Biên soạn sách giáo khoa: Phải có sự cạnh tranh

Phương án Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa khiến nhiều chuyên gia lo lắng vì việc này rất có thể khiến việc đổi mới chương trình - sách giáo khoa không đạt kết quả như kỳ vọng.

Dù Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Vũ Luận khẳng định trước Quốc hội “tuyệt nhiên không có vấn đề lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong việc biên soạn sách giáo khoa (SGK)”, tuy nhiên, một giáo sư của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thẳng thắn cho rằng việc Bộ GD-ĐT đứng ra biên soạn một bộ sách sẽ dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giữa Bộ GD-ĐT với các tổ chức, cá nhân cùng làm sách khác.

Một bộ sách: Không thể so sánh chất lượng

“Nếu chỉ có một bộ SGK của bộ biên soạn thì rõ ràng chất lượng biên soạn cũng như tính khách quan trong quá trình thẩm định phê duyệt sẽ khiến nhiều người lo lắng. Theo tôi, Bộ GD-ĐT nên tập trung thực hiện chức năng quản lý nhà nước thông qua việc xây dựng và ban hành bộ chương trình chuẩn, tiêu chí đánh giá SGK, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đăng ký hợp đồng biên soạn SGK, tham mưu tổ chức thẩm định và phê duyệt SGK” - giáo sư này nói.

Cần có nhiều bộ sách giáo khoa để giáo viên chủ động lựa chọn cho bài giảng. (Ảnh: Tấn Thạnh)
Cần có nhiều bộ sách giáo khoa để giáo viên chủ động lựa chọn cho bài giảng. (Ảnh: Tấn Thạnh)

TS Nguyễn Khánh Trung, Viện Nghiên cứu Phát triển giáo dục, cũng cho rằng bộ chỉ nên tập trung soạn thảo cho tốt chương trình khung quốc gia, không nên tham gia biên soạn sách bởi thực tế chương trình mới là quan trọng. “Việc tổ chức biên soạn và quản lý SGK nên tuân theo cơ chế thị trường, nghĩa là chấp nhận sự cạnh tranh một cách công bằng, lấy sự lựa chọn của các chủ thể trong nhà trường (hiệu trưởng, giáo viên, học sinh và phụ huynh) làm căn cứ và làm động lực” - TS Trung nói.

Một giảng viên của ĐHQG Hà Nội phân tích có rất nhiều vấn đề phải giải quyết khi có nhiều bộ SGK, trong khi vấn đề nhiều bộ sách được đặt ra nhưng lại chưa được làm sáng tỏ. Giảng viên này thẳng thắn cho rằng chuyện bất bình đẳng giữa các cá nhân, tổ chức không đáng ngại bằng việc SGK được đưa vào trường học chưa chắc đã là bộ sách tốt nhất mà có thể chỉ vì đó là bộ sách được Bộ GĐ-ĐT làm.

Theo giảng viên này, nếu mỗi trường chỉ chọn dùng một bộ SGK thì trên thực tế vẫn không có gì thay đổi, vẫn là một chương trình - một bộ SGK như hiện nay. “Ở nước ngoài, giáo viên chỉ cần có chương trình cụ thể, chi tiết là dạy được. Trong lớp, thầy và trò sử dụng cùng lúc 4-5 bộ SGK, bài này giáo viên dạy theo sách A, bài kia dạy theo sách B, có như thế mới phát huy được ưu thế của phương thức một chương trình - nhiều bộ SGK” - giảng viên này nói.

Mở rộng thành phần biên soạn

Theo TS Nguyễn Khánh Trung, nếu giáo viên có quyền tự soạn giáo án dựa trên chương trình quốc gia và địa phương sẽ giải quyết được lo lắng của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận là nếu không có SGK đúng thời hạn thì giáo viên, học sinh không có gì để dạy, để học. “SGK chẳng qua là sản phẩm của một nhóm giáo viên, chuyên gia có khả năng tập hợp nhau lại và biên soạn dựa trên chương trình khung quốc gia. Việc tự soạn giáo án cũng có thể coi là hành động tham gia viết SGK của giáo viên dựa trên điều kiện thực tế của những học sinh họ trực tiếp giảng dạy” - TS Trung nêu quan điểm.

Nhà giáo Đoàn Thịnh, nguyên cán bộ Sở GD-ĐT Hà Nội, lại cho rằng dựa vào chương trình khung nên có 2 bộ SGK, một dành cho học sinh với những kiến thức cơ bản nhất (do Bộ GD-ĐT chủ trì biên soạn), bộ còn lại dành cho giáo viên (biên soạn theo phương thức xã hội hóa). Ông Thịnh cho rằng cần mở rộng thành phần tham gia quá trình biên soạn mục tiêu đào tạo, chương trình khung và SGK học sinh, không chỉ bao gồm các nhà nghiên cứu giáo dục, nghiên cứu chuyên ngành mà cần có đội ngũ những giáo viên lâu năm, nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy từng bộ môn, từng khối lớp trên từng địa bàn khác nhau. Sau đó tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến rộng rãi để bổ sung, hoàn chỉnh trước khi tổ chức xã hội hóa biên soạn SGK giáo viên.

Thay đổi tư duy

Theo nhà giáo Đoàn Thịnh, muốn đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông thì Bộ GD-ĐT thay đổi tư duy, chọn những người có tâm, có tầm, có thực tiễn trong việc biên soạn chương trình - SGK. “Bộ GD-ĐT cần triển khai khẩn trương nhưng tránh vội vàng như xây dựng chương trình khi chưa xác định cụ thể mục tiêu đào tạo, tổ chức viết SGK khi chưa xong chương trình khung, thay đổi cách đánh giá, thi cử khi chưa có SGK chuẩn...” - ông Thịnh nói.

 

Theo Yến Anh

Người Lao Động