công và được triển khai tương đối rộng rãi. Chúng ta đã triển khai kiểm tra điều kiện của các trường ĐH mới thành lập; đã làm quen với việc không đủ điều kiện không được tuyển sinh mới, không tăng chỉ tiêu - điều từ trước tới giờ chưa từng có.

Theo Phó Thủ tướng, các nội dung đặt ra trong quá trình đổi mới đều xuất hiện những mô hình làm tốt như vấn đề bồi dưỡng giáo viên, chuẩn hóa giáo viên, vấn đề chuẩn đầu ra, vấn đề kiểm định chất lượng… Đặc biệt, nhiều nội dung đổi mới đã được triển khai trên diện rộng. Ví dụ, có đến 96% trường ĐH trên cả nước đã rà soát chiến lược phát triển của trường đến năm 2020, bổ sung chỉ tiêu và các chiến lược, giải pháp; 93% trường ĐH, CĐ có cam kết về chất lượng đào tạo; 91,7% trường công bố chuẩn đầu ra; 72% số trường ĐH, CĐ có đơn vị chuyên trách đảm bảo chất lượng của nhà trường. "Đây là những tỷ lệ mà 3 năm trước chưa hề có" - Phó Thủ tướng khẳng định.

Hội nghị được họp trực tuyến tại 6 điểm cầu truyền hình trong cả nước.

Hội nghị được họp trực tuyến tại 6 điểm cầu truyền hình trong cả nước.

Mạnh dạn sáp nhập hoặc rút giấy phép của các cơ sở giáo dục

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã tán thành tổng kết của Bộ GD-ĐT, trong đó có những bất cập mà giáo dục đại học hiện nay đang mắc phải. Theo đó, đã có những kiến nghị thẳng thắn để sửa những tồn tại này.

PGS.TS Trần Văn Nam - Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho rằng, để thực sự đổi mới quản lý giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT cần chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm túc quy chế 3 công khai hàng năm. Đặc biệt, có chế độ kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các trường và tính xác thực của số liệu công bố. Bên cạnh đó, rà soát chuẩn đầu ra theo hướng đối sánh mức độ đạt được của sinh viên tốt nghiệp so với chuẩn đầu ra của nhà trường làm cơ sở để điều chỉnh, hoàn thiện theo hướng đáp ứng nhu cầu xã hội và thị trường lao động. Tăng cường quản lý công tác tuyển sinh các trường ĐH, CĐ cũng như tăng cường chỉ đạo và kiểm tra, giám sát việc thực hiện rà soát, bổ sung các chỉ số trong chiến lược phát triển nhà trường. Chấm dứt tình trạng ĐH dạy ĐH và giảng viên lên lớp quá nhiều giờ so với quy định.

Đồng quan điểm, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Phó Giám đốc thường trực ĐH QGTP.HCM kiến nghị: “Bộ GD-ĐT sớm ban hành chiến lược phát triển hệ thống giáo dục đại học, đồng thời hỗ trợ nguồn lực để các cơ sở giáo dục đại học phát triển nhanh, đúng hướng và bền vững. Tăng cường quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình cho cơ sở, tăng hiệu quả công tác quản lý nhà nước để đảm bảo hệ thống giáo dục đại học được vận hành một cách năng động, sáng tạo, hiệu quả”.

Còn Giám đốc Học viện Ngân hàng Kiều Hữu Thiện đề nghị: “Bộ GD-ĐT khẩn trương ban hành quy định về điều kiện và nội dung quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học trong những năm tới. Quy hoạch mạng, tái cấu trúc, mạng lưới các trường đại học theo đúng tinh thần của Luật Giáo dục đại học. Mạnh dạn sáp nhập hoặc rút giấy phép của các cơ sở giáo dục đại học với lộ trình thích hợp”.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận: Bộ đang thay đổi tư duy quản lý.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận: "Bộ đang thay đổi tư duy quản lý".

Bộ GD-ĐT luôn đứng trước sức ép!

Tiếp thu những ý kiến mà các đại biểu góp ý, về vấn đề giải thể và nâng cấp trường, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận: “Hệ thống các trường ĐH, CĐ hiện nay không ổn định”.

Bộ trưởng dẫn giải, chúng ta có một thời gian nâng cấp rất nhiều các trường thành trường ĐH,CĐ. Các trường trung cấp luôn trong tâm trạng thành lập 3 -5 năm để lên CĐ. Các trường CĐ cũng trong tâm trạng vậy. Đứng núi này trông núi nọ, dẫn đến cả hệ thống không ổn định và không mạnh. Các trường trung cấp mạnh lại thành một trường CĐ yếu. Trường CĐ xây dựng vài năm đứng được bằng hai chân mình lại nhấp nhổm muốn trở thành trường ĐH. Thành trường ĐH được vài năm lại cố xin bằng được để đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Như vậy tình trạng mất cân đối giữa các trình độ đào tạo luôn đặt ra và Bộ GD-ĐT luôn đứng trước sức ép.

“Tôi đã chỉ đạo Vụ Đại học và Vụ Kế hoạch Tài chính tổng kết lại việc nâng cấp các nhà trường giai đoạn vừa rồi. Tinh thần là tổng kết nhưng ý tưởng cá nhân của tôi sẽ đi đến việc, Bộ sẽ không nhận các hồ sơ nâng cấp trường. Bởi, trường TC, CĐ có sứ mạng, vị trí, vai trò, vinh quang và có khó khăn thách thức riêng. Việc nâng cấp nếu có đặt ra là do nhu cầu xã hội, do đòi hỏi khách qua bên ngoài và các bộ ngành, các địa phương. Tuy nhiên, nếu cứ tiếp tục nâng cấp như trước sẽ không giữ được hệ thống ổn định và Bộ GD-ĐT mang tiếng xin - cho mà vấn đề xin - cho là có thật. Do vậy, Bộ đang thay đổi tư duy quản lý. Mục tiêu cuối cùng từ việc thành lập trường ĐH bắt đầu từ các trường nghề, TCCN. Như vậy sẽ nguy hiểm vô cùng” - Bộ trưởng Luận nhấn mạnh.

Đối với những ý kiến phản ánh về tình trạng các trường CĐ hiện nay khó tuyển sinh, Bộ trưởng Luận cho rằng, các trường nên suy nghĩ quán triệt các chủ trương của Đảng, các chính sách của Bộ để cùng Bộ tuyên truyền.

“Vấn đề quan trọng nhất là phân luồng, làm sao để đưa thí sinh học nghề, sang học CĐ, để tạo lực lượng lao động ở các cấp độ khác nhau, chứ không phải học nghề rồi thi tiếp lên CĐ, tốt nghiệp CĐ rồi thi vào ĐH, thành ra đây là con đường vòng để vào ĐH. Mục đích là tạo cho các cháu học có một nghề ra trường đi làm, khi nào có điều kiện thuận lợi thì đi học tiếp. Do vậy, các trường CĐ không được lấy mục tiêu tuyển sinh khó khăn để kiến nghị thay đổi. Chúng ta phải nhìn sâu hơn không tuyển sinh được vì sao? Nếu học sinh vào trường TC, CĐ chỉ để vào học ĐH thì các trường này không thực hiện được sứ mệnh và chúng ta tiếp tục mất cân đối giữa thầy và thợ” - Bộ trưởng Luận nói.

Về đề nghị phân cấp mạnh hơn nữa cho các trường, Bộ trưởng Luận cho biết, về tài chính Bộ GD-ĐT không thể phân cấp, không thể chủ động được vì vấn đề này thuộc Bộ Tài chính. Một số việc liên quan đến cán bộ công chức của các trường dân lập thì liên quan đến Bộ Nội vụ. Còn lại tất cả những việc gì Bộ GD-DT chủ động triển khai thì đã phân cấp hết. Nếu có vấn đề gì trong quản lý, các trường phát hiện, đề xuất. Tuy nhiên, Bộ trưởng Luận lưu ý: “Phân cấp quyền hạn, nghĩa vụ phải đi đôi với trách nhiệm”.

Đối với những khó khăn về cơ chế tài chính chưa được hoàn thiện, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho hay, với sự chuẩn bị tích cực của Bộ GD-ĐT, Đảng, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 35 đổi mới một số nội dung cơ chế tài chính GD-ĐT và trong đó có lộ trình tăng dần học phí đào tạo giáo dục ĐH. Đồng thời, triển khai mạnh mẽ cho sinh viên gia đình khó khăn vay vốn, đây là một giải pháp quan trọng.

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm