Bí quyết viết bài luận chinh phục các trường Ivy League và top 50 ĐH Mỹ

(Dân trí) - Cho dù thí sinh thuộc nhóm có hồ sơ toàn diện (điểm chuẩn hóa cao, nhiều thành tích và hoạt động ngoại khóa) hay có nhiều điểm “chết” trong hồ sơ (điểm SAT, GPA thấp; ít các hoạt động xã hội; không có nhiều giải thưởng…) thì điều mà hội đồng tuyển sinh ĐH ở Mỹ chú ý nhất vẫn là bài luận.

Đó là “bật mí” từ các diễn giả giàu kinh nghiệm trong buổi tọa đàm “Bí quyết chinh phục Ivy League và top 50 Đại học Mỹ” diễn ra mới đây tại Viện Ứng dụng Công nghệ, Hà Nội.

Các diễn giả trong buổi tọa đàm.
Các diễn giả trong buổi tọa đàm.

Bài luận vẫn là yếu tố quyết định trong hồ sơ

Bài luận chính là căn cứ thể hiện rõ nhất con người và tính cách ứng viên. Từ bài luận, nhà tuyển sinh sẽ đánh giá được bạn có tiềm năng như thế nào và phù hợp với tiêu chí của trường hay không.

Du học sinh Nguyễn Đỗ Quyên (sinh viên năm 3 của Đại học Cornell) cho biết, em đã rất băn khoăn khi viết bài luận về trang điểm. Chủ đề ấy cho thấy không hề liên quan đến học đại học thậm chí nó còn làm em mất điểm do bộc lộ rằng quan tâm đến trang điểm sẽ không chú ý học tập.

Nữ sinh này nói: “Tưởng chừng như bị mất điểm nhưng em đã biết lồng ghép để vừa nói về sở thích trang điểm của bản thân, vừa thể hiện trang điểm, mỹ phẩm đã ảnh hưởng đến tính cách của em như thế nào đồng thời bộc lộ quan điểm rằng trang điểm giúp che đi nhược điểm, sự tự ti và nó giúp cho mọi người khi trang điểm xong sẽ tự tin, thoải mái phát huy điểm mạnh của bản thân mình”.

Em Trần Văn Hào – chàng trai sinh năm 2001 đã bứt phá về đích với thư trúng tuyển tại Đại học Villanova (top 48 trường Đại học hàng đầu toàn nước Mỹ) chia sẻ rằng, bài luận đã góp phần giúp em thành công khi nộp hồ sơ sớm.

“Em rất thích kinh doanh. Vì em tên là Hào, em đã viết về đồng hào. Từ nhỏ, em đã nghĩ tiền rất ma thuật và nó giúp mình có được những thứ mình thích. Nhưng sau đó, em mới thấy rằng tiền chỉ là một công cụ để trao đổi và nó phải lưu thông để tạo ra lợi nhuận.

Em kết lại bài luận của em bằng câu em rất thích: Tiền giống như đồng hào, nó hình tròn, luôn luôn phải luân chuyển để phục vụ mọi người và giúp cho xã hội tốt đẹp hơn”, Hào chia sẻ.

Trần Văn Hào chia sẻ về bài luận cá nhân trong hồ sơ nộp ĐH Mỹ.
Trần Văn Hào chia sẻ về bài luận cá nhân trong hồ sơ nộp ĐH Mỹ.

Những sai lầm khi viết bài luận

Điều nên tránh đầu tiên trong bài luận chính là sự không chân thực.

Trước đây, người tuyển sinh thường đọc đi đọc lại hồ sơ nhiều lần để tìm điểm mạnh, nổi bật trong hồ sơ của ứng viên nhưng ngày nay, khi hồ sơ càng nhiều, họ lại tìm đến những điểm họ thấy không chân thực trong bộ hồ sơ.

Diễn giả Minh Trung chia sẻ: “Trước tiên, họ sẽ xem nội dung bài luận của bạn để thấy nó có phù hợp và chân thực với hoạt động bạn đã liệt kê ra không. Không chỉ vậy, một bài luận sao chép, cách hành văn, cách đặt tình huống không phải do bạn làm đều sẽ bị loại”.

