Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: "Đừng để tấm huy chương trở thành gánh nặng"
(Dân trí) - "Mong các bậc phụ huynh đừng quá gây áp lực cho các em. Nếu không, những tấm huy chương dành cho các em ngày hôm nay sẽ là một gánh nặng trong chặng đường sắp tới".
Trên đây là lời của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tại Lễ gặp mặt, tuyên dương các học sinh đạt giải Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2021, do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 18/12 tại Hà Nội.
Tại buổi lễ, có 31 học sinh đoạt giải tại các kỳ thi Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2021 được trao tặng Huân chương Lao động hoặc bằng khen.
Trong đó, 8 em đoạt Huy chương Vàng tại các kỳ thi Olympic quốc tế hoặc khu vực được tặng Huân chương Lao động hạng nhì.
Có 11 em giành Huy chương bạc được trao Huân chương Lao động hạng ba và 12 em khác được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu tại lễ tuyên dương, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, các em đã khẳng định được mình, có những kết quả sau một quá trình nỗ lực phấn đấu, đem lại vinh quang cho cá nhân, cho gia đình, cho ngôi trường của mình, cho quê hương và cho đất nước.
Suốt năm 2020, 2021, trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, trong sự xáo trộn sinh hoạt xã hội và xáo trộn giáo dục, các đoàn thi Olympic và KHKT vẫn giành được kết quả rất đáng tự hào.
Những gì các em giành được trong điều kiện bình thường vốn đã rất quý, thì trong điều kiện khó khăn của dịch bệnh lại càng đáng trân quý hơn.
Những kết quả các em đạt được, những tấm huy chương và lời ngợi khen, đó là sự ghi nhận cho những nỗ lực của các em.
Kết quả này là sự chỉ bảo, những dấu hiệu cho thấy các em có năng lực vượt trội, tiềm năng lớn có thể đưa các em đi xa, đạt thành công lớn trong tương lai.
"Tiếp nhận thất bại là một việc khó, nhưng đón nhận vinh quang cũng không hề dễ. Các em cần nhìn nhận đây là một sự động viên trong chặng đường dài sắp tới.
Quan trọng, với một năng lực tiềm tàng và những khả năng đặc biệt, điều quan trọng nhất là các em phải biết lập chí, tức là xác định con đường cần đi, khoảng cần phấn đấu, tầm nhìn nghề nghiệp và biết phải đi như thế nào.
Nếu sự lập chí của con người nhỏ bé, người ta sẽ dễ thỏa mãn. Nếu như đích cần hướng đến quá lớn và rộng dài chúng ta sẽ dễ mệt mỏi và thoái chí.
Nên, không ai hết, chính các em hãy lắng nghe bản thân mình, biết mình cần làm gì và biết làm gì để ra sức gắng mà đạt được.
Các em hãy chọn con đường phù hợp, nhưng con đường đó cần có một khoảng rộng cho những con người đang được xem là mầm tài năng có thể thể hiện.
Các em đừng quá tự gây áp lực cho chính bản thân mình. Quan trọng là trong sự phấn đấu mỗi ngày, ngày hôm sau các em cảm thấy đã vượt lên chính mình của ngày hôm trước.
Mong các bậc phụ huynh đừng quá gây áp lực cho các em. Nếu không, những tấm huy chương dành cho các em ngày hôm nay sẽ là một gánh nặng trong chặng đường sắp tới.
Hãy xem những tấm huy chương là năng lượng cho chặng đường sắp tới và là sự động viên cho tương lai", Bộ trưởng nói.
Cũng theo Bộ trưởng, các em có thể học trực tiếp trong nước, các em có thể học ở nước ngoài, các em có thể làm việc ở bất cứ nơi đâu các em thấy thích hợp nhưng quan trọng là bên cạnh sự rèn luyện, tri thức, năng lực làm việc, mong các em hãy quan tâm đến cách sống, quan tâm đến nghệ thuật, đến những điều mà các em có thể sống ở đời và cảm thấy hạnh phúc.
Và chỉ sống một cuộc sống hạnh phúc thì các em mới có thể làm những việc lớn cho quê hương, cho đất nước và nhân loại.
"Dù ở nơi đâu, các em hãy thể hiện mình là người tốt, là công dân Việt Nam, đã từng nhận những tấm huy chương và nhận được sự kỳ vọng của rất nhiều người.
Mong các em sống tốt, tự khẳng định được mình. Trước hết, hãy đem lại niềm vinh quang cho chính mình, và theo đó, gia đình, đất nước cũng được vinh quang", Bộ trưởng chia sẻ.