Bộ trưởng Giáo dục giải toán “đầu cừu, đuôi thuyền trưởng”

Xuất phát từ bài toán “con cừu và tuổi thuyền trưởng” gây tranh cãi, cuộc đối thoại của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận và GS Nguyễn Lân Dũng xoay quanh chủ đề dạy trẻ cách tư duy độc lập.

Từ con cừu đến lớp học online

Cuộc đối thoại vừa diễn ra trong chương trình Chuyện đương thời của Đài Truyền hình Việt Nam (chương trình có chủ đề “Dạy trẻ cách tư duy độc lập” dự kiến phát sóng vào lúc 22h30 ngày 18/7 trên VTV1).

Từ bài toán gây tranh cãi trên mạng thời gian qua (“Trên một chiếc tàu thủy có 45 con cừu, 5 con bị rơi xuống nước. Hỏi ông thuyền trưởng bao nhiêu tuổi?”) VTV đã làm khảo sát nhanh các học sinh. 3/4 học sinh lớp 2 cho ra đáp án tuổi thuyền trưởng là 40 (sai). Các em không dám đặt ra nghi vấn về một vấn đề nào đó.

Trao đổi tại buổi đối thoại, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng: “Suy nghĩ của học sinh vẫn còn thụ động, các em chưa trải qua những đề thi ra sai và chưa biết rằng đề thi ra sai là chuyện bình thường.”

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận (bên phải) và GS Nguyễn Lân Dũng tại buổi đối thoại.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận (bên phải) và GS Nguyễn Lân Dũng tại buổi đối thoại.

Một khách mời khác của chương trình, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng: “Đây không phải là vấn đề của riêng các em học sinh lớp 2 mà cả các lớp học trên. Các em thường gắn với kiến thức sách vở, nên ít động não. Chúng ta đang đào tạo những bộ óc chứ không phải đào tạo những bộ sách. Đừng nhét kiến thức vào đầu các em mà phải cung cấp kiến thức để các em động não tốt hơn”.

Trước ý kiến của GS. Nguyễn Lân Dũng, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã đưa ra giải pháp về một ngôi trường online đã được đưa vào thực nghiệm quy tụ những bài giảng hay, sinh động từ những giáo viên giỏi trên cả nước. Như vậy, dù ở bất kì đâu, bất kì nơi nào trên cả nước, mọi người đều có thể tự học và tìm cho mình những kiến thức cần thiết.

Bộ trưởng khẳng định cách học này sẽ kích thích sự chủ động và niềm đam mê học hỏi của trẻ.

Người đứng đầu ngành giáo dục đào tạo VN cũng khẳng định bộ kiên quyết sẽ đổi mới cách ra đề thi theo hướng mở, không sử dụng những đề thi chỉ mang tính chất lý thuyết. Vì như vậy, học sinh sẽ không thể mang tài liệu vào trong phòng thi, vì có mang vào cũng không sử dụng được.

“Ngành Giáo dục quyết tâm giảm tải SGK....”

Đối mặt với Bộ trưởng Luận, GS. Nguyễn Lân Dũng cũng mang đến những quyển sách giáo khoa của học sinh Nepal và đưa ra ý kiến: “Nepal là một nước rất nghèo nhưng một quyển sách lớp 11 dày đến 700 trang”.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận (bên phải) và GS Nguyễn Lân Dũng tại buổi đối thoại.
Tại buổi đối thoại, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định ngành giáo dục sẽ quyết tâm giảm tải chương trình sách giáo khoa trong thời gian tới.

GS Nguyễn Lân Dũng dẫn lời của thầy giáo Văn Như Cương: “Trừ những người làm toán ra, trong cuộc sống mỗi người không bao giờ dùng đến tích phân, vi phân, đạo hàm...”.

Theo GS Lân Dũng, học sinh Việt Nam đang bị “nhồi nhét” quá nhiều kiến thức không cần thiết theo khuôn mẫu. Chính vì vậy việc sửa đổi sách giáo khoa và cách thức giảng dạy là vô cùng cần thiết.

Lắng nghe ý kiến này, Bộ trưởng Luận đồng tình rằng hệ thống lượng kiến thức trong bộ sách giáo khoa hiện hành quá nặng và chú trọng lý thuyết, không phù hợp với năng lực và tư duy của học sinh.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định ngành giáo dục sẽ quyết tâm giảm tải chương trình sách giáo khoa trong thời gian tới. Đồng thời, đề thi đại học cũng sẽ được đổi mới theo hướng các câu hỏi, bài tập mở yêu cầu học sinh phải tư duy chứ không chỉ là học thuộc lòng.

Theo Văn Chung
Vietnamnet