Bộ Giáo dục biên soạn một bộ sách giáo khoa: Liệu có sân chơi bình đẳng?

(Dân trí) - Tại sao Bộ GD&ĐT chỉ trực tiếp chỉ đạo một bộ sách giáo khoa trong khi Bộ cần quan tâm đồng đều và công bằng đối với tất cả các bộ sách giáo khoa mà không có phân biệt?


Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa là cách làm mở, tạo điều kiện cho những bộ sách tốt hơn, chất lượng hơn được ra đời, phục vụ cho giảng dạy và học tập.

Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa là cách làm mở, tạo điều kiện cho những bộ sách tốt hơn, chất lượng hơn được ra đời, phục vụ cho giảng dạy và học tập.

TS Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư đặt câu hỏi như vậy về vấn đề một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa.

Ông Vũ Ngọc Hoàng cho rằng, trong nền giáo dục mở rất cần thiết thực hiện một chương trình với nhiều bộ sách giáo khoa.

Thậm chí còn phải tiếp tục thực hiện một chương trình quốc gia với phần nội dung “cứng”, bắt buộc trong giới hạn nhất định và kèm theo là các chương trình khác nhau ở cấp địa phương với phần nội dung “mềm” phù hợp điều kiện cụ thể ở địa phương đó.

Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa là cách làm mở, tạo điều kiện cho những bộ sách tốt hơn, chất lượng hơn được ra đời, phục vụ cho giảng dạy và học tập.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng, sau khi có chủ trương về một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa thì Bộ Giáo dục lại đề nghị trong đó có một bộ sách do Bộ trực tiếp chỉ đạo, thực hiện bằng tiền của nhà nước...

“Tôi chưa nói tiền nhiều tiền ít và khoản tiền này sẽ hạch toán và thu hồi về đâu, bởi vì sách giáo khoa là thứ bán được để thu hồi vốn, hoàn toàn có thể xã hội hóa chứ không phải nhà nước bao cấp và việc làm sách theo chương trình mới thì lần lượt suốt 12 năm, vốn quay vòng để làm sách đến 12 lần chứ không phải một lần” – ông Hoàng nói.

Điều trước tiên tôi muốn nói ở đây là tại sao Bộ Giáo dục chỉ trực tiếp chỉ đạo một bộ sách trong khi Bộ cần quan tâm đồng đều và công bằng đối với tất cả các bộ sách mà không có phân biệt?.

Thay vì chỉ có một bộ sách độc quyền, việc cho ra nhiều bộ sách giáo khoa là một sân chơi bình đẳng mà Bộ Giáo dục phải đứng ở vị trí trung tâm, trọng tài, chứ không lệch về một bên nào.

Không thể có một sân chơi bình đẳng khi mà trong đó có một đội bóng được sự quan tâm riêng và trực tiếp tham gia của trọng tài vào đội bóng ấy” – ông Hoàng nhấn mạnh.

Mặt khác, theo ông Hoàng, Bộ GD&ĐT làm công việc quản lý nhà nước là chủ yếu, còn công việc mang tính sự nghiệp như viết sách là của các nhà xuất bản, các trường đại học, viện nghiên cứu và các chuyên gia.

Với cách làm này thực chất là “đổi mới” nửa vời, vẫn níu kéo cái cũ, vẫn là như cũ” - ông Hoàng nói.

Sách giáo khoa của Bộ Giáo dục được phê duyệt công bằng với SGK của tổ chức, cá nhân khác

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông cho biết, thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư số 33 quy định tiêu chuẩn SGK; quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK.

Nghị quyết số 88 khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trên cơ sở chương trình GDPT. Hiện nay nhiều tổ chức, cá nhân đang sẵn sàng tham gia công việc này.

GS Thuyết cho hay, một số đơn vị đã tiến hành nghiên cứu mô hình SGK của nước ngoài và biên soạn thử một số bản thảo. Những sự chuẩn bị, tập dượt đó nhằm sau khi chương trình mới được thông qua có thể bắt tay vào việc ngay. Sau khi chương trình mới được ban hành, Bộ GD-ĐT sẽ còn phải tổ chức tập huấn cho các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK để có được những bộ SGK thật tốt.

“Để chủ động triển khai chương trình GDPT mới, Nghị quyết số 88 của Quốc hội giao: “Bộ GDĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK. Bộ SGK này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các SGK do tổ chức, cá nhân biên soạn”.

Theo GS Thuyết, trong thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ tuyển chọn tác giả biên soạn bộ SGK này. Mọi việc sẽ được tiến hành công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa; ban hành Chương trình giáo dục, phê duyệt sách giáo khoa để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục, sách giáo khoa gồm các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học, có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện các tổ chức có liên quan.

Hội đồng phải có ít nhất một phần ba tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng. Hội đồng thẩm định và các thành viên Hội đồng phải chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng thẩm định.

Nam Bằng