Bộ GD& ĐT hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển vừa ra hướng dẫn các Sở GD-ĐT sử dụng sách giáo khoa (SGK) phổ thông và tài liệu giảng dạy, học tập từ năm học 2008-2009.

Theo đó, SGK và tài liệu chủ đề tự chọn nâng cao, từ lớp 1 đến lớp 12, học sinh chỉ có một bộ SGK. Hầu hết các môn học ở mỗi lớp có một tên SGK.

Riêng cấp trung học phổ thông (THPT) đối với 8 môn học phân hóa (Toán, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ) có 2 loại SGK: Loại biên soạn theo chương trình chuẩn và loại biên soạn theo chương trình nâng cao.

Ở cấp THPT, bên cạnh SGK có tài liệu chủ đề tự chọn nâng cao được Bộ GDĐT ban hành để dùng cho giáo viên giảng dạy và học sinh học tập. Đối với môn học nâng cao của ban Cơ bản, có thể dạy học bằng SGK biên soạn theo chương trình nâng cao hoặc SGK biên soạn theo chương trình chuẩn kết hợp với sử dụng tài liệu chủ đề tự chọn nâng cao.

Khi sử dụng SGK để chuẩn bị kế hoạch bài giảng (giáo án), giáo viên cần căn cứ chuẩn kiến thức, kỹ năng quy định trong chương trình môn học, xác định trọng tâm kiến thức, kỹ năng để thiết kế bài giảng phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh. Nếu gặp tình huống có các cách hiểu khác nhau về một chủ đề, nội dung nào đó giữa SGK và CTGDPT thì cần căn cứ vào CTGDPT để giảng dạy.

Khi tiến hành kiểm tra, đánh giá, ra đề thi, cần căn cứ chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình môn học để đặt câu hỏi, ra đề theo định hướng yêu cầu học sinh nắm vững bản chất kiến thức, có kỹ năng tư duy độc lập, biết vận dụng kiến thức một cách sáng tạo để giải quyết vấn đề; hạn chế đến mức thấp nhất chỉ yêu cầu học thuộc máy móc theo SGK.

Các trường học mua SGK cấp cho giáo viên để sử dụng trong giảng dạy. Các giáo viên bộ môn có trách nhiệm cập nhật đính chính nội dung SGK theo thông báo của Bộ GD-ĐT (nếu có) và hướng dẫn học sinh đính chính SGK các môn học.

Sách giáo viên (SGV),do Bộ GDĐT tổ chức thẩm định và ban hành, dùng để hỗ trợ giáo viên nghiên cứu thiết kế bài giảng. Mỗi môn học ở mỗi lớp có một tên SGV (riêng 8 môn học phân hóa ở cấp THPT có 2 tên SGV).

Đối với một số môn học ở cấp Tiểu học và môn Thể dục, Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, Hoạt động giáo dục hướng nghiệp ở cấp THCS và cấp THPT, Bộ GDĐT không ban hành SGK mà chỉ ban hành SGV.

Nếu gặp tình huống có các cách hiểu khác nhau về một chủ đề, nội dung nào đó giữa SGK và SGV thì căn cứ vào SGK để thiết kế bài giảng.

Các trường học mua SGV cấp cho giáo viên để sử dụng trong giảng dạy. Giáo viên có trách nhiệm cập nhật các nội dung đính chính theo thông báo của Bộ GDĐT (nếu có).

Sách bài tập (SBT) là tài liệu tham khảo do NXB Giáo dục phát hành với sự tham gia biên soạn của một số tác giả SGK, có ghi tên Nhà xuất bản và tên tác giả. Giáo viên có thể tham khảo SBT, lấy tư liệu để giảng dạy sau khi đã xem xét độ chính xác, sự phù hợp với nội dung bài dạy; học sinh có thể tham khảo trong học tập.

Nếu gặp tình huống có cách hiểu khác nhau về một chủ đề, nội dung nào đó giữa SBT và SGK thì lấy SGK làm căn cứ để giảng dạy, học tập.

Các cơ quan quản lý giáo dục, các trường không bắt buộc học sinh mua SBT, khi tổ chức phát hành SBT phải thông báo rõ điều này cho giáo viên, học sinh và gia đình học sinh. Các trường học có thể lựa chọn mua SBT để cấp cho giáo viên sử dụng trong giảng dạy.

Sách tham khảo khác, hiệu trưởng trường phổ thông có trách nhiệm giao cho các tổ chuyên môn xem xét nội dung các STK đang lưu hành trong trường. Nếu phát hiện STK chưa chính xác hoặc không phù hợp với tính chất giáo dục phổ thông thì cần lưu ý học sinh trong việc sử dụng; nếu phát hiện STK có sai sót lớn ảnh hưởng đến dạy và học thì cần kịp thời báo cáo với cơ quan quản lý giáo dục.

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm