Bộ tiêu chuẩn đánh giá trường có yếu tố nước ngoài

Ngày 25/10, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM tổ chức hội thảo “Xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trường trung học phổ thông có yếu tố nước ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh”.

Bộ tiêu chuẩn dự thảo gồm 6 tiêu chí là tuyên ngôn và sứ mạng; lãnh đạo, quản lý và tổ chức trường học; chương trình và hoạt động giáo dục; đội ngũ giáo viên và nhân viên hỗ trợ; cơ sở vật chất và trang thiết bị, dịch vụ hỗ trợ; người học và kết quả đầu ra.

Theo ông Cao Huy Thảo - Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Quốc tế Việt-Úc (SIC), bộ tiêu chuẩn quản lý chất lượng trường trung học phổ thông có yếu tố nước ngoài tại Thành phố Hồ Chí Minh chỉ dành cho các trường có sử dụng chương trình nước ngoài, chưa bổ sung một số trường chỉ sử dụng một phần giáo trình giảng dạy có yếu tố nước ngoài.

Ông Thảo cũng cho rằng dự thảo cần chú trọng đến khung tiêu chuẩn về chương trình và hoạt động giáo dục vì đây là yếu tố quyết định sự thành công của ngành giáo dục.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cần sớm thành lập phòng quản lý các trường có yếu tố nước ngoài để tham mưu lãnh đạo thành phố, sớm hoàn thiện bộ tiêu chuẩn.

Ông Huỳnh Công Minh - nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đối với công tác quản lý, Sở Giáo dục và Đào tạo cần có hệ thống văn bản pháp quy để định hướng, hướng dẫn cho loại hình trường học này.

Bên cạnh đó, Sở cần lập trang web về các trường có yếu tố nước ngoài để giúp giới thiệu với phụ huynh và xã hội về các trường quốc tế.

Đánh giá vị trí của các trường có yếu tố nước ngoài trong hệ thống giáo dục, ông Nguyễn Hoài Chương - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố khẳng định các trường phổ thông có yếu tố nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong việc tạo môi trường học tập tốt cho con em người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đến Việt Nam công tác hoặc kinh doanh, góp phần thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng như sự phát triển của thành phố bằng cách cung cấp giáo dục quốc tế cho con em người nước ngoài đang học tại Việt Nam.

Đây cũng là cơ hội để học sinh tiếp cận với giáo dục của thế giới. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số bất cập về chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất, công tác quản lý…

Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đang quản lý 35 trường phổ thông quốc tế, trong đó có 30 trường phổ thông được cấp phép dạy học chương trình nước ngoài, có 5 trường được thành lập theo công hàm ngoại giao, giảng dạy chương trình nước ngoài cho học sinh nước ngoài như Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Theo TTXVN