Báo cáo số lượng học sinh bỏ học vênh thực tế:

Bộ GD-ĐT lực bất tòng tâm?

(Dân trí) - Số học sinh bỏ học thực tế bao nhiêu hiện chưa có số thống kê chính xác khi Bộ GD-ĐT không đủ sức để đi gom tất cả số liệu ngoài việc trông đợi từ báo cáo của các Sở GD- ĐT gửi về và những báo cáo này không phải lúc nào cũng "chuẩn".

Đó là những điều còn đọng lại sau "hơi nóng" về tình hình học sinh bỏ học hiện nay được đưa ra bàn thảo trong cuộc họp giao ban giữa các cơ quan trong Bộ GD- ĐTtổ chức vào hôm qua 9/4. Được biết, ngay trong tuần tới, một cuộc họp báo về vấn đề này cũng sẽ được Bộ tổ chức.

Sở khiếu nại Bộ!

Về việc thống kê số liệu học sinh (HS) bỏ học, ngày 14/11/2007, Bộ GD- ĐT có công văn yêu cầu các Sở GD- ĐT phải thực hiện rà soát tình hình HS bỏ học trong học kỳ I và báo cáo về Bộ trước ngày 30/11/2007. Thời gian thực thi quá ngắn ngủi, cộng với phương pháp thực hiện chưa thống nhất nên hiện đã có tới 3 Sở... khiếu nại Bộ về việc con số HS bỏ học ở địa phương họ được Bộ công bố khác với con số thực tế của địa phương họ!

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến sự khiếu nại này, lãnh đạo Vụ THPT Lê Quán Tần cho hay, văn bản báo cáo là của lãnh đạo Sở GD-ĐT ký, nhưng việc thống kê được giao cho bộ phận chuyên môn nhưng nhiều khi bộ phận này không nắm chắc nghiệp vụ nên đã thống kê sai! Cùng đó, có nơi báo cáo số liệu HS bỏ học học kỳ I, có nơi báo cáo số liệu HS bỏ học hai học kỳ, rồi số liệu HS bỏ học qua hè, rồi các Sở căn cứ vào các mốc thời gian khác nhau để báo cáo nên giữa báo cáo với thực tế lại không giống nhau...

Để khắc phục tình trạng này, ngay trong thời gian tới, Vụ THPT sẽ có hướng dẫn cụ thể cho việc thống kê HS bỏ học. Việc thống kê có thể chia làm 3 mốc rõ ràng: số lượng HS bỏ học trong học kỳ 1, số lượng HS bỏ học trong học kỳ 2, số lượng HS bỏ học qua hè. Số HS bỏ học của năm đó sẽ là số tổng của 3 con số này.

Tính từ đầu tháng 4 năm nay, lãnh đạo Bộ GD- ĐT đã liên tục thực hiện các cuộc vi hành lớn nhỏ đi thị sát thực tế tình trạng HS bỏ học như đích thân Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đi thị sát tại Trà Vinh, Thứ trưởng Bành Tiến Long, Trần Văn Nhung đi Hòa Bình và một số tỉnh miền núi phía Bắc...

Tuy nhiên, rõ ràng lãnh đạo Bộ không thể làm xuể công việc này. Đồng thời, theo phân cấp thì quá trình giám sát giám sát thuộc về lãnh đạo địa phương, Bộ chỉ có thể kiểm tra xác suất một số tỉnh, thành.

Bài học niềm tin

"Chính báo cáo họ gửi đến nhưng cũng chính họ lại phủ định con số mà họ thực hiện", Vụ trưởng Vụ THPT Lê Quán Tần than thở về những bản báo cáo của các Sở! Cũng theo ông Tần thì tất nhiên, người báo cáo sai sự thực là người phải chịu trách nhiệm.

Đến thời điểm nay, lãnh đạo Bộ cũng thừa nhận các con số thống kê mà Bộ vừa công bố là "có vấn đề".

Trong câu chuyện "dài kỳ" này, có thể nói, trong "trích đoạn"công bố các con số không chuẩn xác, Bộ không có lỗi vì lẽ, dù rất muốn, Bộ cũng không thể nào có được con số chính xác nếu không dựa vào các Sở và không tin vào các Sở. Nhưng, niềm tin của Bộ có lẽ đã phải trả giá quá đắt.

Ngay khi công bố các con số học sinh bỏ học, lãnh đạo Bộ đã kết luận ngay không chút băn khoăn: Cuộc vận động "Hai không" đã bước đầu làm giảm tỷ lệ học sinh bỏ học trong cả nước! Và giờ đây, số liệu HS bỏ học thực tế có giảm thật hay không lại cũng chính là điều mà lãnh đạo Bộ phải hoài nghi.

Mai Minh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm