Bí quyết để có được đề Văn nghị luận hay, lạ

Đối với giáo viên Văn, một trong những công việc gian khó nhất vẫn là làm thế nào ra được đề Văn phù hợp với đối tượng học sinh, đặc biệt là văn nghị luận xã hội.

Trên thực tế, vì số lượng bài kiểm tra có sử dụng đề văn nghị luận xã hội không nhiều nên phần lớn giáo viên thường dựa vào các đề có sẵn, in trong các sách. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến học sinh lười suy nghĩ vì có thể tìm chép tài liệu hoặc làm theo một mẫu nào đó.
 
Đề phải vừa quen, vừa lạ
 
Đề phải vừa quen, vừa lạ
 
Cô Phạm Thị Mai Hương - giáo viên THPT Lê Anh Xuân (Bến Tre) - cho rằng, để có một đề văn hay, trước hết, người ra đề phải nắm được những yêu cầu sau:
 

Đề văn phải thể hiện tính đúng đắn, chính xác và phù hợp. Nếu không sẽ khiến học sinh khó hiểu hoặc hiểu sai lệch vấn đề.

 
Đề phải phù hợp với trình độ, năng lực học sinh,có yêu cầu rõ ràng, sáng sủa. Không ra những đề văn vượt khỏi tầm hiểu biết của các em.
 
Cùng với đó là yêu cầu đánh trúng đối tượng, tức là khi ra đề giáo viên phải nắm bắt trước tình hình học sinh để hướng vào những vấn đề thuộc phạm trù đạo đức mà ở tập thể hoặc cá nhân học sinh đang có những biểu hiện tiêu cực.
 
Đặc biệt, đề ra phải "vừa quen vừa lạ". Đề văn quen tức là học sinh có thể hiểu được, tự mình suy nghĩ và tự mình nói lên tâm tư tình cảm hoặc cách đánh giá của mình.
 
Đề lạ tức phải kích thích được sự suy nghĩ độc lập và khả năng sáng tạo của học sinh, ngăn chặn được tình trạng sử dụng tài liệu và bắt chước máy móc.
 
Chia nhóm đối tượng học sinh để ra đề phù hợp
 
Về cách thức ra đề, cô Phạm Thị Mai Hương lưu ý, giáo viên sử dụng phương pháp phân loại để có thể ra những đề văn phù hợp, vừa phát huy tính tích cực, đồng thời có thể ngăn chặn đẩy lùi tiêu cực.
 
Có thể theo các nhóm như sau:
 
Nhóm 1: Giáo dục học sinh chăm chỉ, cần cù chống thói lười biếng, dựa dẫm.

Nhóm 2: Giáo dục tình cảm gia đình, thầy trò, tình yêu quê hương đất nước.

Nhóm 3: Giáo dục lối sống lành mạnh, sống có niềm tin, mục đích lý tưởng.

Nhóm 4:Giáo dục lòng nhân từ, tính tiết kiệm, sự thận trọng, chín chắn trong mọi việc.

Nhóm 5: Giáo dục ý thức tự lập, tự chủ và sức mạnh chiến thắng bản thân.

Nhóm 6: Giáo dục tinh thần học tập, ý thức học hỏi.

Nhóm 7: Giáo dục ý thức trân trọng quá khứ, lịch sử của cha ông.

Nhóm 8: Giáo dục tính trung thực, sự khiêm tốn…

 
Hướng dẫn học sinh hiểu đề
 
Theo cô Phạm Thị Mai Hương, tìm hiểu đề là bước đầu tiên trong quá trình làm một bài văn nghị luận.
 
Đây là bước xác định phương hướng, tìm ra “đích” trong quá trình làm bài học sinh phải đạt được. Nói cách khác, học sinh phải tìm hiểu đề để xác định đúng đắn hướng làm bài, nội dung, thể loại (kiểu bài) và phạm vi tư liệu sử dụng theo yêu cầu của người ra đề.
 
Những đề văn nghị luận xã hội, đặc biệt là đề bài đề cập đến vấn đề đạo đức, thường được diễn đạt dưới những cách nói bóng bẩy, hình ảnh. Điều này ít nhiều gây khó khăn cho học sinh.
 
Nhưng nếu có sự gợi ý, hướng dẫn của thầy cô trong quá trình tìm hiểu đề, chắc chắn học sinh sẽ tự nhận thức rồi suy ngẫm để nói lên được tâm tư nguyện vọng của mình.
 
Khi đi vào hướng dẫn cụ thể học sinh tìm hiểu đề, cô Phạm Thị Mai Hương lưu ý:
 
Thứ nhất: Cần hướng dẫn học sinh xác định yêu cầu nội dung, đây là yêu cầu khó xác định nhất.
 
Thực chất của yêu cầu này là học sinh phải xác định cho được mình phải viết gì trong bài văn.
 
Muốn xác định được yêu cầu về mặt nội dung, người viết có thể dựa vào mặt ngôn ngữ của đề như những từ ngữ quan trọng, những hình ảnh hoặc sử dụng từ ngữ một cách hình ảnh để tìm hiểu nghĩa đen của chúng.
 
Thứ hai: Hướng dẫn học sinh xác định yêu cầu về mặt hình thức. Đây thực chất là định hướng về phương pháp làm bài, thể loại làm bài.
 
Thứ ba: Hướng dẫn học sinh xác định phạm vi dẫn chứng. Đa số các đề văn nghị luận xã hội không thể hiện rõ yêu cầu này. Do đó việc lấy dẫn chứng không bị bó hẹp, có thể lấy bất kỳ dẫn chứng nào trong đời sống.
 
Trong ba nội dung trên, việc hướng dẫn học sinh xác định yêu cầu về mặt nội dung là quan trọng nhất. Nếu không hướng dẫn, khơi gợi, học sinh dễ phạm lỗi viết lan man, không tập trung hoặc lạc đề.
 
Đồng thời, đây cũng là cơ hội để giáo viên thực hiện được một phần nào đó mục đích của việc ra đề tập trung vào giáo dục đạo đức học sinh bởi định hướng để học sinh tự nhận thức cũng là một khâu của quá trình giáo dục.
 

Cô Phạm Thị Mai Hương cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chấm trả bài và cho rằng, đây là dịp tốt nhất để giáo viên nắm được đời sống tâm lý, cách nhìn nhận của học sinh về các vấn đề xã hội và những bộc lộ thuộc về cá tính hay đạo đức của từng em để từ đó có phương pháp, biện pháp giáo dục thích hợp.

 

Theo Hải Bình

Giáo dục & Thời đại

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm