Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cảm ơn người ra đề thi ĐH, CĐ

(Dân trí)-Đề thi ĐH, CĐ năm nay được dư luận đánh giá hay, khác lạ, do đó, ngay sau khi kết thúc thi đợt 3 tuyển sinh ĐH, CĐ 2014, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã gửi thư tới các thầy giáo, cô giáo tham gia Hội đồng ra đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2014.


Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cảm ơn người ra đề thi ĐH, CĐ

Trong nội dung thư, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận viết: Kỳ thi tuyển sinh ĐH,CĐ 2014 vừa kết thúc, được dư luận đánh giá là an toàn, nghiêm túc và có nhiều đổi mới theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa XI. Nhiều đề thi được xã hội, các chuyên gia giáo dục và các thầy cô đánh giá là có nội dung hay, gắn bó với đất nước và dân tộc, gợi mở cho học sinh tính sáng tạo và góp phần vào việc đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng phát triển năng lực của học sinh.

Thay mặt lãnh đạo Bộ GD-ĐT, tôi trân trọng gửi đến các thầy giáo, cô giáo trong Hội đồng ra đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 lời cảm ơn chân thành về những đóng góp của các thầy giáo, cô giáo vào thành tich nói trên của ngành.

Nhận định về đề thi đại học môn Ngữ văn năm nay, thầy Trần Hinh, khoa Ngữ Văn - ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn - ĐH QGHN cho biết: “Đề thi môn Ngữ văn năm nay là một định hướng đúng cho cách loại bỏ dần lối học văn theo khuôn mẫu. Nếu học sinh tiếp cận với môn học này bằng phương pháp và tinh thần đúng đắn nhất (hiểu và biết cách vận dụng sự hiểu biết đó vào bài làm), thì đề thi môn Văn năm nay hoàn toàn trong tầm tay của tất cả các thí sinh. Ngược lại, đề thi sẽ gây khó khăn ít nhiều với những thí sinh nào chọn cách học theo văn mẫu ở các lò luyện thi (thầy đọc, trò chép). Đề thi đại học môn Văn năm nay được ra hoàn toàn trong định hướng của Bộ GD-ĐT. Cách ra đề theo hướng này sẽ góp phần loại bỏ dần lối học văn khuôn mẫu, lò luyện thi vì thế cũng sẽ “chết” dần”.

Thí sinh dự thi vào ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH QGHN. (Ảnh: Thành Long/USSH)

Thí sinh dự thi vào ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH QGHN. (Ảnh: Thành Long/USSH)

Đối với đề thi môn thi Lịch sử, TS. Nguyễn Quang Liệu (Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN) cho biết, đề Sử có điểm khác biệt so với các năm trước là đề gồm 4 câu cho tất cả đối tượng thí sinh, không có câu tự chọn, cũng không phân biệt thí sinh phân ban hay không. Kể từ khi tổ chức thi ĐH “3 chung” cho đến nay thì năm nay là năm đề thi Lịch sử có sự khác biệt rõ nhất. Đề thi ra như năm nay hay, nội dung hỏi rõ ràng, không đánh đố và đặc biệt là giúp người làm bài có cơ hội thể hiện được sự sáng tạo và nét riêng trong tư duy. Đề này phù hợp với các học sinh khá, vì các em có cơ hội thể hiện kiến thức, sự hiểu biết rộng của mình đề lấy điểm cao. Đề ra vừa và đủ, dung hòa được kiến thức cùng khả năng tư duy, hiểu bài. Dạng đề này giúp kích thích sự sáng tạo, điều này vô cùng quan trọng trong việc học hiện nay.

TS Liệu cho rằng, đề thi Sử lần nay cũng đặt ra cho chúng ta một yêu cầu: học Lịch sử ở bậc THPT hiện nay cần phải thay đổi, không chỉ học kiến thức khô cứng, sáo rỗng mà phải lồng ghép, gắn với các vấn đề thực tiễn. Các bài học lịch sử, các vấn đề lịch sử được nhắc lại, được thể hiện tươi mới và dưới góc nhìn có tính thời đại hơn. Làm được điều ấy thì dạy và học Lịch sử ở THPT mới sinh động, hấp dẫn, theo kịp dòng chảy thời sự của cuộc sống, giúp định hướng và giáo dục ý thức cho giới trẻ.

Nhận định về đề thi ĐH môn Toán, thầy giáo Trần Mạnh Tùng - Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho hay: “Đề cơ bản, nằm chủ yếu trong chương trình 12. Đề đã thay đổi cấu trúc so với những năm gần đây là không có phần tự chọn, ít nhiều gây bất ngờ và khó khăn hơn cho thí sinh vì đề đẩy mạnh tính phân hóa”.

Hồng Hạnh