Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Chấm thanh tra thi tốt nghiệp với tỉnh có tỷ lệ đỗ cao

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã khẳng định như vậy trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời ngày 8/7 về chống gian lận trong thi cử.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận.
 
Trả lời câu hỏi về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của nhiều tỉnh năm nay cao đột biến với tỷ lệ gần 100%, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, sau kỳ thi đại học, Bộ sẽ thực hiện chấm thanh tra lại kết quả thi tốt nghiệp THPT tại những địa phương và những cơ sở có tỷ lệ tăng đột biến.

Nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ trưởng Luận khẳng định: “Không nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp mà chỉ đổi mới căn bản kỳ thi”.

“Kỳ thi là đánh giá lại kết quả học tập của các cháu cũng như là chất lượng dạy của thầy cô giáo, nhà trường, chương trình, sách giáo khoa… chúng tôi cũng cần có thông tin phản hồi để điều chỉnh bổ sung. Quá trình thi cử là thử thách từ nhỏ tới lớn với học sinh, giúp các cháu rèn luyện hình thành ý trí, nghị lực, khắc phục khó khăn, vượt qua thủ thách trở thành con người có ích cho gia đình và xã hội. Với cách tiếp cận như vậy, không nên đặt vấn đề bỏ kỳ thi tốt nghiệp. Theo tôi cần đổi mới căn bản kỳ thi, không biến kỳ thi trở thành một nỗi căng thẳng cho các cháu và không làm kỳ thi nặng nề, tốn kém tiền của” - Bộ trưởng Luận bày tỏ quan điểm.

Mang thiết bị vào phòng thi là để giám sát cán bộ coi thi

Trả lời về vấn đề nội dung sửa đổi, bổ sung quy chế thi đại học, cao đẳng năm nay là thí sinh được mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi.

Bộ trưởng Luận cho biết, rút kinh nghiệm từ vụ thi tốt nghiệp tại Trường THPT dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang), Bộ GD-ĐT đã triển khai và sửa đổi quy chế thi đại học, cao đẳng. Nội dung sửa đổi, có điểm quan trọng là cho phép thí sinh mang vào phòng thi các thiết bị ghi âm, ghi hình không có chức năng phát trực tiếp. Có nghĩa là các thiết bị mà các cháu không nghe được âm thanh, không xem được hình ảnh. Cho phép thí sinh mang vào phòng thi ghi lại những hình ảnh tiêu cực trong phòng thi để cung cấp cho các cơ quan chức năng có tách nhiệm, phối hợp giúp đỡ cho cơ quan quản lý, ngành giáo dục tiếp tục đẩy mạnh chống tiêu cực.

Về việc tại sao không quy định cụ thể những thiết bị ghi âm, ghi hình mang vào phòng thi, Bộ trưởng cho rằng: “Chúng tôi cũng đã thảo luận và đi đến kết luận không ghi cụ thể thiết bị nào vì trên thị trường hiện nay rất nhiều thiết bị khác nhau được lưu hành. Việc chỉ cho lưu hành 1 – 2 thiết bị và cấm thiết bị khác chỉ tiện cho cơ quan quản lý nhưng không thuận lợi cho các thí sinh. Chúng tôi quyết định, cơ quan quản lý chấp nhận phần khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh, có điều kiện dễ dàng để thực hiện đấu tranh chống tiêu cực trong ngành”.

Trả lời về việc cho phép thí sinh mang thiết bị vào phòng thi mang tâm lý e ngại cho cán bộ coi thi và hội đồng thi, Bộ trưởng cho biết: “Quy chế mới này tạo cho cán bộ coi thi một sức ép là bất cứ lúc nào cũng bị ghi hình, ghi âm. Nếu làm điều gì chưa đúng, chưa chuẩn, có thể bị xử lý tạo nên e ngại. Nhưng tôi tin rằng đông đảo thầy cô giáo tận tâm với ngành, bất bình với tiêu cực tồn tại trong ngành giáo dục sẽ tận tình chia sẻ với chúng tôi trong quyết định này để tạo sự sức ép, tạo giám sát của toàn xã hội đối với tất cả lực lượng tham gia vào quá trình giáo dục nói chung và quá trình thi nói riêng của ngành.

Hồng Hạnh (ghi)