Bố mẹ đừng vẽ tranh cho con cái
(Dân trí) - “Tư duy học làm quan” đã ăn sâu vào tâm trí các bậc phụ huynh Việt Nam bởi xuất phát từ động cơ tốt luôn muốn con cái trưởng thành, công ăn việc làm ổn định nhưng thực tế lại thường xảy ra ngược lại.
Thương con nhưng phải đúng cách
Phụ huynh Việt Nam luôn muốn “vẽ tranh cuộc đời” cho con cái đó là lẽ bình thường nhưng điều đó kéo theo hệ lụy: thúc ép con cái như 'quả non bị ép chín', ép từ điểm cao, ép thi thật nhiều, ép phải đỗ trường danh giá, thậm chí ép lựa chọn nghề nghiệp sau này… - PGS.TS Nguyễn Văn Nam - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại từng chia sẻ trên báo Đất Việt.
Chia sẻ này đang phản ánh đúng thực trạng, tâm lý chung của phần đông cha mẹ người Việt ngày nay là cho con đi học chỉ là học chữ, học chạy, học để làm quan. Quan niệm này nhìn chung rất khác lạ với thế giới.
Tại buổi tọa đàm đầu tháng 8 vừa qua với chủ đề: “Góc sự thật” giữa nhà trường, phụ huynh và doanh nghiệp, ông Ngô Minh Tuấn – Chủ tịch CEO Việt Nam, người sáng lập Trường Doanh nhân đã chia sẻ thẳng thắn: “Bậc phụ huynh thương con nhưng cần phải đúng cách vì học chữ cũng cần, học kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn lại càng quan trọng. Nhiều học viên khi mới bước chân vào Trường Doanh nhân đều mơ hồ về chuyên môn, kỹ năng mềm… thậm chí còn không biết mình muốn gì, làm được gì”.
Tạo thói quen làm việc khi còn đi học
Học giỏi, tốt nghiệp bằng ưu sẽ có công việc tốt, thu nhập ổn định… là tất cả những gì mà giới trẻ bước chân lên “con đò” giảng đường đại học. Tuổi trẻ vốn ham chơi và khi bước chân vào môi trường đại học rộng mở, thoát khỏi vòng kiểm soát của phụ huynh dẫn đến phung phí thời gian, sức lực và chỉ một phần nhỏ thoát khỏi “cám dỗ” để tự rèn luyện bản thân, xác định mục tiêu và định hướng công việc rõ ràng.
Lớp huấn luyện kinh doanh thực tiễn 240 giờ của Trường Doanh nhân CEO Việt Nam
Bà Trần Thị Thảo – Trưởng ban phụ huynh sinh viên khóa 3 của Trường Doanh nhân CEO Việt Nam tâm sự: “Ban đầu tôi rất lo lắng khi cháu về nhà xin học tại Trường Doanh nhân, nhưng sau khi tìm hiểu thì mới hay Trường Doanh nhân được thành lập bởi Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội (trường trực thuộc Bộ Công thương Việt Nam) và Tập đoàn CEO Việt Nam. Thế là tôi yên tâm. Hơn nữa, cháu tỏ ra rất quyết tâm và mong muốn được học chương trình đào tạo theo mô hình quân đội nên vợ chồng tôi đã đồng ý. Cách đây hơn một năm, cháu rất nhút nhát, không biết làm việc nhà hay chăm sóc bản thân nhưng hiện tại cháu thay đổi nhiều, chủ động hơn trong cuộc sống”.
Rèn luyện chuyên môn và kỹ năng mềm
Để chuẩn bị hành trang bước vào đời, chúng ta cần rèn luyện đủ các yếu tố: kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng, thái độ. Kiến thức có được nhờ đi học, đọc sách, nghiên cứu. Kinh nghiệm của người đi trước thành kiến thức của mình. Kỹ năng hình thành nhờ trực tiếp làm, có người cầm tay chỉ việc, rèn luyện làm đi làm lại thì kỹ năng sẽ thành thạo. Thái độ xuất phát từ con tim, từ mục đích, từ giá trị sống.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân chia sẻ: “Thiếu ý thức trong việc tự thân vận động, không ít bạn trẻ do được các bậc phụ huynh bảo bọc, chăm sóc quá kỹ, thất nghiệp mấy năm mà vẫn được gia đình chăm “nuôi” nên không thấy cần thiết phải tìm kiếm cho mình một công việc. Vì vậy, chúng tôi xây dựng một chương trình đào tạo ngành quản trị kinh doanh theo mô hình quân đội (Business One) trong 03 năm; đào tạo nhân viên, quản lý kinh doanh (Business Two) trong 6 tháng giúp sinh viên được rèn luyện tính kỷ luật, tư duy nghề nghiệp và những kỹ năng chuyên môn cần thiết. Đặc biệt trong suốt quá trình học, các doanh nghiệp đối tác như: Công ty Cổ phần Chế tạo biến thế điện lực Hà Nội (MBT), Công ty Cổ phần Tập đoàn phát triển và Đầu tư G6,… thường xuyên đến trường để theo dõi, kiểm tra và tuyển dụng sinh viên ngay trước lễ tốt nghiệp”.
Mỹ Trinh