Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: “Hổng một khâu sẽ gây rủi ro cả kỳ thi tốt nghiệp THPT”

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị, sớm thành lập Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh. Ban chỉ đạo tránh hình thức, dẫn đến hổng dù chỉ một khâu cũng có thể gây rủi ro lớn cho cả kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Không để “khoảng tối dưới chân đèn”

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 diễn ra vào ngày 9-10/8. Từ giờ đến lúc đó chỉ còn khoảng 2 tháng, nên chúng ta phải rất gấp rút thực hiện nghiêm ngặt các công việc được giao theo phân công.

Cùng với đó, Bộ trưởng yêu cầu thực hiện tốt 5 nhiệm vụ được phân công.

Trong đó một số điểm đáng chú ý như, các Sở GD&ĐT cần tiếp tục chỉ đạo các nhà trường dạy học, ôn tập theo chương trình, hướng dẫn của Bộ, bảo đảm chất lượng, để học sinh yên tâm, tự tin dự thi.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 chủ yếu tập trung kiểm tra kiến thức cơ bản, giảm các câu hỏi khó và mức độ khó của đề thi.

Do đó, công tác ôn tập cần có sự điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu mới của kỳ thi, giúp học sinh ôn thi nhẹ nhàng, không áp lực.

Các nhà trường cần chỉ đạo, kiểm soát việc dạy thêm, học thêm không đúng quy định, để công tác dạy học trong nhà trường an toàn, học sinh học tập, ôn thi không căng thẳng.

Bộ trưởng Bộ GDĐT: “Hổng một khâu sẽ gây rủi ro cả kỳ thi tốt nghiệp THPT” - 1

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.

Thứ hai, về chuẩn bị trước khi tổ chức kỳ thi, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT.

Đề nghị các địa phương sớm thành lập Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, trong đó phân công rõ công việc, nhiệm vụ, trách nhiệm cho từng thành viên.

Việc tham gia Ban chỉ đạo cần tránh mang tính hình thức, phân công công việc chung chung rồi thực hiện không nghiêm túc, dẫn đến hổng dù chỉ một khâu cũng có thể gây rủi ro lớn cho kì thi tốt nghiệp THPT.

Đề nghị lãnh đạo địa phương chỉ đạo các sở ban ngành liên quan tham gia Ban chỉ đạo kỳ thi và ưu tiên cho công tác này trong thời gian tới.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, việc thành lập hội đồng thi và các ban, tiểu ban phục vụ kỳ thi cũng phải rõ chức năng, nhiệm vụ, rõ người, rõ trách nhiệm.

Phải tập huấn kỹ lưỡng cho nhân sự tham gia để từng thành viên đều nắm chắc nghiệp vụ chuyên môn; chú ý chọn người tham gia kỳ thi có phẩm chất, đạo đức tốt.

Căn cứ vào phân công nhiệm vụ của Ban chỉ đạo, Hội đồng thi, từng thành viên trong ban chỉ đạo, hội đồng thi phải xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ một cách cụ thể, chi tiết.

Căn cứ vào kế hoạch này để giám sát thường xuyên, đôn đốc, nhắc nhở kịp thời, tránh tình trạng bê trễ và có “khoảng tối dưới chân đèn”. Một số người do không ai kiểm tra nên không làm tròn trách nhiệm kì thi.

Vì thế theo Bộ trưởng, tới đây thanh tra Bộ sẽ thanh kiểm tra công tác thực hiện của các địa phương; kiểm tra qua kế hoạch thực hiện nhiệm vụ cụ thể.

Đề nghị thanh tra Bộ khi thanh tra, kiểm tra phải có kết luận để bộ phận nào chưa làm tròn trách nhiệm phải khắc phục kịp thời chứ không phải đi ngó nghiêng hỏi han vài ba câu.

“Đã đi thanh tra, kiểm tra phải có kết luận để những bộ phận chưa tròn trách nhiệm phải thực hiện đúng chứ không nhắc rồi để đấy”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Bộ GDĐT: “Hổng một khâu sẽ gây rủi ro cả kỳ thi tốt nghiệp THPT” - 2

Bộ GD&ĐT và Bộ trưởng chịu trách nhiệm lớn

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, kỳ thi năm nay giao cho địa phương nhưng trách nhiệm của Bộ GD&ĐT vẫn rất lớn.

Đó là chỉ đạo chỉ đạo tổ chức kỳ thi; xây dựng quy chế, các văn bản hướng dẫn; tổ chức tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, nghiệp vụ thanh tra; xây dựng, cung cấp đề thi cho các hội đồng thi; cung cấp các phần mềm phục vụ tổ chức thi dùng chung cả nước; tổ chức thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi.

Bộ trưởng cho rằng, tổ chức kỳ thi như năm nay hoàn toàn phù hợp vì sau khi học sinh hoàn thành THPT muốn tốt nghiệp phải tham gia kỳ thi.

Phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, công nhận tốt nghiệp, xét tuyển năm nay được xây dựng trên nhiều căn cứ.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực nhưng Bộ trường nhìn nhận, các địa phương và ngành đã thực hiện kế hoạch an toàn trường học, thích ứng mùa dịch đến thời điểm này đáp ứng mục tiêu đề ra. 

Dù kỳ thi đã được Chính phủ giao trách nhiệm cho các địa phương chịu trách nhiệm toàn diện nhưng Bộ trưởng Nhạ nói rằng, Bộ GD&ĐT, bản thân Bộ trưởng cũng chịu trách nhiệm rất lớn trong việc chỉ đạo kỳ thi nghiêm túc.

Kỳ thi năm nay, thanh tra Chính phủ cũng tham gia, các lực lượng từ Công an đảm bảo an toàn, an ninh mạng, gian lận công nghệ cao; Bộ Giao thông vận tải đảm bảo việc đi lại cho học sinh... Còn Bộ GD&ĐT chịu tổ chức kỳ thi, các địa phương chịu trách nhiệm toàn diện. 

Vì thế ông Nhạ lưu ý, các địa phương nâng phải nâng cao trách nhiệm, tránh tình trạng một số địa phương nhiều việc, ý thức về kỳ thi chưa cao, dẫn đến công tác chỉ đạo, điều hành chưa chu đáo một số khâu, tiềm ẩn rủi ro. “Dù kỳ thi này đã được tổ chức nhiều năm, bài học của kỳ thi 2018 vô cùng đắt giá vẫn còn đó”, Bộ trưởng nói. 

Một trong những khâu quan trọng ảnh hưởng không nhỏ đến kì thi là tập huấn cho người làm công tác thi.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, những người làm thi mà không hiểu đúng thì sẽ lúng túng, làm sai, thậm chí tiếp tay cho vi phạm dẫn tới rủi ro cho cả kỳ thi.

Tương tự, cần có phương án dự phòng những rủi ro có thể xảy ra trong tất cả các khâu: in sao, vận chuyển, coi thi, bảo quản đề thi bài thi, chấm thi, cần phòng ngừa thiên tai, mưa lũ… “Tránh một lỗ thủng nhỏ đánh đắm cả con tàu”, Bộ trưởng Nhạ nói.

Mỹ Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm