Bộ Giáo dục, Bộ Y tế cùng kiểm tra chất lượng bác sĩ

(Dân trí) -Bộ Y tế gửi công văn sang Bộ GD-ĐT đề nghị mở ngành nhân lực y tế cần có sự tham gia về chuyên môn của Bộ Y tế. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT đưa ý kiến sẽ phối hợp với Bộ Y tế thanh tra, kiểm tra các trường ngành Y để đảm bảo chất lượng.

Xoay quanh vấn đề thẩm định mở ngành y, ngành y mở tràn lan dẫn đến chất lượng kém… PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga về vấn đề này.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga.

Bộ Y tế vừa có công văn gửi Bộ GD-ĐT có ý kiến đề nghị Bộ GD-ĐT cần có quy định chặt chẽ khi mở ngành đào tạo nhân lực y tế trong đó việc thẩm định cần có sự tham gia về chuyên môn của Bộ Y tế và các chuyên gia y tế để đảm bảo chất lượng đạo tạo. Ý kiến của Bộ GD-ĐT về vấn đề này như thế nào?

Thực hiện phân cấp quản lý về giáo dục theo Nghị định 115 của Chính phủ, xác nhận các điều kiện thực tế về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy được giao cho Sở GD-ĐT. Do vậy, là cơ quan quản lý của nhà nước Bộ GD-ĐT không tham gia vào chuyên môn. Việc mở ngành theo Thông tư 3808 giao cho Sở GD-ĐT thẩm định về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và giao cho trường uy tín thẩm định về chương trình đào tạo trên cơ sở đó Bộ GD-ĐT sẽ quyết định cho phép mở ngành.

Trong cuộc họp giữa Bộ GD-ĐT với Bộ Y tế hồi tháng 6 vừa qua, Bộ GD-ĐT đã thống nhất với Bộ Y tế, ngành Y là ngành đặc thù cho nên Bộ GD-ĐT đồng ý cho chuyên gia y tế của Sở y tế cùng tham gia với Sở GD-ĐT thẩm định cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên.

Bộ GD-ĐT không tham gia thẩm định việc mở ngành nên Bộ Y tế cũng không nên tham gia mà để chuyên gia Sở Y tế và Sở GD-ĐT cùng phối hợp tham gia thẩm định. Sở y tế tham gia rồi mà Bộ Y tế tham gia nữa sẽ dẫn đến chồng chéo.

Một giờ học của sinh viên ngành Y.

Một giờ học của sinh viên ngành Y.

Không chỉ việc mở ngành, Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ GD-ĐT khuyến cáo tình trạng thừa nhân lực đối với các ngành (dược, điều dưỡng, y sĩ) để các thí sinh có định hướng khi chọn ngành học và đồng thời có giải pháp hạn chế tuyển sinh đối với các ngành này?

Trong cuộc họp hồi tháng 6, Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT đã thống nhất, trường ĐH,CĐ nào thuộc Bộ Y tế quản lý, khi đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh thì phải có ý kiến của Bộ Y tế trước khi gửi về Bộ GD-ĐT.

Trước đây, Bộ GD-ĐT đã phát ra cảnh báo dư thừa nguồn lao động một cách tổng thể với nhiều ngành như tài chính - ngân hàng, kế toán, quản trị kinh doanh… theo quy hoạch phát triển nhân lực đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ chứ không không đưa ra cảnh báo chi tiết từng ngành được. Các cơ quan quản lý về ngành Y như Bộ Y tế phải có dự báo nhu cầu cụ thể về ngành của mình để thí sinh biết đăng ký.

Bộ Y tế có phản ánh việc nhiều trường ngoài công lập có chỉ tiêu tuyển sinh số lượng khá lớn trong khi năng lực đào tạo và cơ sở thực hành hạn chế, điều này không phù hợp với quy hoạch của ngành và ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo. Bộ GD-ĐT có biện pháp gì để giải quyết tình trạng này?

Khi được mở ngành, các trường đều đạt tiêu chí cần thiết về đội ngũ, cơ sở vật chất theo đúng quy định.

Hiện nay, có rất ít trường ngoài công lập được mở ngành y, chỉ có những trường đã thực hiện tự chủ như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM và đại học vùng mới mở. Còn những trường Bộ GD-ĐT đang quản lý xin mở ngành Y, Bộ hết sức cân nhắc trước khi cho mở ngành, những trường nào đảm bảo đủ điều kiện Bộ mới cho mở.

Về việc đảm bảo chất lượng đào tạo đã có khâu hậu kiểm. Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp đi thanh tra, kiểm tra trong từng giai đoạn để đảm bảo chất lượng đào tạo.

Ngoài ra, trong đợt làm việc vừa qua giữa 2 bộ, ngoài việc mở ngành đào tạo, 2 bộ đã trao đổi nhiều vấn đề khác như về bằng cấp bác sĩ chuyên khoa cấp I,II, bác sĩ nội trú…. Có thể nói giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế đã phối hợp làm việc với nhau rất chặt chẽ, trong việc đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực ngành y tế chứ không phải có công văn của Bộ Y tế thì Bộ GD-ĐT mới làm.

Để giải quyết nhiều bất cập trên, Bộ Y tế đã đề nghị Bộ GD-ĐT thu xếp buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trong tháng 9 này? Cuộc gặp có diễn ra không thưa Thứ trưởng?

Những vấn đề mà Bộ Y tế gửi công văn tới Bộ GD-ĐT đều là những vấn đề 2 bộ đã bàn hết rồi.

Tuy nhiên, những kết luận trước đây trong buổi làm việc mà Bộ Y tế thấy có những vấn đề gì mà cần bàn thêm thì họp vì việc họp giữa 2 Bộ là trao đổi phối hợp công tác bình thường để có phương án quản lý tốt hơn chứ không có gì to lớn.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Hồng Hạnh (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm