“Bộ không mong muốn đẩy học sinh hư khỏi trường học”

(Dân trí) - Đó là quan điểm của Tiến sĩ Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ công tác học sinh sinh viên, Bộ GD-ĐT về việc xử lý học sinh sau hàng loạt vụ nữ sinh đánh nhau thời gian qua.

“Bộ không mong muốn đẩy học sinh hư khỏi trường học” - 1
TS Ngũ Duy Anh.
 
Là người gắn bó với giáo dục nhiều năm, ông có ngạc nhiên khi thấy học sinh đánh nhau bằng nhiều hình thức như kết thành bè đảng, cởi áo, cắt tóc rồi quay clip tung lên mạng ngày một nhiều hiện nay?
 
Việc đánh nhau là việc bình thường trong giới học trò. Thế nhưng việc hành xử bằng những kiểu dữ tợn trong thời gian qua, tôi thật sự sốc. Thời tôi đi học cũng từng đánh nhau và bị bạn đánh. Thế nhưng hành xử nhau như học sinh hiện nay thì không có.

Vì vậy, tôi cho rằng, nếu một đứa trẻ thường xuyên được người lớn khuyên bảo thì sẽ biết cách nhìn lại cách hành xử của mình. Chúng ta phải dạy học sinh bằng phương pháp nhân văn thì sẽ bền hơn. Nếu có người tư vấn mà em học sinh đó tin tưởng thì tôi tin rằng, em học sinh đó sẽ nhận ra được điểm yếu của mình.

Ông nghĩ sao khi văn bản của ngành giáo dục liên quan đến việc chấn chỉnh học sinh đánh nhau được ban hành rất nhiều và thường xuyên. Song những vụ việc học sinh đánh nhau tính bạo lực lại ngày càng mạnh hơn?

Những hành vi này rất đáng tiếc. Bởi các em đã vi phạm đạo đức của học sinh đã quy định trong nhà trường. Việc đánh nhau đó cũng đã ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của nhà trường. Nhưng việc đầu tiên nhà trường cần làm là đảm bảo an toàn cho mỗi học sinh. Đại đa số nhà trường đều làm tốt chức năng này.

Đổ lỗi cho nhà trường không phải. Mình đang sống trong một xã hội đang phát triển, gia đình, nhà trường là những tế bào của xã hội. Nhiều gia đình đã không thật sự quan tâm đến con em. Nhiều lần tôi đã được chứng kiến, những hành vi rất đơn giản như khi ra đường, ông bố bà mẹ ăn mặc rất đẹp thế mà còn vượt đèn đỏ, bất chấp ý kiến của con nói rằng: Bố ơi mình vượt đèn đỏ kìa. Bố mẹ thẳng thừng nói rằng: Tao thích đi thì đi. Nói như vậy thì làm sao dạy được con đây.

Chúng ta muốn giáo dục cho thế hệ trẻ tính thật thà, chăm ngoan, biết cách tuân thủ. Thế nhưng, những bậc cha mẹ kia có làm tấm gương cho trẻ không. Ví dụ bố mẹ thích sử dụng tài sản của người khác thì tất nhiên cũng sẽ giáo dục cho con mình như vậy. Hay ở nhà, khi các em có lỗi nhỏ, nếu nhẹ nhàng khuyên bảo thì đứa trẻ sẽ hiểu ra còn hành vi đó nếu đưa ra những cái roi, lời sỉ vả thì tôi khẳng định sẽ không bao giờ có được những đứa trẻ ngoan.

Bộ cũng có nhiều văn bản yêu cầu địa phương phải chấn chỉnh tình trạng học sinh đánh nhau, yêu cầu lực lượng địa phương hỗ trợ với nhà trường quan tâm hơn đến học sinh. Bản thân mỗi nhà trường cũng phải quan tâm đến cảm xúc học sinh để có nhiều biện pháp uốn nắn.

Quy định của Bộ đưa ra là giải pháp chung nhất, các địa phương phải ứng theo thực tiễn của địa phương mình, áp dụng mềm dẻo. Tất cả trường, thầy cô giáo thực hiện đầy đủ quy định mà Bộ đưa ra, tôi nghĩ sẽ khắc phục được tình trạng học sinh đánh nhau.
 
“Bộ không mong muốn đẩy học sinh hư khỏi trường học” - 2
Một hình ảnh học sinh đánh nhau trong thời gian gần đây.

Có nhiều ý kiến cho rằng, hình thức kỷ luật học sinh đánh nhau hiện nay còn quá nhẹ, phải có biện pháp mạnh hơn nữa như đuổi hẳn học sinh thì mới làm gương cho học sinh khác được?

Nếu học sinh có lỗi, đuổi học thì nhà trường sẽ rất nhàn. Thế nhưng giáo dục là kỹ sư tâm hồn, phải giúp cho những đứa trẻ có lỗi biết lỗi và sửa lỗi. Nếu đuổi học vô tình người lớn chúng ta đã đẩy những đứa trẻ trở thành một nhân tố không có lợi cho xã hội.

Đã là học trò thì chắc chắn chưa thể hiểu thấu đáo sự việc. Nhiều em còn suy nghĩ nông nổi lắm. Nếu người lớn chúng ta không chỉ bảo mà đã sớm vội đánh dấu đen vào chúng thì không bao giờ chúng tiến bộ được.

Chúng ta đừng nói luật nhẹ. Ví dụ xử lý người có hành vi phạm tội thì rất rõ. Song đây là những hành vi bột phát rồi xử lý nặng liệu có hợp lý không. Quan trọng nhất là phương pháp giám sát, để các em nhìn nhận sai để sửa mới là quan trọng. Nếu chúng ta không khéo léo thì hiệu quả sẽ ngược lại.

Nên chăng có được thầy cô hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm tâm lý nắm bắt được tâm lý của học sinh cá biệt để có biện pháp giáo dục hợp lý nhất. Nó đòi hỏi cần có sự tinh tế, chuyên cần, trách nhiệm của giáo viên đối với học trò.
 
Nhiều học sinh đánh nhau không phải do bột phát mà đã chủ động quay clip đưa lên mạng mặc dù sẽ biết mình vi phạm kỷ luật. Theo ông, có nên tính đến phương án nâng cao mức độ xử phạt?

Quan trọng nhất hiện nay mà tôi mong muốn, giáo viên chủ nhiệm phải nắm bắt được tâm tư của mỗi học sinh của mình. Thầy cô giáo phải là những người theo sát học sinh hàng ngày, hàng giờ. Đó là người thầy có trách nhiệm.

Để làm cho một môi trường giáo dục trong sạch thì ai cũng mong muốn. Có những trường hợp học sinh không thể giáo dục được thì cần phải có chế tài. Nhiều học sinh hư đưa vào trường giáo dưỡng nhưng đâu phải 100% em ra trường đều ngoan.

Theo tôi, mức phạt có nâng cao mà không áp dụng các phương pháp hỗ trợ khác như nhà trường, giáo viên giúp các em biết được cái sai và sửa sai thì không bao giờ hiệu quả.

Các nhà giáo dục, quản lý cũng cần đóng góp một tay với ngành. Áp dụng tất cả hình thức phạt nào đi nữa, cũng nhằm tạo ra một công dân tốt cho xã hội. Bộ không bao giờ mong muốn khi một học sinh có lỗi là đẩy các em ra ngoài xã hội.

Ngoài ra, người lớn chúng ta cũng cần vào cuộc để ngăn chặn hành vi đánh nhau của học sinh. Khi mọi người xung quanh không bàng quan mà có trách nhiệm thì tôi tin học sinh sẽ không dám làm những điều không phải như vậy.

Xin cảm ơn ông!

Hồng Hạnh (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm