Bộ GD-ĐT chưa đưa ra danh sách các trường dự kiến phải giải thể
(Dân trí) - Việc thành lập trường đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH còn bất cập, việc thực hiện cam kết theo đề án thành lập trường còn nhiều khó khăn. Hiện, Bộ GD-ĐT chưa đưa ra danh sách các trường dự kiến phải giải thể.
Tốc độ thành lập trường vẫn cao
Sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, việc thành lập trường, tốc độ thành lập trường không còn quá nóng giai đoạn 2009 - 2012, tổng số cơ sở GDĐH được thành lập là 33 trường (23 công lập và 10 tư thục), bằng 10,86% so với tổng số trường được thành lập trong giai đoạn 10 năm trước đó. Phương thức thành lập chủ yếu vẫn là nâng cấp từ bậc học thấp hơn lên bậc học cao hơn (25 trường, trong đó có 22 trường công lập và 03 trường tư thục). Trong số 8 cơ sở thành lập mới thì có 7 trường tư thục, cơ cấu ngành nghề tại các cơ sở GDĐH mới thành lập từng bước được điều chỉnh.
Tuy nhiên, do chưa có sự kiên quyết trong điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ nên tốc độ thành lập trường trong các năm 2010 và 2011 vẫn còn cao. Mặc dù các cơ sở GDĐH được thành lập trong giai đoạn này hầu hết đã được phê duyệt chủ trương từ giai đoạn trước (không có hồ sơ mới) song nếu thực sự kiên quyết thì dù đã có chủ trương đồng ý từ trước nhưng vẫn có thể không cho phép thành lập mới cơ sở GDĐH nếu không phù hợp với quy hoạch, mạng lưới cũng như định hướng phát triển.
Chỉ thực hiện được 10% so với cam kết ban đầu
Theo đánh giá của VHGDTNTN&NĐ, việc thực hiện các cam kết nhìn chung còn chậm và gặp nhiều khó khăn. Nhiều cơ sở GDĐH, khi lập dự án thành lập trường thì các bộ, ngành chủ quản, lãnh đạo các địa phương đưa ra rất nhiều cam kết cả về đất đai, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như các chính sách về đào tạo, phát triển đội ngũ, nhưng sau khi đi vào hoạt động, việc thực hiện các cam kết này rất hạn chế.
Việc cấp đất, mở rộng diện tích cho các trường, đặc biệt là đối với các trường ngoài công lập còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc ngay từ khâu quy hoạch giới thiệu địa điểm xây dựng trường (như Trường ĐH Hữu Nghị và Quản lý - Bắc Ninh, Trường ĐH Văn Hiến - TPHCM, Trường CĐ Ngoại ngữ Công nghệ Việt Nhật - Bắc Ninh,…) cho tới khâu đền bù giải phóng mặt bằng và triển khai thực hiện đề án xây dựng trường (Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai -Đồng Nai, Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật - Phú Thọ,…).
Việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị của các trường mới thành lập còn nhiều bất cập, nhất là đối với các trường thuộc địa phương. Tỉ lệ triển khai đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của nhiều trường thường chỉ đạt khoảng 50% so với cam kết, cá biệt có trường chỉ đạt khoảng 10% (Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Phú Thọ,…) và đôi khi còn diễn ra tình trạng lãng phí trong đầu tư xây dựng (Trường CĐ Cộng đồng Hậu Giang,…). Trang thiết bị thí nghiệm, thực hành của nhiều cơ sở mới thành lập vẫn còn hạn chế, hệ thống thư viện còn nhỏ; một số trường đã xây dựng được thư viện điện tử nhưng dữ liệu còn nghèo và chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học, nhất là đối với các ngành nghề kỹ thuật, công nghệ.
Chưa đưa ra được quy định hậu kiểm
Theo nhận định của VHGDTNTN&NĐ, việc thẩm định thành lập trường thời gian qua nhìn chung được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm đối với các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo của cơ sở GDĐH mới thành lập được đẩy mạnh với việc đình chỉ tuyển sinh một số trường, một số ngành không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định trong thời gian qua.
Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến hết năm học 2011-2012, cả nước có 419 trường ĐH và CĐ, trong đó có 82 cơ sở GDĐH ngoài công lập (54 trường ĐH và 28 trường CĐ). Quy mô SV các trường ngoài công lập đang thực hiện đào tạo là 331.595 người, tăng 19% so với năm 2009. Chỉ tính riêng giai đoạn 2010-2012, trong số 08 cơ sở GDĐH được thành lập mới thì có tới 7 cơ sở GDĐH ngoài công lập. |
Hồng Hạnh