Biến con thành... “chuột bạch”
(Dân trí) - Không ít đứa trẻ cùng lúc phải “gánh” rất nhiều môn năng khiếu để tìm ra thế mạnh của mình như ý bố mẹ. Ngoài ra, nhiều phụ huynh còn bắt con học đủ thứ trên trời dưới đất vì tâm lý con mình phải toàn diện, không được kém con người khác.
“Chuột bạch” đa - di - năng
Mấy năm nay, bé My, cô con gái 8 tuổi của vợ chồng chị Trần Thị Mùi (ở Q.7, TPHCM) đã được “thử sức” với hàng loạt loại hình năng khiếu như hội họa, múa, hát, đàn… Thế nhưng, do cháu chưa nổi bật ở lĩnh vực nào nên hè năm nay vợ chồng chị tiếp tục cho con “chạy sô” theo học một loạt các môn năng khiếu. Không chỉ nâng cao các năng khiếu cũ, chị Mùi còn tìm cho con nhiều môn ít được biết đến như khám phá thiên văn, chụp ảnh, quay phim.
Nhiều trẻ được bố mẹ cho học đủ thứ môn năng khiếu. (Ảnh minh họa)
Lịch học văn hóa ngày hè khá nhẹ nhàng với tuần 3 buổi nhưng dịp hè của cháu bé vẫn căng như dây đàn, không có lấy một ngày nghỉ ngơi trong tuần. Riêng vợ chồng chị Mùi, việc hàng ngày đưa đón con đến lớp rồi chuyển địa điểm để học môn khác cũng đã bở hơi tai.
Chị Mùi quan niệm trẻ có năng khiếu sẽ rất lợi thế, học được gì phải tranh thủ học ngay để phát hiện càng sớm càng tốt. Vậy nên, mặc cho con gái bày tỏ chỉ thích học 1 - 2 môn cho đỡ mệt nhưng chị Mùi nhất quyết không chịu vì cho rằng: “Môn cháu nó thích chắc gì nó đã có năng khiếu, nghỉ môn khác có phải bỏ mất cơ hội không? Để muộn thì thiệt thòi cho con nên mình phải tăng cường cho cháu trải nghiệm”.
Cậu con trai vẫn đang theo học một vài môn năng khiếu cơ bản, mới đây anh Đào Mạnh Tùng (ở Q.5, TPHCM) lại vừa đăng ký cho con theo khóa học người dẫn chương trình. Đứa con giãy đành đạch không thích nhưng cho rằng con có khả năng ăn nói lưu loát, hơn hẳn đám bạn tuổi lên 6 nên anh không thể để “phí” khả năng của con.
Ông bố này còn cho biết, “cục vàng” nhà mình rất mê âm nhạc, các khúc nào cũng chỉ cần nghe một vài lần là hát theo thuộc làu, phát âm rất chuẩn nên sẽ chú trọng cho con học nhạc. Ngoài ra anh đánh giá, cháu nhảy nhót rất tốt. Anh Tùng không ngại bày tỏ: “Quả thật là cháu nó có quá nhiều khả năng, mình cần tạo điều kiện cho con học được càng nhiều càng tốt".
Không chỉ chú trọng đến việc học văn hóa, hiện nay nhiều phụ huynh rất quan tâm đến việc phát triển năng khiếu cho con từ rất sớm. Điều này rất đáng khuyến khích nhưng nhiều phụ huynh có thể vì không biết con mình có thế mạnh ở lĩnh vực nào hoặc cho rằng con mình cái gì cũng giỏi… Có thể vì để phát hiện năng khiếu ở trẻ, họ đã vô tình biến con thành chú chuột bạch mang ra để “thử nghiệm”, không để ý đến suy nghĩ, cảm xúc của con.
Thế nên, có những đứa trẻ mới vài tuổi đầu đời đã được “cọ xát” đủ các thể loại năng khiếu, môn này chồng lên môn khác. Tại các trung tâm đào tạo năng khiếu hay nhà thiếu nhi cũng tiếp nhận không ít trường hợp trẻ cùng lúc học gần như tất cả các môn.
Năng khiếu không thể “ép” mà ra
Nhiều phụ huynh biện minh cho việc ép con học đủ thứ với mục đích giúp con khám phá khả năng bản thân. Nhưng theo các chuyên gia, việc cha mẹ ép trẻ học theo ý mình không hẳn vì mục đích phát hiện năng khiếu của con mà chủ yếu là từ sự kỳ vọng quá mức của họ lên vai con cái.
Chuyên viên giáo dục Nguyễn Hồ Thụy Anh (Sở GD-ĐT TPHCM) cho rằng, phụ huynh luôn đặt nhiều kỳ vọng lên con cái, sự kỳ vọng rất dễ chạm ngưỡng ảo tưởng về con. Thế nên khi cho con học, họ đặt ra mục tiêu con phải đạt được kết quả này, kết quả nọ. Ít phụ huynh có tâm lý, cho con học năng khiếu để trẻ được giải trí hay trang bị các kỹ năng. Trong khi, số người “thành tài” từ môn năng khiếu không nhiều, cháu nào có năng khiếu đặc biệt thường sẽ bộc lộ rất rõ.
Những trẻ có năng khiếu bẩm sinh thường sẽ bộc lộ rất rõ. (Trong ảnh: Thí sinh Đăng Khoa của cuộc thi Vietnam's got talent biểu diễn tài năng nhảy trước trẻ em nghèo).
“Chính bố mẹ trong quá trình chăm sóc, gần gũi con sẽ biết con mình có những tố chất, sở thích, khả năng ở lĩnh vực gì để hướng con đến môn năng khiếu phù hợp, học một cách nhẹ nhàng chứ không nên thúc ép trẻ”, bà Thụy Anh nói.
Đồng tình với ý kiến này, chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ (Công ty Tâm lý Trẻ) cho rằng phụ huynh bắt con học đủ loại năng khiếu xuất phát từ hai lý do. Có thể vì họ xác định không đúng năng khiếu của con nhưng phần lớn là do họ đặt kỳ vọng con mình phải giỏi toàn diện trên mọi lĩnh vực để không thua kém bạn bè.
Theo bà Huệ, năng khiếu là những khả năng bẩm sinh, việc học sẽ giúp sẽ phát triển khả năng đó. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lại nghĩ là phải “nhào nặn” thì mới ra năng khiếu nên ép con phải è cổ ra học. Nhiều trẻ “bầm dập” vì suy nghĩ đó của bố mẹ.
“Có điều chúng ta phải nhìn thực tế, phụ huynh luôn muốn con mình thứ gì cũng phải giỏi, phải toàn diện. Trong khi ở các nước tiên tiến, trẻ được học theo đúng khả năng của mình, không ai ép con phải giỏi tất cả mọi thứ. Có chăng là học để biết, để bổ trợ cho thế mạnh của mình”, bà Huệ chia sẻ.
Để định hướng con theo đúng khả năng của mình, bà Huệ nhấn mạnh phụ huynh cần có cái nhìn khách quan về con, để con phát triển một cách tự nhiên theo sở thích, mong muốn của trẻ chứ không nên áp đặt.
Hoài Nam