Bí quyết thu hút đầu tư nằm ở… giáo dục

(Dân trí) - Không phải vấn đề thủ tục kinh doanh, không phải vấn đề cơ sở hạ tầng được nói nhiều khi đề cập tới việc đầu tư vào Việt Nam tại diễn đàn xúc tiến thương mại và đầu tư với Việt Nam diễn ra hôm qua (16/11). Yếu tố được các tập đoàn, các tổ chức quốc tế phân tích kĩ nhất lại là nguồn nhân lực, trong đó mấu chốt vấn đề là đào tạo.

Bắt đầu từ lợi thế nhân lực…

Đại diện tập đoàn BP cho biết, những năm 90 khi tập đoàn này đầu tư tìm khí đốt tại Việt Nam, hầu hết người dân còn chưa biết công dụng của nguồn năng lượng này. Hiện nay, nguồn khí đốt công ty khai thác đã đóng góp quan trọng vào việc sản xuất điện. Công việc kinh doanh của tập đoàn này tại Việt Nam được đánh giá là rất khả quan và theo dự kiến, trong vòng 5 năm tới tập đoàn này sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam hơn 1 tỉ USD.

Tập đoàn này đánh giá cao tiềm năng lao động của Việt Nam. Hiện tại có nhiều người Việt Nam làm việc ở BP được nhìn nhận là “nổi tiếng”.

Tổng giám đốc Intel tại Việt Nam, Lào, Campu chia, Thân Trọng Phúc cho biết, đầu tư của tập đoàn Intel vào Việt Nam tăng từ 300 triệu USD lên 600 triệu USD và hiện nay là 1 tỉ USD. Có nhiều lí do để tập đoàn này lựa chọn Việt Nam: Việt Nam có cơ sở hạ tầng thích hợp và vị trí thuận lợi, vận chuyển sản phẩm tốt; Chính phủ chủ trương phát triển công nghệ cao… và một yếu tố được nhắc đến nhiều lần là lực lượng lao động trẻ, có động lực.

Tập đoàn này có một đội ngũ chuyên nghiên cứu nhân lực trước khi đưa ra quyết định lựa chọn đầu tư. Sau một thời gian xem xét, nhận thấy Việt Nam là một nước có tiềm năng về yếu tố nhân lực, Intel đã quyết định lựa chọn đầu tư, xúc tiến các công việc đào tạo nhân lực.

Theo một xếp hạng mới đây của Intel, 60% nhân viên Intel Việt Nam đứng trong 25% nhân viên hàng đầu thế giới của tập đoàn này. Điều mà đại diện Intel muốn khắc sâu khi bàn về yếu tố nhân lực là phải hình thành được “văn hoá công ty”. Theo đó, không hề có chuyện áp đặt văn hoá công ty vào văn hoá Việt Nam mà phải là sự kết hợp của cả hai. Khi đã có văn hoá công ty sẽ giúp người lao động có thể phát huy sự năng động sáng tạo. Đó là vấn đề mà tập đoàn này mong đợi nhiều khi phát triển nguồn nhân lực.

…nhưng “mắc” ở giáo dục đại học

Một điểm mà những người thảo luận đề cập rất kĩ là Việt Nam cần nhanh chóng hiện đại hóa chương trình giảng dạy trong các trường đại học, nâng cao khả năng ứng dụng chứ không thiên về lí thuyết như hiện tại.

Theo ông Thân Trọng Phúc, Việt Nam chưa có một chiến lược tổng thể về đại học. Vấn đề nghiên cứu hoặc hợp tác với bên ngoài của các trường đại học còn lẻ tẻ. Ông Phúc cho biết, phía Intel sẵn sàng liên kết với Chính phủ Việt Nam để có những đóng góp vào việc phát triển những trụ cột chính về giáo dục đại học.

Trong những năm qua, Intel đã có tới 20 chương trình hợp tác với các trường đại học ở Mỹ. Trong những năm tới, tập đoàn sẽ lựa chọn 5 trường đại học ở Việt Nam để có các chương trình hợp tác. Trong đó có việc đưa các giáo sư, các giảng viên sang Mỹ tiếp cận với giáo dục đại học ở nước này. Thực hiện chuyển giao cả về nội dung, phương pháp cũng như đầu tư cơ sở thiết bị, phòng thí nghiệm.

Đại diện UNDP cho rằng, yếu tố then chốt tạo nên thắng lợi là văn hoá sáng tạo. Việt Nam sẽ thực sự có lợi nếu có cơ chế tốt ở khu vực công và tư để thúc đẩy quá trình sáng tạo. Các trường đại học cần tự chủ hơn để khuyến khích sáng tạo.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Võ Hồng Phúc thừa nhận có vấn đề trong đào tạo Đại học. Ông hi vọng khúc mắc này sẽ được giải quyết từ sự cố gắng của cả hai phía: người đào tạo và người sử dụng.

Ông Phúc đưa ra dẫn chứng, khi Canon mới đến Việt Nam đã gặp những khó khăn về nhân lực, nhưng sau đó công ty này đã liên kết với đại học Bách Khoa Hà Nội và vấn đề đã dần được giải quyết. Ông Phúc cũng nhấn mạnh, Việt Nam rất hoan nghênh các nhà đầu  tư đến Việt Nam mở các trường đại học có chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế.

Cấn Cường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm