Đề mở nên không có “vùng cấm” trong chấm thi
(Dân trí) - “Nếu học sinh biện giải được ý tưởng, phù hợp với thuần phong mỹ tục và pháp luật của Việt Nam; lập luận một cách trong sáng, chặt chẽ, thể hiện được sự sáng tạo của mình, các em sẽ được điểm cao hơn”.
Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định - Bộ GD-ĐT đã khẳng định như vậy tại buổi họp báo kết thúc thi đại học 2014 vào chiều ngày 10/7.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT tại buổi họp báo kết thúc thi đại học 2014.
Bài giải sáng tạo, độc đáo khác với đáp án được cộng 1 điểm
Ông Mai Văn Chinh cho biết, đề thi ĐH năm nay được dư luận đánh giá cao bởi tính phân hóa, khả năng đánh giá năng lực, kiểm tra khả năng vận dụng liến thức đã học để xử lý vấn đề thực tiễn của thí sinh. Đặc biệt, đề thi các môn Lịch sử, Địa lý, Anh văn khéo léo lồng ghép các nội dung có tính thời sự liên quan chủ quyền biển đảo, giải pháp tạo công ăn việc làm cho giới trẻ…
Trả lời câu hỏi của báo chí, trong đề thi môn Địa lý (khối C), thí sinh phải phân tích nguyên nhân và hướng giải quyết cho tình trạng thiếu việc làm còn đang khá gay gắt ở nước ta hiện nay. “Vậy nếu thí sinh nêu một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp hiện nay là do Bộ mở “quá tay” các ngành ở trường cũ và cả trường mới thì Bộ có cho điểm không?”.
Ông Mai Văn Chinh khẳng định: “Nguyên tắc chấm điểm của đề mở là truyền tải thông điệp đúng sẽ cho điểm chứ không có bất kỳ “vùng cấm” nào. Thí sinh có thể viết về những điểm chưa được của Bộ GD-ĐT”.
Về câu hỏi đề thi môn Vật lý có câu hỏi về đồng hồ đo điện, nhiều thí sinh vùng sâu vùng xa phản ánh chưa được tiếp xúc với loại đồng hồ này, ông Mai Văn Trinh cho rằng: “Thiết bị đồng hồ đo điện kế thuộc danh mục thiết bị dạy học tối thiểu của các trường phổ thông. Về nguyên tắc, các trường phải mua sắm thiết bị theo danh mục này. Bài về đồng hồ đo điện học sinh cũng đã được học trong chương trình lớp 12. Theo chương trình, các trường phải dạy cho các em đo từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp. Vì vậy, câu hỏi về nội dung này không nằm ngoài chương trình và SGK.
Theo ông Chinh, kỳ thi ĐH năm nay Bộ xây dựng trên cơ sở đồng bộ với những gì đã làm ở kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong những năm học vừa qua, các trường phổ thông đã tích cực đổi mới dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng tiếp cận đánh giá năng lực; đã có những sự chuẩn bị và có đề dạng vận dụng, dạng mở, tổng hợp. Điều đó cho thấy những gì Bộ đã làm rất nhất quán, đồng bộ với định dạng của đề thi tốt nghiệp THPT. Đương nhiên đề thi ĐH phải có mức độ khó cao hơn, tính phân hóa phải cao hơn để tuyển chọn các em.
“Nội dung đề thi hoàn toàn nằm trong chương trình SGK chứ không vượt quá. Về các câu hỏi mở, đáp án cũng mở. Nếu đáp án đóng là đếm ý lấy điểm thì đáp án mở, trên cơ sở dựa vào những chuẩn chung, học sinh truyền tải được thông điệp, ý tưởng phù hợp với thuần phong mỹ tục, pháp luật Việt Nam thì được tính điểm. Nếu các em lập luận trong sáng, logic, chặt chẽ thì sẽ được điểm cao hơn” - ông Trinh khẳng định.
Theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, những bài làm đúng, có cách giải sáng tạo, độc đáo khác với đáp án có thể được thưởng điểm. Mức điểm thưởng do cán bộ chấm thi đề xuất và do Trưởng môn chấm thi trình Trưởng Ban chấm thi quyết định, nhưng không vượt quá 1 điểm.
Thí sinh dự thi đại học đợt 2 năm 2014.
Bài thi sẽ được chấm lẻ đến 0,25 điểm
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, thang điểm chấm thi là thang điểm 10. Đối với các môn thi theo phương pháp tự luận, cán bộ chấm thi chỉ chấm theo thang điểm 10. Các ý nhỏ được chấm điểm lẻ đến 0,25 điểm.
Riêng các môn năng khiếu và các môn thi theo phương pháp trắc nghiệm có thể theo thang điểm khác, nhưng điểm toàn bài phải quy về thang điểm 10. Việc tính hệ số do máy tính thực hiện. Chỉ các môn năng khiếu và ngoại ngữ mới nhân hệ số.
Bộ GD- ĐT yêu cầu cán bộ chấm thi phải chấm bài thi đúng theo thang điểm và đáp án chính thức đã được Chủ tịch HĐTS phê duyệt. Khi chấm thi không quy tròn điểm từng bài thi. Việc quy tròn điểm do máy tính tự động thực hiện theo nguyên tắc: Nếu tổng điểm 3 môn thi có điểm lẻ từ 0,25 đến dưới 0,5 thì quy tròn thành 0,5; có điểm lẻ từ 0,75 đến dưới 1,0 thì quy tròn thành 1,0.
Đối với môn thi trắc nghiệm, sau khi quét phải tiến hành kiểm dò để đối chiếu hết lỗi logic và sửa các lỗi kĩ thuật (nếu có) ở quá trình quét. Đối với những môn đề thi có hai phần (phần chung và phần riêng), phải sử dụng chức năng của phần mềm chấm thi lọc ra tất cả các bài thi sinh làm cả hai phần riêng và kiểm dò thật kỹ để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh;
Tổ chấm tiến hành quy đổi bằng máy tính từ thang điểm 100 sang thang điểm 10 (điểm lẻ đến 0,25) cho từng bài thi trắc nghiệm. Thống nhất sử dụng mã môn thi trong các tệp dữ liệu như quy định của Bộ GD-ĐT.