Bộ trưởng GD&ĐT: Phải đảm bảo chỗ học cho học sinh Tiểu học, lớp 1
(Dân trí) - “Dù thế nào cũng phải đảm bảo chỗ học cho học sinh Tiểu học, học sinh lớp 1. Ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên, không vì thiếu trường lớp mà không tiếp nhận trẻ đúng độ tuổi vào lớp 1".
Trên đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2019-2020 và triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021 đối với giáo dục tiểu học, do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 25/8 tại 150 điểm cầu.
SGK lớp 1 mới đã đến tay phụ huynh, học sinh
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, năm học 2019-2020 toàn quốc có 14.904 cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học.
Các địa phương đã tích cực sắp xếp lại và phát triển mạng lưới, quy mô trường/lớp, tạo thuận lợi cho người dân và đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh.
Việc duy trì, mở rộng số lượng lớp học và bổ sung phòng học kiên cố, bán kiên cố và giảm số phòng học tạm, mượn... được địa phương chú trọng thực hiện.
Với sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ, năm học vừa qua, tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày của cả nước đã tăng lên, đạt mức 80,1%, tăng so với năm ngoái.
Về Chương trình giáo dục phổ thông mới, theo báo cáo từ các địa phương, hiện nay sách giáo khoa (SGK) lớp 1 của chương trình này đã đến tay các phụ huynh, học sinh và giáo viên.
Việc tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương cấp Tiểu học cũng được các tỉnh/thành tích cực triển khai.
Đối với lớp 1, tài liệu này sẽ hoàn thành trong tháng 8 tới để giáo viên sử dụng trong tổ chức hoạt động trải nghiệm và tích hợp vào dạy các môn học khác theo quy định của chương trình.
Về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đã được địa phương chú trọng tăng cường, đến nay cơ bản đã sẵn sàng triển khai đối với lớp 1.
Hơn 1.028 cán bộ quản lý và 6.700 tổ trưởng chuyên môn cốt cán cấp Tiểu học đã được bồi dưỡng ở cấp trung ương.
Có 100% giáo viên đại trà dạy lớp 1 năm học 2020-2021 đã được bồi dưỡng về chương trình, giáo dục phổ thông mới.
Tại hội nghị, đại diện các địa phương đã nêu lên một số khó khăn và đề xuất giải pháp nhằm triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Cụ thể, việc đảm bảo sĩ số lớp học, trường/lớp để dạy học 2 buổi/ngày; bổ sung biên chế giáo viên các môn học bắt buộc mới của cấp Tiểu học; ban hành các văn pháp lý về Điều lệ trường tiểu học và Đánh giá xếp loại học sinh Tiểu học…
Khắc phục tình trạng “ăn đong”, thừa/thiếu giáo viên
Về việc chuẩn bị cho Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay, đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Các khâu từ bồi dưỡng giáo viên; biên soạn, thẩm định, phê duyệt, phát hành SGK cơ bản đã được làm tốt.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả và chất lượng giáo dục tiểu học, Bộ trưởng đưa 8 nhóm vấn đề cần làm tốt trong thời gian tới.
Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh việc đảm bảo hành lang pháp lý, thực hiện chương trình SGK, đổi mới giáo dục và kiểm tra đánh giá; công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên; chuẩn bị cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học…
Xác định giáo viên là lực lượng quan trọng quyết định thành công triển khai chương trình mới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý các nhà trường, các địa phương cần làm tốt công tác bố trí, sắp xếp giáo viên đảm bảo số lượng, cơ cấu và chất lượng.
Theo đó, căn cứ lộ trình đổi mới và rà soát thực tế đội ngũ, các Sở GD&ĐT cần xây dựng đề án phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý ổn định trong 5 năm để báo cáo, tham mưu UBND tỉnh/thành phố thực hiện.
Việc có một đề án dài hơi sẽ giúp địa phương tính toán và giải quyết được căn cơ, khoa học việc thiếu thừa giáo viên, khắc phục tình trạng “ăn đong” như trước đây.
Không vì thiếu trường lớp mà không nhận trẻ vào lớp 1
Về kiểm tra đánh giá học sinh Tiểu học, Bộ trưởng cho biết, tới đây Bộ GDĐT sẽ ban hành Thông tư mới để phù hợp thực tiễn và đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Vì vậy, các đơn vị cần quan tâm đổi mới việc đánh giá, khen thưởng, trong đó tập trung chỉ đạo và thực hiện bằng được việc khen thưởng học sinh đảm bảo đúng, trúng, thiết thực, tránh tình trạng khen tràn lan, khen chưa thực chất dẫn đến hiệu ứng ngược.
“Khen thưởng phải tạo được động lực cho học sinh và giáo viên, tạo niềm tin cho phụ huynh, xã hội.
Khi làm tốt việc khen thưởng tạo động lực lớn cho giáo viên, học sinh thì hiệu quả và chất lượng giáo dục cũng từ đó được nâng lên”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trước thực tế khó khăn về cơ sở vật chất, trường lớp ở một số địa phương do số lượng học sinh đông, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ: "Tinh thần là dù thế nào cũng phải đảm bảo chỗ học cho học sinh Tiểu học, học sinh lớp 1.
Ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên; không vì thiếu trường lớp mà không tiếp nhận trẻ đúng độ tuổi vào lớp 1".
Bộ trưởng đồng thời đề xuất địa phương xây dựng đề án dài hơi, ít nhất 5 năm, phát triển cơ sở vật chất cho giáo dục. Từ đó, đầu tư xây dựng trường lớp, dồn ghép, sáp nhập đảm bảo hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tế dạy học.