Biến con thành “máy học”
(Dân trí) - Mong muốn sau này con thành tài, không ít phụ huynh chỉ cần con học thật giỏi, điểm số thật cao. Họ đặt con “ngoài cuộc” tất cả mọi hoạt động khác mà không biết đang vô tình tước đi của con rất nhiều thứ.
Chỉ cần con học giỏi
Chị Lê Quý An, ngụ ở P.4, Q.Tân Bình, TPHCM kể câu chuyện rất đáng suy ngẫm về cách dạy con của người vợ chồng người anh họ. Anh chị rất tự hào cô con gái đang học lớp 6, năm nào cũng đạt học sinh xuất sắc và đặc biệt là cháu đã đạt được rất nhiều chứng chỉ tiếng Anh và học cả tiếng Pháp.
Nhiều lần đến chơi, chị An không khỏi lăn tăn khi lúc nào cháu bé cũng trong phòng học, cơm ăn nước uống có người đưa tận nơi. Thậm chí, khách đến chơi, người mẹ cũng thay con chào hộ... vì cháu nó bận học rồi.
Mới đây, cháu được cô giáo chọn vào nhóm HS trang trí, vệ sinh lớp học để tổ chức họp phụ huynh đầu năm. Cháu hí hửng về xin thì bố mẹ phản đối, gọi điện ngay cho cô giáo bảo con mình không tham gia rồi mắng con: “Việc của con là học, không phải là những thứ vớ vẩn đó”.
Nhiều năm liền đạt học sinh giỏi dù gia đình vô cùng khó khăn, bố chạy xe ôm, người mẹ bị bệnh nặng vẫn đi bán vé số kiếm tiền, không thể phủ nhận nghị lực của em P.M, học sinh một trường THCS ở Q.1, TPHCM.
Vậy nhưng, khi đến thăm nhà em, nhiều người thở dài vì thứ duy nhất em M. biết là chiếc bàn học. Đi học thêm về, M. ngồi vào bàn đọc sách chờ bố mẹ đi làm về đi chợ, nấu cơm. M. không biết dọn dẹp nhà cửa, quần áo thay ra để phần mẹ giặt.
Nhiều người góp ý với người mẹ, bà đây đẩy: “Nhà tôi tuy nghèo nhưng không để cháu nó thiệt thòi. Cháu không phải làm gì hết, chỉ có mỗi nhiệm vụ là học thật giỏi để hết lớp 9 thi đỗ vào chuyên Lê Hồng Phong và sau này trở thành bác sĩ”.
Ở trường học, nhiều giáo viên bày tỏ không ít HS luôn đứng ngoài hoạt động tập thể. Các em vắng bóng trong những buổi liên hoan, thăm thầy cô, bạn bè, thậm chí kể cả những chương trình về giáo dục kỹ năng sống. Lý do, bố mẹ chỉ muốn các em tập trung vào mỗi việc học nên ngoài việc học ở trường, có em được đặt lịch học kín mít “chạy sô” học thêm bên ngoài, thuê gia sư về nhà.
Đừng biến con thành "chiếc máy vô cảm"
ThS xã hội học Phạm Thị Thúy (ĐH Hành chính TPHCM) cho rằng đang có sự thay đổi trong mong muốn nuôi dạy con của người Việt. Nếu trước đây, cha mẹ hầu hết chỉ mong muốn con nên người thì hiện nay, phụ huynh đang chạy theo mục tiêu làm sao để con mình thật giỏi giang, thông minh, thành đạt.
Từ mong muốn đó, nhiều phụ huynh cho rằng con chỉ cần học, không cho con làm việc nhà, giao lưu với bạn bè hay tham gia bất cứ hoạt động gì, ngay cả những việc tự phục vụ bản thân, bố mẹ cũng làm thay trẻ.
Cô Đàm Lê Đức, người thành lập Trường THCS - THPT Đức Trí, TPHCM chia sẻ nhiều phụ huynh đang biến con thành cái máy học thuê cho mình mà không quan tâm trẻ có thật sự thích điều đó hay không. Nhiều HS mục tiêu học tập không hợp lý cũng vì đây, thay vì hiểu rằng học cho mình, các em học chỉ vì bố mẹ.
Bà giáo này nhấn mạnh, chỉ cần con học giỏi, điểm cao, có những người đã sao nhãng việc dạy con làm người. “Đạo làm người là phải là vấn đề giáo dục hàng đầu đối với con trẻ. Học gì thì học cũng không được tách rời giáo dục đạo đức và kỹ năng sống cho đứa trẻ”, cô Đức chia sẻ.
Không thể phủ nhận chương trình học hiện nay nặng nhưng không ít trường hợp, phụ huynh vì mong muốn của mình đã đặt thêm gánh nặng lên vai con. Nhiều HS gánh áp lực rất lớn từ kỳ vọng này. Nhiều em lao vào học chỉ vì mục đích duy nhất là để bố vừa lòng. Những trường hợp này, theo các chuyên gia có thể dẫn đến nhiều hệ lụy như đứa trẻ bất chấp tất cả để thành công. Khi kết quả học tập không như ý, các em dễ rơi vào trạng thái khủng hoảng không phải vì bản thân học kém mà chỉ vì sợ bố mẹ.
Chỉ lao đầu vào học mà không tham gia bất cứ hoạt động gì khác, nghĩa là đứa trẻ đã bị cắt sự tương tác, giao tiếp của con với mọi người xung quanh. Khi đó, các em dễ biến thành “chiếc máy vô cảm” không biết chia sẻ yêu thương và thiếu đi cả các kỹ năng sống cơ bản. Đứa trẻ như vậy sẽ hết sức gian nan để đạt được kỳ vọng thành công đúng nghĩa chứ chưa nói đến việc tìm được hạnh phúc trong cuộc sống.
Hoài Nam