Tuyển sinh ĐH, CĐ 2005
Bộ “ra tay”, thí sinh có thêm hy vọng
Với một kết quả thi cao đột biến, kỳ thi tuyển sinh năm nay dự báo sẽ xảy ra một loạt bi kịch trong quá trình xét tuyển. Và để giải quyết những bi kịch này, dù chưa có điểm sàn chính thức, nhưng Bộ GD-ĐT đã lên những phương án...
Nguồn tuyển phải gấp đôi chỉ tiêu xét tuyển
Theo một thành viên Ban Chỉ đạo (BCĐ) tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, hầu hết điểm trúng tuyển dự kiến của các trường sẽ là điểm trúng tuyển chính thức bởi hầu hết các trường “top giữa” và “top trên” đã có danh sách thí sinh (TS) trúng tuyển từ danh sách thí sinh thuộc diện nguyện vọng (NV) 1. Thậm chí họ đã chuẩn bị giấy chứng nhận điểm cho những TS dưới 15 điểm, chỉ cần Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn là họ công bố danh sách TS trúng tuyển. Hầu hết các trường có điểm chuẩn khoảng từ 18 - 19 điểm trở lên, các TS hoàn toàn không còn cơ hội ở NV2, NV3.
Như thế cũng có nghĩa, điểm sàn chỉ có ý nghĩa đối với các trường dân lập, những trường khó tuyển. Một thành viên BCĐ tuyển sinh cho biết, hội đồng định điểm sàn sẽ phải thảo luận và đưa ra một mức điểm sàn sao cho bảo đảm giải quyết được nguồn tuyển cho các trường nhóm dưới. Và nguồn tuyển ít nhất cũng phải gấp đôi chỉ tiêu cần tuyển, ví như trường trường ĐHDL Phú Xuân xét tuyển 900 chỉ tiêu thì phải có khoảng 1.800 hồ sơ đăng ký xét tuyển trở lên thì chất lượng mới bảo đảm.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT năm nay có 55 trường ĐH và CĐ không tổ chức thi mà chỉ xét tuyển từ NV2, NV3 với khoảng 60.000 chỉ tiêu. Ngoài ra, còn hàng nghìn chỉ tiêu khác của các trường dân lập có tổ chức thi nhưng chỉ tuyển được số TS cực kỳ hạn chế.
Hạ điểm ở những trường có chuẩn quá cao
Vậy thì làm thế nào để mùa tuyển sinh năm nay không xảy ra tình trạng TS đạt 26 - 27 điểm vẫn trượt ĐH cũng như bảo đảm đủ nguồn tuyển cho TS các trường dân lập. Theo một nguồn tin riêng của Báo NLĐ thì Bộ GD-ĐT đã có một cuộc họp bàn về vấn đề này. Yêu cầu đặt ra đối với Ban chỉ đạo (BCĐ) tuyển sinh là làm thế nào để những TS đạt điểm cao phải có nơi học đồng thời có được nguồn tuyển dồi dào cho những trường top dưới. Để làm được điều này, Bộ GD-ĐT sẽ phải can thiệp sâu vào công việc quản lý của các trường, có nghĩa là trực tiếp chỉ đạo các trường qua việc “duyệt” điểm chuẩn.
Theo đó đối với các trường có điểm tuyển quá cao, khoảng từ 26 điểm trở lên, bộ sẽ chỉ đạo hạ điểm tuyển từ 0,5-1 điểm để TS cũng như dư luận khỏi “choáng” với điều kiện số TS trúng tuyển nhờ hạ điểm không vượt quá 15% - 20% chỉ tiêu tuyển sinh của trường. Được biết, năm nay Trường ĐH Y Hà Nội và ĐH Dược đã đề nghị cho phép tuyển những TS điểm cao nhưng vẫn không đỗ, sẽ được tuyển nhưng phải đóng tiền học theo đúng suất đầu tư của Nhà nước (khoảng 7 triệu đồng/năm đối với sinh viên ngành y, dược).
Nâng cao điểm chuẩn ở những trường “top giữa”
Đối với những trường top giữa, điểm xét tuyển dự kiến 16 - 17, bộ sẽ yêu cầu nâng điểm chuẩn lên khoảng 18 - 19 chứ không cho các trường lấy toàn bộ NV1. Sự can thiệp này bảo đảm vừa nâng cao chất lượng cho các trường top giữa (để lấy những TS có điểm rất cao, từ 20 - 25 điểm), vừa tạo điều kiện cho các trường top dưới và các trường không tổ chức thi có nguồn tuyển dồi dào. Ở kỳ thi năm 2004, tổng số TS có điểm trên sàn nhưng chưa đỗ NV1 cao gấp đôi so với tổng chỉ tiêu NV2, NV3, năm nay, do điểm thi thuộc khối A rất cao (số TS thi khối A gần bằng 1/2 so với tổng số TS dự thi) nên số TS “trên sàn dưới chuẩn” chắc sẽ nhiều hơn.
Tuy nhiên, cũng để bảo đảm việc xét tuyển đúng địa chỉ (chứ không phải có nguồn tuyển nhưng TS không thích vào học nên vẫn không tuyển đủ người như năm ngoái), năm nay, Bộ GD-ĐT quyết định không xác định nguồn tuyển chung trên tòan quốc mà lấy nguồn tuyển theo từng khu vực. Một thành viên BCĐ khẳng định, sự can thiệp của bộ ở đây không phải là không để cho các trường tự chủ mà là phải tính toán làm sao cho bài toán chất lượng đạt hiệu quả cao nhất.
Theo thống kê, kỳ thi tuyển sinh năm nay có 36% TS khối A có tổng 3 môn đạt trên 15 điểm. Tỉ lệ này ở khối B là 37%, khối C là 17%, khối D1 (tiếng Anh) là 24%, D2 (tiếng Nga) 60%, D3 (tiếng Pháp) 50%, D4 (tiếng Trung) 35%. Theo nhận xét của các chuyên gia tuyển sinh thì với số lượng như vậy thì tỉ lệ chọi của NV2, NV3 sẽ rất cao. Ông Đỗ Duy Dự, thư ký Ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ khẳng định “nguyên tắc vàng” để TS có nhiều cơ hội trong xét tuyển NV2, NV3 là phải nắm chắc thông tin. TS có thể tiếp nhận thông tin xét tuyển từ các nguồn như trên trang web chính thức của Bộ GD-ĐT, các phương tiện thông tin đại chúng, các thông báo của trường ĐH (thông báo tại trường hoặc được gửi về các trường THPT thông qua hệ thống các Sở GD-ĐT). TS chỉ nên đăng ký vào những trường có điểm xét tuyển NV2, NV3 thấp hơn số điểm của mình ít nhất 2 điểm. “Nếu một trường thông báo nhận hồ sơ của TS từ 18 điểm trở lên mà anh chỉ có 19 hoặc 19,5 điểm thì cầm chắc sẽ trượt”. Với những TS có điểm thi không cao, nếu muốn “chắc một suất đại học” thì nên đăng ký xét tuyển NV2, NV3 vào các trường ĐH, CĐ phía Nam. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong những năm gần đây, điểm thi của các trường miền Nam, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long thấp hơn các vùng khác. |
Theo Hoàng Lan Anh, Y.A
Người Lao Động