Bộ GD&ĐT phát giác nhiều văn bằng giả do nước ngoài cấp
(Dân trí) - Ông Trần Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Khoa học Công nghệ (nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD&ĐT), cho biết năm 2018, Bộ GD&ĐT phát hiện gần 10 trường hợp bằng giả. Nhiều văn bằng do nước ngoài cấp nhưng khi về Việt Nam, các đơn vị “vô vọng” không xác định được.
Ông Trần Văn Nghĩa cho biết thông tin trên trong buổi giao lưu trực tuyến "Công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người Việt Nam", do báo điện tử Dân Việt tổ chức chiều 25/1.
Không có “giấy phép con” ?
Thời gian qua, quy trình công nhận văn bằng nước ngoài cấp cho người Việt Nam của Bộ GD&ĐT đã giúp cơ quan chức năng phát hiện nhiều trường hợp sử dụng văn bằng giả, văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp nhưng không đạt chất lượng, trường cấp văn bằng chưa được kiểm định.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc công nhận văn bằng có một số bất cập. Chẳng hạn cán bộ do Nhà nước cử đi học tập, đào tạo vẫn phải công nhận văn bằng; ngoài các nước có Hiệp định công nhận lẫn nhau, chưa có quy định cụ thể các trường hợp không phải làm thủ tục công nhận văn bằng; …
Vì bất cập này, nhiều người được Nhà nước cử đi đào tạo ở nước ngoài, đến nay vẫn chưa được công nhận do cơ quan chức năng “chưa đủ căn cứ để trả lời”.
Tại buổi giao lưu trực tuyến chiều 25/1, một đại biểu dẫn câu chuyện của vị cán bộ, được Nhà nước cử đi học, khi đó giữa hai nước (Việt Nam và Liên Xô) đã có Hiệp định giáo dục nhưng vẫn phải chờ đợi xác định lại mức độ thật/giả của văn bằng.
Theo đó, cán bộ này được cấp bằng chính quy năm 1991. Từ đó đến nay, ông vẫn sử dụng tấm bằng này. Ngôi trường nơi cán bộ này học tập cũng được xác định nằm trong danh sách cơ sở đại học được cho phép đào tạo, cấp bằng. Ông cũng cung cấp cả bảng điểm từng môn trong 5 năm học 1986 - 1991.
Thế nhưng, người này vẫn phải chờ đợi Bộ GD&ĐT tiếp tục cấp một giấy công nhận nữa cho tấm bằng của mình như một “giấy phép con”- điều đó hết sức vô lý.
Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT.
Trả lời vấn đề trên, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT khẳng định, đây không phải giấy phép con và Bộ GD&ĐT chưa có một văn bản nào yêu cầu người học phải công nhận văn bằng.
Việc công nhận văn bằng nước ngoài cấp là do nhu cầu cá nhân và đơn vị sử dụng lao động có văn bằng đó. Khi một tổ chức, cá nhân yêu cầu, Bộ sẽ thực hiện quy trình công nhận.
Về mặt thủ tục, theo ông Trinh, trong hai năm vừa qua, Bộ đã cố gắng cải tiến để đơn giản hóa quá trình này, đã xây dựng website để người có nhu cầu có thể gửi hồ sơ trực tiếp, sắp tới mọi người có thể làm thủ tục công nhận qua mạng.
“Tôi luôn nói với các đồng chí ở Bộ GD&DT, hãy đặt trường hợp của mình vào người có văn bằng để triển khai, tuyệt đối không được làm khó và phải hỗ trợ tối đa người có văn bằng cần đi công nhận”, ông Trinh khẳng định.
Ông Trần Văn Nghĩa cũng cho rằng, Bộ GD&ĐT không có “giấy phép con”. Việc công nhận văn bằng hiện nay về có 2 vấn đề:
Thứ nhất, hệ thống văn bằng nước ngoài không giống văn bằng Việt Nam hoàn toàn, nên việc sắp xếp vị trí các văn bằng như thế nào cần phải xem xét.
Thứ hai, việc xác minh giúp chứng minh, bằng cấp đó là thật hay giả.
Ông Trần Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Khoa học Công nghệ (nguyên là Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD&ĐT)
“Vô vọng” khi xác định một số văn bằng nước ngoài
Chia sẻ về “vấn nạn” bằng giả - một trong những nguyên nhân khiến một số tổ chức yêu cầu Bộ GD&ĐT phải xem xét, công nhận lại một số văn bằng được cấp từ nước ngoài, ông Trần Văn Nghĩa cho biết, năm 2018, Bộ GD&ĐT bắt gần 10 trường hợp là bằng giả hoàn toàn. Bộ đã liên hệ với hệ thống giáo dục nước ngoài để họ thẩm định.
Đối với việc đề xuất tương đương thì có thể nhanh nhưng đề xuất về thẩm định, theo ông Nghĩa, cần thời gian rất dài.
Ông cũng cho hay, có những văn bằng, nếu còn hồ sơ gốc thì rất đơn giản nhưng có những loại bằng gần như “vô vọng”, không xác minh được.
TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học.
Về điều này, TS Lê viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: “Tôi làm phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học 19 năm, suốt cả một thời gian rất dài, vấn đề công nhận văn bằng làm một vấn đề nhức nhối nhưng chúng ta chưa có một giải pháp triệt để. Nếu bây giờ Bộ đưa ra một giải pháp để xây dựng khung pháp lý thuận lợi hơn thì sẽ tốt hơn”.
Ông Khuyến đề xuất, thời ông còn công tác, Vụ Giáo dục Đại học hợp tác rất nhiều với bên công an để giải quyết vấn đề bằng giả.
Nếu bây giờ, Bộ GD&ĐT vẫn theo đuổi việc công nhận văn bằng sẽ rất rườm rà, nên để việc đó cho đơn vị sử dụng lao động làm. Bộ chỉ cần công khai danh sách các trường đạt chất lượng, có khung chương trình quốc gia để từ đó tham chiếu.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong - Biên tập viên cao cấp, Phó Ban Tuyên truyền Lý luận, Báo Nhân dân.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong - Biên tập viên cao cấp, Phó Ban Tuyên truyền Lý luận, Báo Nhân dân cũng kiến nghị, nên có khảo thí bằng cấp nhưng phải có danh sách loại trừ, gắn với đảm bảo chất lượng, gắn với lịch sử mà theo ông là Liên Xô (cũ) vì đó là chất lượng đào tạo “xịn”.
Ngoài ra, cơ chế liên thông giữa các bên chưa rõ và cũng cần có cơ chế bảo lãnh. Người đủ tin cậy bảo lãnh là được, nếu thấy sai thì có hồi tố và xử lý nghiêm sau.
Vấn đề công nhận văn bằng ở nước ngoài được Quyết định số 77/2007/QĐ-BGDĐT do Bộ GD&ĐT ban hành ngày 20/12/2007 và Thông tư số 26/2013/TT-BGD ĐT ban hành ngày 15/7/2013 sửa đổi bổ sung một số điều của quyết định 77.
Theo đó, văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được công nhận trong một số trường hợp.
Tuy nhiên, Bộ không bắt buộc tất cả mọi người đều phải công nhận lại văn bằng nước ngoài mà do nhu cầu cá nhân và của đơn vị sử dụng lao động.
Mỹ Hà