Ví dụ một bạn học sinh đưa ra hoàn cảnh của mình là bố mẹ ly thân. Trong bài luận, bạn ấy tập trung nói về việc không có cha gây ra cho bạn ấy những điều không tốt gì. Nhưng đó không phải cách tốt để bạn tiếp cận với các trường Ivy League và top 50 ĐH Mỹ.

“Thay vì vậy, bạn phải tiếp cận vấn đề một cách tích cực và đưa ra giải pháp, thế mạnh từ chính điểm yếu. Thế nên, đừng bao giờ tập trung vào khiếm khuyết dù khiếm khuyết ấy có lớn đến đâu. Đó là điểm nên tránh thứ hai”, thạc sĩ Harvard tại Mỹ nói.

Nếu bạn đam mê khoa học máy tính, suốt bài luận bạn nói về đam mê đó nhưng các hoạt động ngoại khóa bạn tham gia toàn về thiết kế thời trang cho dù đó đều là sự kiện lớn nhưng không liên quan đến khoa học máy tính thì bài luận của bạn cũng sẽ bị đánh giá thấp.

“Một lỗi nữa các ứng viên hay mắc phải chính là sự không phù hợp giữa hoạt động ngoại khóa và ngành nghề mình lựa chọn học”, anh Trung lưu ý.

Thạc sĩ Trần Đắc Minh Trung (tốt nghiệp ĐH Harvard, người 12 lần giành học bổng danh tiếng thế giới) nhắn nhủ rằng, nếu muốn liên kết đam mê và hoạt động ngoại khóa mình đã tham gia không liên quan đến đam mê đã nêu thì ứng viên nên giải thích là hoạt động ngoại khóa đó cụ thể thế nào, khó khăn ra sao, bao nhiêu người đăng ký, bao người trúng tuyển để tham gia, nó rèn luyện kỹ năng nào, quy mô sự kiện bao nhiêu bạn học sinh để qua đó nhấn mạnh độ khó, sự quan trọng, nghiêm túc của hoạt động.

Còn nếu ứng viên nào từng tham gia vào một tổ chức nổi tiếng đến mức các vị giám khảo tuyển sinh ĐH Mỹ biết thì hồ sơ sẽ rất mạnh.

Buổi tọa đàm thu hút sự quan tâm của các bậc phụ huynh và các em học sinh.
Buổi tọa đàm thu hút sự quan tâm của các bậc phụ huynh và các em học sinh.

Anh Trung khiến người tham dự bất ngờ khi đề cập tới luận điểm: “Việc chọn trường quá thấp, dưới tầm trình độ bản thân rất có thể nó sẽ phá hỏng cơ hội trúng tuyển của bạn”.

Nhà tuyển sinh của trường cảm thấy điểm số của bạn cao hơn mức trung bình của trường, hoạt động ngoại khóa tốt nhưng nếu chọn trường chỉ để an toàn thì nhà tuyển sinh vẫn sẵn sàng gửi đơn từ chối bạn.

Bởi lẽ, các trường phải cân nhắc về tài chính và xem xét khả năng bạn chấp nhận học sau khi họ gửi đơn trúng tuyển cho bạn, các trường luôn muốn nhận học sinh “vừa sức” với mình.

Với những trường như vậy, bạn phải thể hiện trong bài luận các ý rõ ràng chứng minh rằng bạn phù hợp với tiêu chí, định hướng nghề nghiệp bản thân cho dù thứ hạng của trường đó không cao.

Diễn giả Trần Đắc Minh Trung chia sẻ: “Bài luận không có khuôn khổ nhất định và ràng buộc về nội dung. Nó phải phù hợp với cá tính và con người bạn. Bài luận không phải là một đơn xin xét duyệt vào trường mà nó như một bức thư để nói bạn là ai.

Hãy tưởng tượng nhà tuyển sinh giống như người bạn và ứng viên phải làm sao để người bạn ấy muốn kết thân với mình”.

Hồng Vân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm