Bí quyết nâng cao chất lượng giáo dục của quận Cầu Giấy

Cầu Giấy được biết đến là vùng đất có truyền thống hiếu học, có nét văn hóa đặc trưng với nếp sống văn minh, thanh lịch. Đây chính là một trong “Tứ danh hương” Mỗ-La-Canh-Cót của đất kinh kỳ Thăng Long xưa, từng có nhiều Tiến sĩ và hàng trăm cử nhân tú tài. “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư để phát triển bền vững” - đây chính là phương châm đưa cái nôi giáo dục nơi đây ngày càng phát triển.

Theo bà Trịnh Thị Dung - Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, sự phát triển trong suốt chiều dài lịch sử 20 năm qua - cả một chặng đường chưa dài - song tên tuổi của của ngành giáo dục quận Cầu Giấy đã đọng lại trong lòng nhân dân Thủ đô yêu dấu là một hình ảnh đẹp, một thương hiệu giáo dục có chất lượng thuộc tốp đầu Thành phố.

Minh chứng cho việc này, bà Dung cho hay: Ngày 01/9/1997, quận Cầu Giấy chính thức được thành lập. Ngày đầu thành lập, quận được hình thành bởi 7 xã, thị trấn tách ra từ huyện Từ Liêm (cũ) với tổng diện tích tự nhiên hơn 12 ngàn km2. Cùng với dấu mốc đầu tiên trong hành trình phát triển, ngành giáo dục đào tạo quận được thành lập với những bước đi đầu còn khó khăn.

Từ một quận mới gặp rất nhiều khó khăn nhưng sau 20 năm đã vươn lên là một trong những đơn vị dẫn đầu Hà Nội về chất lượng giáo dục.
Từ một quận mới gặp rất nhiều khó khăn nhưng sau 20 năm đã vươn lên là một trong những đơn vị dẫn đầu Hà Nội về chất lượng giáo dục.

Từ năm đầu thành lập, toàn quận có 28 trường, 17.110 học sinh, có 06 trường ngoài công lập với 2.204 học sinh. Cơ sở vật chất ban đầu mới cơ bản đáp ứng yêu cầu về phòng học và đội ngũ giáo viên giảng dạy trong các nhà trường. Tổng số toàn quận có 786 giáo viên, tỷ lệ giáo viên có trình độ đạt chuẩn là 89,2%, trên chuẩn là 21,5%, có 13% giáo viên là Đảng viên.

Tuy nhiên 10 năm sau, quận Quận Giấy được đánh là quận mới có tốc độ gia tăng dân số nhanh chóng, với tầm nhìn chiến lược, quận đã hoàn thành Quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn đến năm 2015 tầm nhìn 2020. Với tốc độ tăng bình quân 30%, thu ngân sách bình quân tăng 64%, hàng năm, quận đã dành khoảng 30% ngân sách để đầu tư cho giáo dục.

Quận tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở tất cả các ngành học, bậc học, từng bước sắp xếp lại mạng lưới trường học các cấp phù hợp với địa bàn dân cư và tình hình kinh tế- xã hội của quận. Công tác đào tạo đội ngũ được quan tâm hàng đầu thông qua hoạt động bồi dưỡng, tự bồi dưỡng và đánh giá đúng, kịp thời.

Với những nỗ lực không ngừng của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, sau 10 năm thành lập quận, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng đã giảm từ 7,5% xuống 2,7%; tỷ lệ trẻ đạt Chuẩn phát triển tăng; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp Tiểu học và THCS luôn đạt 100%, điểm thi vào lớp 10-THPT hai môn Toán học và Ngữ văn dẫn đầu Thành phố. Quận đã vươn lên vị trí dẫn đầu Thành phố về thành tích học sinh giỏi...

Xuất phát điểm gặp rất nhiều khó khăn nhưng sau 20 năm Cầu Giấy trở thành quận nổi tiếng nhất Hà Nội về phát triển giáo dục.
Xuất phát điểm gặp rất nhiều khó khăn nhưng sau 20 năm Cầu Giấy trở thành quận nổi tiếng nhất Hà Nội về phát triển giáo dục.

Để đổi mới giáo dục, quận đã tiếp tục thực hiện chiến lược đầu tư, ngân sách hàng năm dành cho giáo dục vẫn duy trì ở mức 30% tổng thu ngân sách hàng năm, gần 1.700 tỷ đồng được dành để xây dựng mới, sửa chữa và mua sắm trang thiết bị dạy học trong các nhà trường. Việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý không ngừng được quan tâm thông qua các chương trình hợp tác đào tạo bồi dưỡng với các nước có nền giáo dục phát triển trên thế giới và trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Chất lượng đội ngũ còn được nâng lên bởi chiến lược tạo nguồn thông qua tuyển chọn giáo viên giỏi, sinh viên giỏi, thủ khoa các trường đại học, cao đẳng về sư phạm và công tác luân chuyển cán bộ trong ngành. Các hoạt động giáo dục trên toàn quận ngày càng đổi mới đồng bộ, từ giáo dục văn hóa đến các hoạt động thể thao, văn nghệ, giáo dục kỹ năng cho học sinh được quan tâm, có sức hấp dẫn và giúp học sinh phát triển toàn diện.

Hệ thống các trường ngoài công lập được tạo cơ chế mở để phát triển và đầu tư trên địa bàn quận đã tạo sức cạnh tranh về chất lượng giữa các nhà trường. Nhiều dự án phát triển giáo dục được triển khai đã tạo cơ hội tốt để giáo viên, học sinh đổi mới phương pháp dạy, học và tăng cường hội nhập quốc tế.

“20 năm, quận có 88 trường học (60.2% trường ngoài công lập) với hơn 60 ngàn học sinh (tăng 60 trường, gần 45 ngàn học sinh so với năm 1997), trong đó, 35 trường đạt chuẩn Quốc gia (26 trường công lập-đạt 74,6% số trường công lập trên địa bàn). Các thế hệ học sinh Cầu Giấy đã đem lại thành tích đáng tự hào: toàn ngành có 125 học sinh đạt giải Quốc tế, 336 học sinh đạt giải Quốc gia, 2857 học sinh đạt giải cấp Thành phố. Năm 2017 là năm thứ 9, quận dẫn đầu thành phố về kết quả thi vào các trường THPT ...” - Phó Chủ tịch Trịnh Thị Dung tự hào cho biết.

Bí quyết phát triển giáo dục

Phó Chủ tịch Quận Cầu Giấy khẳng định, để phát triển giáo dục đòi hỏi sự đầu tư đồng bộ và thiết thực về cơ sở vật chất, hạ tầng dành cho giáo dục. Chẳng hạn như ở quận Cầu Giấy, kinh phí cho hoạt động xây dựng mới, xây dựng lại, cải tạo mở rộng trường học từ khi thành lập Quận đến nay là hơn 2 ngàn tỷ đồng. Nhiều trường học được đầu tư khang trang, hiện đại theo hướng chuẩn quốc gia. Mỗi năm học, quận còn đầu tư từ 20-40 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa chống xuống cấp và mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học. Đặc biệt, bên cạnh đầu tư nâng cao chất lượng hệ thống trang thiết bị dạy học, các khu vui chơi trong trường học cũng được trang bị nhiều thiết bị hiện đại, giúp học sinh có không gian thư giãn và tăng cường vận động thể chất.

Bà Trịnh Thị Dung - Phó Chủ tịch UBND Quận Cầu Giấy, người đang tiếp tục chặng đường đưa giáo dục nơi đây vươn lên một tầm cao mới.
Bà Trịnh Thị Dung - Phó Chủ tịch UBND Quận Cầu Giấy, người đang tiếp tục chặng đường đưa giáo dục nơi đây vươn lên một tầm cao mới.

Bên cạnh việc đầu tư đều và đồng bộ cho cơ sở vật chất trường học, để nâng cao chất lượng dạy học thì cần phải có chính sách thu hút giáo viên giỏi về công tác, giảng dạy, tạo điều kiện để cán bộ giáo viên học tập, nâng cao trình độ.

“Hàng năm, lãnh đạo Quận trực tiếp đến các buổi bảo vệ tốt nghiệp của sinh viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội, CĐ Sư phạm Hà Nội (nay là ĐH Thủ đô)… để tuyển chọn nhân tài. Hơn 800 giáo viên, sinh viên giỏi, thủ khoa được tiếp nhận công tác về quận trong những năm qua đã góp phần xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng tốt cho ngành” - bà Trịnh Thị Dung nói.

Cũng theo bà Dung, trong quá trình sử dụng nhân lực cũng nên thường xuyên luân chuyển cán bộ quản lý, giáo viên giỏi, có kinh nghiệm về các trường còn khó khăn để nhanh chóng ổn định nền nếp và nâng đều chất lượng giữa các nhà trường, tạo niềm tin cho các bậc phụ huynh về sự đồng bộ trong các môi trường giáo dục trên địa bàn. Bên cạnh đó cũng cần quan tâm đến cơ chế, chính sách cho đội ngũ giáo viên.

Song hành với đó cũng cần khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên được đi đào tạo sau đại học để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Có chế độ cấp học phí cho cán bộ quản lý, giáo viên được cử đi học sau đại học. Bằng việc chú trọng công tác bồi dưỡng và tự bồi dưỡng vừa có tính chuyên sâu vừa tập trung cập nhật theo hướng đổi mới giáo dục và tình hình thực tế xã hội, đến nay, ngành giáo dục quận đã có đội ngũ vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ, có tinh thần trách nhiệm và tâm huyết với nghề.

“Không chỉ phát triển đồng bộ mà chúng tôi thường xuyên chỉ đạo các nhà trường tăng cường hợp tác quốc tế trong giáo dục. Các nhà trường đã tích cực chủ động mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế tạo nên làn gió mới trong việc đưa các hoạt động giáo dục hiện đại, giáo dục mở vào trong nhà trường, góp phần đổi mới nội dung và phương pháp tổ chức các hoạt động giáo dục” - bà Trịnh Thị Dung tiết lộ.

Năm học 2017-2018, toàn quận Cầu Giấy có 89 trường, 65.773 học sinh (52 trường mầm non – 18 258 trẻ; 19 trường tiểu học- 26 746 học sinh; 18 trường THCS- 20 769 học sinh). Toàn quận tăng 01 trường với 3001 học sinh so với năm học trước.

Để chuẩn bị cơ sở vật chất cho các trường bước vào năm học mới, Quận khánh thành 04 trường học, là những công trình chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập quận, kinh phí xây dựng hết gần 750 tỷ đồng (Mầm non Ánh Sao với diện tích 7 500m2, quy mô 20 lớp học; Tiểu học An Hòa với 5 638 m2, quy mô 30 lớp, THCS Dịch Vọng với 8 900 m2, quy mô 34, THCS Mai Dịch với 7 200m2, quy mô 45 lớp học), đồng thời tiến hành cải tạo sửa chữa 11 trường học. Cụ thể: Mầm non: 04 trường (Dịch Vọng Hậu, Nghĩa Đô, Dịch Vọng, Quan Hoa); Tiểu học: 04 trường ( Nghĩa Đô, Nam Trung Yên, Quan Hoa, Trung Yên); THCS: 03 trường (Cầu Giấy, Trung Hòa, Nam Trung Yên).

Nguyễn Hùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm