Bó hoa cuối cùng của giáo sư Nguyễn Văn Đạo
(Dân trí) - Mới đây thôi, trước nỗi niềm của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân là: “Mặc dù xuyên suốt Hội nghị APEC, vấn đề đào tạo nhân lực luôn được nhắc đến nhưng không một ai trong Bộ GD-ĐT được mời dự Hội nghị này”, <a href="http://www22.dantri.com.vn/Sukien/2006/12/157164.vip">GS. Viện sĩ Nguyễn Văn Đạo</a> còn an ủi rằng: “Chỉ vì quốc tế họ biết Việt Nam không bao giờ dám coi giáo dục là một thị trường”. Vậy mà…
Là một trong những người góp ý cho Bộ mạnh mẽ và quyết liệt nhất trong số 8 GS lão thành thuộc hàng cột trụ của “làng” giáo dục Việt Nam, GS Nguyễn Văn Đạo cùng các GS Hoàng Tuỵ, GS Nguyễn Cảnh Toàn, GS Phạm Minh Hạc, GS Trần Xuân Nhĩ, GS Hoàng Xuân Sính, GS Trần Hồng Quân, GS Đặng Hữu đã có một cuộc gặp gỡ trao đổi bàn về giáo dục với Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân lần đầu tiên vào ngày 19/11/2006, nhân dịp kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam.
Nỗi niềm đau đáu của GS Nguyễn Văn Đạo trong suốt hơn 3 tiếng đồng hồ trao đổi tại thảo luận này là: Tự chủ phải có cho các trường ĐH! Bộ phải “tin”vào sự phát triển của trường để sớm tạo ra cơ chế tự chủ và phân cấp mạnh cho các trường, Bộ nên chỉ ở tầm cao hơn để quản lý. Trước khi bầy tỏ ý kiến này của mình một cách gay gắt, GS Đạo đã bộc bạch đầy tâm huyết: “Chúng tôi luôn đứng cùng một phía với Bộ, nếu có nói “nặng” thì cũng chính là nói chúng tôi”.
“Tôi đã từng có cả 50 năm gắn bó ngành giáo dục. Vì thế, tôi cảm thấy thấm thía hơn bao giờ hết rằng gia nhập WTO chính là cơ hội chưa từng có để cho ngành giáo dục phát triển. Nếu dấn thân vào chúng ta sẽ thắng lợi. Nếu bỏ qua sẽ là có tội! WTO sẽ tạo bước ngoặt cho ngành giáo dục. Cơn bão ấy sẽ đến! Phải chấp nhận cơ chế thị trường trong giáo dục ĐH, trước hết là các ngành khối A.
Các trường ĐH sau 50 năm hoạt động có năng lực, sáng tạo, nếu dựa vào họ, chúng ta sẽ thành công. Bộ tạo điều kiện cho họ thì cũng chính là tạo điều kiện phát triển cho chính mình. Sáng kiến của quần chúng là vô cùng, bộ óc của quần chúng còn “lớn” hơn gấp một trăm lần của Bộ! Với cách nắm quyền như hiện nay của Bộ thì nhiều khi chúng ta tự lừa dối chúng ta. Chẳng hạn như Bộ ra những quy định về chương trình khung đào tạo cho các trường nhưng thực sự Bộ có nắm được vấn đề này tại các trường thực tế là thế nào?
Bộ không nên tiếp tục là “Ban giám hiệu” chung cho tất cả các trường ĐH trong cả nước. Cách quản lý hiện nay của Bộ đang tạo nên cho bộ máy quản lý trong ngành giáo dục thành hình một tam giác ngược: Bộ là cái đáy rất to ở trên, hệ thống các trường ĐH là một cái đỉnh rất nhỏ nằm ở phía dưới. Muốn guồng máy giáo dục thực sự vận hành thì phải đảo ngược tam giác này”.
Trong 15 phút, “tiêu chuẩn” thời gian dành cho mỗi GS phát biểu trong cuộc họp này mà 8 GS đã tự căn thời gian và chia đều cho nhau, GS Đạo đã nói một mạch như vậy. Sau khi kết thúc ông nói: “Tôi còn muốn nói rất nhiều nhưng sợ lại tranh phần của các GS khác nên xin phép dừng lại!”
Bộ trưởng Nhân cũng hiểu rất rõ sự “ấm ức” này của GS Đạo nên ông đề nghị GS Đạo xin cứ tiếp tục bầy tỏ nỗi lòng mình nhưng GS Đạo vẫn “thôi để dành phần thời gian cho những người còn lại”.
Cuộc gặp gỡ giữa các GS lão thành cùng Bộ trưởng đã kết thúc vào lúc gần 12 giờ trưa. Bộ trưởng bầy tỏ sự tha thiết sẽ có một buổi gặp gỡ như thế này thêm một lần nữa vào một ngày không xa.
Tan họp, tôi gặp GS Đạo để chúc mừng ông nhân ngày Nhà giáo Việt Nam và cũng xin một cái hẹn cho một buổi phỏng vấn. GS Đạo nhiệt tình đồng ý ngay và tặng lại tôi bó hoa ly trang trọng và thơm ngát mà Bộ trưởng vừa tặng cho ông. Tôi thật sự vô cùng bất ngờ. Có lẽ, sự quá chăm chú quan tâm của tôi với những gì mà ông vừa phát biểu đã khiến ông cảm động.
Tôi không dám nhận bó hoa đẹp như vậy, nhất là trong ngày kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam - một ngày kỷ niệm cao quý và đầy ý nghĩa của ông. Nhưng GS Đạo vẫn kiên quyết bắt tôi cầm.
Bó hoa ly ấy, tôi đã cắm được một tuần. Sau đó, những cái cánh đầu tiên của nó úa đi và bắt đầu rụng xuống vào ngày thứ 8. Suốt cả một tuần ấy, tôi đã không gọi cho ông như đã hẹn.
Hai tuần trôi qua. Công việc mải miết với những tin bài thời vụ. Cho đến khi, tôi thấy bài viết của ông xuất hiện đồng loạt trên nhều tờ báo lớn. Vẫn là nội dung về tự chủ cho các trường ĐH, những bài viết sắc sảo bằng cả trái tim của một nhà quản lý, một nhà khoa học. Nhưng, tôi đã không thể gọi được cho ông nữa…
Mai Minh