Bộ trưởng gặp chàng trai chế tạo thiết bị bay

Chiều 3/4, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cùng nhiều chuyên gia hàng đầu về hàng không vũ trụ gặp Phạm Gia Vinh, chàng trai trẻ thiết kế, chế tạo thành công thiết bị bay cao 23 km. Hai bên bàn về tương lai của thiết bị này ở Việt Nam và trên thế giới.

Một thành tựu quan trọng, có ý nghĩa

 

Phạm Gia Vinh (32 tuổi), sinh viên ngành Điện, Điện tử công nghiệp – Điều khiển tự động một trường đại học ở Pháp, nay là giám đốc Cty Cổ phần Nghiên cứu & Phát triển Đông Giang Việt Nam, chủ nhiệm CLB máy bay mô hình phía Bắc. Vinh chia sẻ về thiết bị bay tầng bình lưu 23km gây nhiều tò mò.

 

Theo Vinh, việc chế tạo thiết bị bay tầng bình lưu mà công ty đã chế tạo và thử nghiệm thành công thực chất là lời giải cho bài toán mà một công ty của Singapore đặt ra: đưa được thiết bị bay lên tầng 30-50km - tầng bay thấp hơn vệ tinh nhưng cao hơn máy bay không người lái và có thể thu hồi chính xác thiết bị.

 

Phạm Gia Vinh bên cạnh sản phẩm có trần bay 23 km do anh nghiên cứu, chế tạo.
Phạm Gia Vinh bên cạnh sản phẩm có trần bay 23 km do anh nghiên cứu, chế tạo.

 

Lời giải mà Cty Đông Giang đưa ra là chế tạo thiết bị bay dựa trên công nghệ nền là khinh khí cầu đã được một số quốc gia như Mỹ, Úc, Ấn Độ sử dụng. Thiết bị này có trọng lượng 600kg, trần bay 30- 50km, thời gian bay có thể lên tới một tuần. Toàn bộ việc chế tạo thiết bị bay và thiết bị điều kiện ở mặt đất đều thực hiện tại Việt Nam.

 

Nguyên lý hoạt động của thiết bị là khí cầu mang khoang đổ bộ chứa các thiết bị nghiên cứu lên tầng bay 30-50km. Khí cầu được điều khiển tự động để duy trì trần bay ổn định. Sau thời gian lưu lại trên tầng bình lưu, khoang đổ bộ tách khỏi khinh khí cầu, trở về vị trí đã được định trước.

 

Thiết bị này mang theo các thiết bị nghiên cứu như camera, ăng ten, radar, có thể phục vụ nhiều mục đích như nghiên cứu tài nguyên, môi trường, phục vụ an ninh quốc phòng. Ví dụ như có thể quan sát, nghiên cứu sự hình thành, đường đi của các cơn bão, tìm hiểu nguồn nước, độ phủ xanh của đất, quan sát được mầm bệnh của cây trồng.

 

Phạm Gia Vinh cho biết, thiết bị này đã được thử nghiệm ở ngoại ô một thành phố ở Ấn Độ với trần bay 23km để kiểm tra khả năng tương thích và ổn định của các thiết bị điện tử ở tầng bình lưu, khả năng duy trì môi trường của khoang đổ bộ. Kết quả đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

 

Cũng trong đợt thử nghiệm, Cty Đông Giang đưa lên tầng bình lưu ba cá thể chuột, khi trở về khỏe mạnh bình thường. Sắp tới thiết bị sẽ thử nghiệm ở trần bay 30 km.

 

Ưu điểm nổi trội nhất của thiết bị này so với các thiết bị bay sử dụng công nghệ nền khinh khí cầu là khả năng thu hồi chính xác thiết bị, có thể điều khiển thiết bị hạ cánh trong phạm vi 50km – 80km với sai số dưới 50m. Vì vậy, khoang đổ bộ hạ xuống đất sẽ không ảnh hưởng tới người, nhà, và các công trình dưới mặt đất, cũng như thu hồi các thiết bị nghiên cứu đắt tiền.

 

Nói về khả năng ứng dụng của sản phẩm này, Vinh cho biết, thiết bị bay này có tầng bay cao hơn máy bay không người lái (tối đa là 21km), giá thành lại rẻ hơn máy bay không người lái nên khả năng ứng dụng sẽ rất cao.

 

Sẵn sàng hỗ trợ tối đa

 

GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, Chủ tịch Hội Hàng không – Vũ trụ Việt Nam đặt câu hỏi: Cái mới của thiết bị bay do công ty Đông Giang chế tạo là khoang đổ bộ có khả năng thu hồi chính xác. Tuy nhiên, đây là sản phẩm đặt hàng của một Cty Singapore. Vậy việc sở hữu trí tuệ của thiết bị này như thế nào?

 

Vinh cho biết, hợp đồng giữa Đông Giang và công ty của Singapore có nhiều điều khoản liên quan đến việc này. “Công nghệ nền khinh khí cầu thì chung của thế giới. Phía Đông Giang chỉ đăng ký sở hữu trí tuệ với phần khoang đổ bộ do công ty thiết kế, chế tạo.

 

Tại thị trường Việt Nam, Đông Giang sẽ chịu trách nhiệm với sản phẩm này, ở thị trường khác thì chia sẻ quyền lợi. Tuy nhiên, bên Singapore không có khả năng triển khai công nghệ này vì diện tích nhỏ nên chúng cháu xác định sử dụng ở Việt Nam rất nhiều”, Vinh nói.

 

Một chuyên gia khác hỏi: để quan sát trái đất ở tầng bình lưu 30-50km, một số quốc gia như Đức sử dụng tên lửa đẩy tầm thấp. Nhiều quốc gia muốn đưa thiết bị nghiên cứu lên tầng bình lưu thường thuê dịch vụ tên lửa đẩy của Đức. So với công nghệ này, thiết bị bay khinh khí cầu chứa khoang đổ bộ có ưu điểm gì?

 

Vinh cho hay, hai công nghệ này không thể thay thế lẫn nhau mà bù trừ và hỗ trợ cho nhau. Tuy nhiên, công nghệ khinh khí cầu có giá thấp hơn, thời gian lưu trữ trên tầng khí quyển lâu hơn. Gia tốc tên lửa đẩy có thể ảnh hưởng đến thiết bị bên trong. Công nghệ khinh khí cầu cũng có một số nhược điểm như khó khăn trong kiểm soát đường đi, hướng bay, giải pháp thu hồi an toàn.

 

Đánh giá về thiết bị bay do Phạm Gia Vinh và Cty Đông Giang chế tạo, các chuyên gia đều cho rằng đây là một hướng đi tích cực, cần được hỗ trợ.

 

TSKH Nguyễn Quang Bắc, Ban chủ nhiệm Chương trình khoa học công nghệ độc lập cấp nhà nước về Công nghệ vũ trụ cho biết, trong chương trình phát triển vũ trụ 2016-2020 chúng ta có xác định một số sản phẩm như vệ tinh nhỏ. Sản phẩm của Phạm Gia Vinh mở ra cơ hội để đưa các sản phẩm này lên vũ trụ thử nghiệm.

 

Kết thúc buổi gặp, Bộ trưởng Nguyễn Quân đặt câu hỏi “thành công như thế là đáng mừng lắm rồi. Đây là thành công của các bạn nhưng cũng là thành công của Việt Nam. Để nghiên cứu này đi vào ứng dụng rộng rãi còn rất nhiều việc phải làm. Bộ Khoa học và Công nghệ sẵn sàng hỗ trợ tối đa. Các bạn có kiến nghị gì không?”.

 

Vinh cho biết “mong muốn của chúng cháu là mang công nghệ về thử nghiệm trong nước càng sớm càng tốt. Trước mắt, cháu xin phép bác Bộ trưởng, Bộ KH&CN có thể đứng ra chủ trì việc thử nghiệm này?”.

 

Trước câu hỏi của Bộ trưởng Nguyễn Quân: các bạn đã thăm dò địa điểm nào ở Việt Nam có thể thử nghiệm thiết bị bay. Phạm Gia Vinh cho biết, đã tiến hành tham khảo và thực địa tại một số địa điểm như Bình Dương, Biên Hòa.

 

Bộ trưởng Quân cho biết, đúng là hành lang pháp lý chưa đầy đủ nhưng có thể có một nghị định riêng để tạo điều kiện thử nghiệm. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, thử nghiệm thì đã thử nghiệm rồi, kinh nghiệm cũng đã có rồi. Thay vì mang về Việt Nam chỉ để thử nghiệm hãy gắn một công việc cụ thể. Ví dụ như sắp vào mùa bão, đưa thiết bị lên để quan sát diễn biến, đường đi của bão xem sao?

 

Phạm Gia Vinh cho biết, sẽ tìm mục đích cụ thể cho lần thử nghiệm sắp tới.

 

Theo Nguyễn Hoài

Tiền Phong