Gia Lai:
Bộ trưởng GD-ĐT đánh giá cao "đổi mới, sáng tạo dạy và học" tỉnh Gia Lai
(Dân trí) - Ngày 4/12, tại buổi làm việc với tỉnh Gia Lai, Bộ Trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã đánh giá cao sự nỗ lực của ngành giáo dục tỉnh này với những kết quả trong "Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học".
Tại buổi làm việc, ông Lê Duy Định, giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai đã báo cáo tình hình giáo dục của tỉnh trong những năm qua. Cụ thể, Sở GD&ĐT đã xây dựng các biện pháp tích cực để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học" do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phát động trong giai đoạn 2016 - 2020.
Qua đó, chất lượng giáo dục ngày càng đã được nâng cao lên, tỷ lệ trẻ mẫu giáo trong độ tuổi đến lớp đạt 89,0%; tỷ lệ học sinh đi học đúng tuổi cấp tiểu học trong độ tuổi đến lớp đạt 99,9%; cấp THCS đạt 91,5%; THPT đạt 52%. Tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 50,13%. Hiện nay, toàn ngành có 22.880 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.
Về tình hình triển khai chương trình giáo dục phổ thông được chuyển dạy từ học truyền thụ kiến thức một chiều sang giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực. Chú trọng trong thực hành, vận dụng kiến thức, kinh nghiệm đã học để giải quyết các vấn đề trong học tập và đời sống. Thông qua các phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục, phát huy tính chủ động và tiềm năng của mỗi học sinh.
Giám đốc Sở cũng đã báo cáo với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tham mưu chính quyền địa phương rà soát, điều chỉnh cơ sở vật chất để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bên cạnh đó, quy hoạch, phát triển đội ngũ giáo viên, đủ về số lượng và chất lượng. Đồng thời cử cán bộ quản lý, giáo viên tham gia các lớp tập huấn về chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Tuy nhiên, ngành giáo dục tỉnh Gia Lai vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong hệ thống trường, lớp còn nhiều điểm lẻ. Khoảng cách giữa các điểm trường xã, giao thông đi lại khó khăn. Đồng thời, nhiều trường còn xuống cấp chưa được sửa chữa. Bên cạnh đó, vấn đề thiếu biên chế trong ngành giáo dục đang diễn ra tại nhiều huyện trên địa bàn.
Tại buổi làm việc, đại diện đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn, giải thích những vướng mắc còn tồn tại trên nhiều mảnh như biên chế giáo viên, cơ sở vật chất, chuẩn bị cho việc đóng góp ý kiến trong chương trình mới lớp…để Sở GD&ĐT cùng các cơ quan chức năng thực hiện.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ghi nhận, đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của ngành giáo dục Gia Lai trong những năm qua. Mặc dù Gia Lai gặp nhiều khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số nhiều… nhưng đã đạt được những kết quả tích cực. Theo Bộ trưởng, bên cạnh sự quan tâm của các cấp chính quyền, cán bộ, giáo viên tỉnh Gia Lai cũng đã có nhiều nỗ lực thực hiện mục tiêu giáo dục.
Đối với nội dung giáo dục địa phương, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo tỉnh Gia Lai quan tâm, rà soát, kiểm tra kỹ lưỡng. Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, tài liệu giáo dục địa phương là điểm nhấn, thể hiện tính đa dạng. Tuy nhiên, đây không phải là tài liệu tham khảo, bổ trợ mà là tài liệu chính thức nên nội dung, minh chứng và sự kiện đưa vào phải chính xác, kiểm tra chặt chẽ. Nếu không được lựa chọn một cách chuẩn chỉ sẽ gây ra tranh luận. Chính vì vậy, nếu địa phương có vấn đề gì khó khăn thì báo cáo lên Bộ GD&ĐT.
"Đối với những vấn đề trong trường học không nên đặt nặng về xã hội hóa mà cần có sự vào cuộc của nhà nước để giải quyết vấn đề" - Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ trưởng đề nghị ngành giáo dục tỉnh Gia Lai không chủ quan, lơ là đối với công tác phòng chống dịch bệnh. Theo đó, các địa phương, nhà trường phải có hướng dẫn cụ thể để phòng, chống dịch bệnh. Trong năm học 2020-2021 ngành giáo dục vẫn tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo kiến thức cho các em học sinh. Bộ hy vọng rằng tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục là một điểm sáng trong ngành giáo dục trong vùng và cả nước.
Trong buổi thăm và làm việc tại tỉnh Gia Lai, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã tặng 20 bộ máy tính cho trường THPT Nguyễn Chí Thanh (TP Pleiku, Gia Lai) với giá trị gần 200 triệu đồng.