Bộ ảnh “Đừng để tốt nghiệp là tiếc nuối" xôn xao cộng đồng mạng
(Dân trí) - Bộ ảnh “Đừng để tốt nghiệp là tiếc nuối…” đưa ra 7 câu chuyện còn dang dở, tiếc nuối về quãng thời gian sinh viên, như một sự tỉnh thức với các bạn trẻ, từ đó khích lệ về sự nỗ lực, sống trọn vẹn tuổi trẻ.
Bộ ảnh với 7 câu chuyện khác nhau đầy tiếc nuối, vì thời sinh viên đã không tranh thủ, tận dụng, sống hoài phí và thiếu trọn vẹn về các vấn đề cuộc sống: học tập, tình yêu, gia đình, ước mơ, hoài bão...
Là những câu chuyện chẳng của riêng ai, bộ ảnh đã giúp nhiều người bắt gặp mình trong đó, về thời trẻ, về hiện tại hoặc đang sắp trở thành. Các vấn đề chân thực, gần gũi nhưng có sức ám ảnh và lay động đến tâm thức người đọc.
Bộ ảnh nằm trong chiến dịch “Before I graduate - Trước khi tốt nghiệp, tôi muốn…” của sinh viên ĐH Ngoại thương Hà Nội nhằm truyền tải thông điệp: “Quãng thời gian sinh viên là hữu hạn, là lúc bạn có thể thỏa thích thử những gì mình muốn trước tốt nghiệp! Hãy mạnh dạn theo đuổi đam mê, sống trọn từng giây và hết mình với tuổi trẻ, để không phải nuối tiếc, bạn nhé!”
“Chúng mình quan sát thấy một bộ phận sinh viên đang dễ dãi với bản thân, không trân trọng quãng thời gian sinh viên nên muốn nâng cao nhận thức, để các bạn dám theo đuổi đam mê, sống trọn từng giây của tuổi trẻ”, theo Minh Quang – thành viên trong Ban tổ chức chia sẻ.
Tấm bằng xuất sắc đầy tiếc nuối là câu chuyện một chàng trai bế tắc vì thiếu kỹ năng và kinh nghiệm khi chỉ lao đầu vào học mà quên rèn luyện thêm những giá trị khác. “Và tôi chỉ thực sự giật mình khi bắt đầu đi tìm kiếm cho mình một công việc. Vì thiếu kĩ năng, tôi không thể vận dụng những kiến thức sách vở ở trường lớp để giải quyết những vấn đề thực tiễn. Mục tiêu được bằng xuất sắc của tôi có lẽ cao cả lắm, nhưng nó chưa đủ để giúp tôi có thể đứng vững trên con đường sự nghiệp của mình. Cuộc đời đã cho tôi một cú tát đau điếng, đã giúp tôi nhận ra rằng học hỏi đâu chỉ là kiến thức sách vở, nó còn là những kinh nghiệm thực tiễn mà chúng ta có thể thu thập được bên ngoài. Sẽ chẳng có ai có thể tồn tại được nếu họ chỉ là những kẻ biết nói mà không biết làm”.
4 năm đại học và một cái CV trống rỗng kể về bạn trẻ hối tiếc vì kết quả không tốt đẹp, hoài phí quãng thời gian đại học bằng những cuộc vui vô nghĩa: "Bây giờ khi 'mai này' đã đến, khi sắp phải tự chịu trách nhiệm với cuộc đời của chính mình, thì thời gian đã chẳng còn để làm gì nữa rồi. GPA? Thôi chẳng buồn nhắc đến, bảng điểm thì đủ cả A B C D F (mà F còn nhiều hơn A). Hoạt động ngoại khóa? Không. Kinh nghiệm làm việc? Không. Giải thưởng? Không. Kỹ năng? Không. Đến cả sử dụng Excel với Word cũng không xong. Mọi thứ đều là con số 0 tròn trĩnh, khiến mình ngồi hàng giờ mà chẳng biết cho gì vào CV. Bốn năm đại học, 4 năm quý giá của cuộc đời trôi qua trong lãng phí, chẳng để lại gì ngoài những cuộc vui vô nghĩa và một cái CV trống rỗng".
Ước mơ được trở về đại học để chăm sóc, dành thời gian cho người thân vì cuộc sống bận rộn, cuốn anh chàng đi khỏi vòng tay bố mẹ. "Cuộc sống đại học bận rộn là thế, đến lúc đi làm tôi lại càng quay cuồng hơn. Đến một ngày nọ, tôi nhận được cuộc gọi không hẹn trước từ cô em gái: Anh về đi, bố bệnh nặng lắm rồi. Tin đó chẳng khác nào một tia sét đánh ngang tai. Ước gì thời gian có thể quay ngược trở lại, để tôi trở về nhà nhiều hơn và nấu được cho bố mẹ một bữa ăn tử tế".
Vì lối sống chậm rãi và lười trải nghiệm, cô gái không còn cơ hội sống với những giá trị của tuổi trẻ "Tốt nghiệp với tấm bằng giỏi và vừa mới kiếm được công việc ổn định, tôi sẽ chẳng có gì tiếc nuối quãng đời sinh viên ngoại trừ những chuyến du lịch hay cuộc vui chưa bao giờ thành hiện thực. Hồi sinh viên, có thời gian và bạn bè thì không đi vì sợ và ngại, để qua 4 năm nhìn lại, trải nghiệm thời sinh viên của mình ngoài ăn học, làm thêm thì chắc là một trang giấy trắng tinh tươm".
Đây là câu chuyện về tâm lý e dè không muốn bước ra khỏi vùng an toàn của cô gái, khiến cuộc sống thiếu định hướng, thiếu màu sắc: "Người khác nhìn vào có thể nói rằng tôi có cuộc sống yên ổn, một cuộc sống không lo nghĩ và chẳng có gì để than vãn. Phải, tôi có một cuộc sống bình yên thật đấy, nhưng đấy chỉ là bình yên về hình thức chứ không phải tâm hồn. Cuộc đời của tôi sẽ chỉ mãi nhàm chán như thế này thôi sao? Một tiếng thở dài trong vô thức, tôi cảm thấy tiếc cho quãng đời sinh viên của mình. Giá như ngày ấy tôi chịu thử thách bản thân hơn, chịu tìm ra những lối đi mới, chịu phá đi lớp vỏ bọc mang tên 'an phận' của mình".
Không đầu tư, chăm sóc vào mối quan hệ với những người bạn để rồi khi ra trường, chàng trai không có nổi một người thân thiết, tâm giao: “Trong suốt 4 năm đại học, tôi chỉ có hai loại bạn, một là bạn xã giao, hai là những đứa chơi được. Bạn xã giao là những người tôi gặp một vài lần hoặc mấy người cùng lớp hoặc chỗ làm thêm, có thể nhớ mặt nhưng chẳng nhớ tên, chẳng rõ tính cách ra sao. Tôi lượm họ vào danh sách bạn bè rồi để đó, về cơ bản là không quan tâm. Loại thứ 2 là những đứa chơi được, thường hay ngồi cạnh nhau trên lớp, để đến lúc thi cử, bài tập nhóm thì có người để nhờ vả giúp đỡ. Cả năm may lắm đi ăn uống với nhau được 1 lần và chẳng bao giờ chia sẻ bản thân với chúng nó. Chỉ có thế, hết đại học là hết liên hệ!”
Tình yêu thời đại học là một hương vị và trải nghiệm vô cùng đáng quý bởi sự trong sáng, ngọt ngào nhưng cô gái đã bỏ lỡ đầy tiếc nuối: “Suốt 4 năm đại học tôi không có lấy một mảnh tình vắt vai. Cũng có để ý nhiều người nhưng chẳng tiến đến tình yêu được. Bây giờ nghĩ lại mới thấy tiếc. Hồi đó đặt nhiều tiêu chuẩn cho người yêu mình quá, cứ phải nhất nhất tìm được người như thế thì mới yêu. Rồi thì sợ yêu rồi lại chẳng thoải mái như bình thường, sợ phải thay đổi khi yêu, nên kệ, chẳng yêu ai hết, thích ai thì cũng chỉ đứng nhìn từ xa chứ chẳng dám tiếp cận…Mải miết với cuộc sống đại học, 4 năm trôi qua tôi đã vô tình để tuột khỏi tay những tình cảm trong sáng vô tư, mà bây giờ muốn trải nghiệm thì chắc cũng không được nữa rồi...”
Hoài Thư
(Nguồn: Fanpage Before I graduate)