Bí quyết ôn tập và làm bài thi môn Hoá
(Dân trí) - “Biết hệ thống kiến thức, suy đoán nhanh cùng với những thủ thuật khi làm bài sẽ giúp thí sinh đạt điểm cao môn Hoá”, Đây là những kinh nghiệm mà Th.s Hoá học Phạm Hồng Nhung, Viện nghiên cứu kỹ thuật Bưu điện chia sẻ cùng với các bạn thí sinh.
Bắt đầu từ năm 2007, môn Hoá được thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Chính sự thay đổi này đã làm cho không ít thí sinh cảm thấy bối rối khi mà đang quen với cách làm bài thi theo phương pháp tự luận.
Tuy nhiên, đối với môn Hoá khi thi trắc nghiệm không khác gì là cho đáp án mở. Chính vì vậy nếu thí sinh có chút thủ thuật kèm theo kiến thức cơ bản chắc thì không có câu hỏi nào trong đề thi là khó cả.
Đừng rời bỏ kiến thức SGK
Th.s Nhung cho rằng: Thí sinh luôn luôn phải nhớ không được rời bỏ những kiến thức trong sách giáo khoa (SGK). Đây là điều tối quan trọng vì sách giáo khoa cung cấp những kiến thức cơ bản nhất và đề thi cũng luôn xoay quanh khối kiến thức này. Tuy nhiên đề thi thường không bao giờ có câu hỏi "rập khuôn" như trong SKG mà có sự biến đổi để phát huy tính sáng tạo của thí sinh.
Nội dung các đề thi không nằm ngoài chương trình SGK phổ thông hiện hành. Phần lớn các câu hỏi không yêu cầu thí sinh phải học thuộc lòng các định nghĩa, các khái niệm…, mà cần hiểu chúng và suy luận. Các câu hỏi xoay quanh về phương trình phản ứng, nhận biết chất tạo thành trong hồ sơ phản ứng, phương pháp điều chế các chất, chiếm tỉ lệ cao trong số các câu hỏi lý thuyết. Các câu hỏi về phần nhận biết các chất cũng tương đối nhiều, câu hỏi về tách chất ít hơn.
Do đó, ôn thi Hoá học, thí sinh cũng cần phải học thuộc nhưng không phải là học vẹt.
Để làm được điều này, trước hết, thí sinh phải hiểu vấn đề mình học, tập suy luận về vấn đề đó. Việc ghi nhớ kiến thức nên theo trình tự nhất định do bản thân vạch ra.
Khi học theo SGK, một số thí sinh thấy khó khăn, cứ “học trước quên sau” hoặc học xong một vài lượt thì cảm thấy như “cái gì cũng biết” nhưng khi hỏi cụ thể vào một phần nào đó thì quên hẳn hoặc chỉ nhớ một cách mù mờ.
Tránh tình trạng này, các thí sinh nên tự tổng hợp các bài theo một dàn ý thật ngắn gọn để dễ nhớ, rồi dựa vào dàn ý đó mà phát triển thành một câu trả lời đầy đủ.
Việc nắm chắc cơ bản kiến thức sách giáo khoa sẽ giúp thí sinh trả lời nhanh các câu hỏi đơn giản mà không mất nhiều thời gian. Thí sinh nên nhớ là số lượng các câu hỏi cơ bản trong đề thi trắc nghiệm chiếm khoảng 50% số điểm bài thi.
Thủ thuật khi giải bài toán Hoá học
Th.s Nhung chia sẻ: Dù thi tự luận hay trắc nghiệm thì đối với bài toán Vô cơ hay Hữu cơ, thí sinh nhất thiết phải đọc kỹ đề bài để hiểu đúng nội dung yêu cầu của bài ra, viết đúng công thức của các chất và các phương trình phản ứng. Cần phải chú ý biện luận các chất phản ứng cho dư hay thiếu, phản ứng hoàn toàn hay chưa hoàn toàn… để biết được các sản phẩm của phản ứng là gì… Đây là bước quan trọng nhất của bài toán. Sau đó mới là bước lập phương trình và tính toán kết quả.
Đối với hình thức thi trắc nghiệm thì làm như thế nào để nhanh nhất là yếu tố quyết định đến kết quả của bài thi. Do đó, trong qúa trình làm bài thí sinh đừng nên lạm dụng các biểu thức toán học hay lạm dụng máy tính để tính toán.
Thí sinh nên sử dụng các phương pháp cổ truyền như sử dụng định luật bảo toàn khối lượng, cách tính khối lượng mol trung bình…để sớm tìm ra kết quả cuối cùng.
Trong qúa trình làm bài thi chắc chắn thí sinh sẽ gặp những bài toán mất nhiều thời gian nhưng không tìm ra phương hướng giải quyết thì đừng nên làm cố mà nên chuyển sang các câu khác. Nếu còn thời gian thì mới quay lại để làm những câu hỏi khó này.
Một số “tiểu xảo” khi làm bài
Đặc điểm của đề thi trắc nghiệm là cho các đáp án trước và thí sinh chỉ phải lựa chọn đáp án đúng. Đây chính là cơ hội để thí sinh có thể giải quyết những bài toán khó bằng thủ thuật “mò ngược”.
Tuy nhiên, thí sinh chỉ nên “mò ngược” khi còn nhiều thời gian , đừng nên lạm dụng quá khi mà thời gian không ủng hộ.
Ngoài ra, có một điều dễ nhận thấy là đáp án của các câu hỏi trắc nghiệm là khác nhau khá nhiều, do đó nếu làm sai ngay từ đầu chắc chắn sẽ không cho ra một kết quả đúng với những đáp án đưa ra.
Đối với môn Hoá học, thì việc xuất hiện sai số khi tính toán là rất hạn chế. Bởi nếu sai số nhiều thí khó mà đưa ra một đáp số tròn chỉnh được.
Nếu để ý đề thi các năm trở lại đây thì gần như không có sai số trong các bài toán Hoá học mà chủ yếu các kết quả tính toán từng bước là khá tròn chỉnh.
Do đó, trong quá trình tính toán nếu tính toán thấy sai số nhiều lần thì thí sinh cần nghĩ ngay đến việc hướng làm bài của mình đã sai và nên dừng lại định hướng ngay sang cách giải khác…
Nguyễn Hùng (ghi)