Ninh Bình:
Bị phụ huynh tố, trường phải nộp lại hơn 120 triệu đồng thu chi sai quy định
(Dân trí) - Thu chi sai quy định, “biến thủ” hàng chục triệu đồng tiền ăn của học sinh, trường Mầm non Yên Sơn (Tam Điệp, Ninh Bình) đã bị phụ huynh học sinh phát hiện, yêu cầu thanh tra. Ban giám hiệu trường này đã phải nộp lại hơn 120 triệu đồng về quỹ của nhà trường.
Phát hiện nhiều khoản thu chi bất minh
Nhiều phụ huynh có con theo học tại trường Mầm non Yên Sơn, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình phản ánh, năm học 2017 - 2018 Ban giám hiệu nhà trường đã thu chi nhiều khoản bất minh khiến phụ huynh bức xúc. Trong đó, lo lắng nhất là về sức khỏe của các cháu khi tiền ăn đóng góp đầy đủ nhưng con em lại phải ăn đồ không đảm bảo cho sức khỏe, mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cụ thể, thời điểm cuối tháng 3/2018, một số phụ huynh sau khi nghe con kể, ở trường cô cho ăn bún có mùi hôi, chua đã đến tận bếp ăn của trường để kiểm tra vì quá lo lắng cho sức khỏe của con em mình. Thời điểm kiểm chứng, các phụ huynh bất ngờ phát hiện sổ tính ăn của nhà trường có nhiều khoản chi bất minh.
Theo đó, tiền ga nấu ăn hơn 500.000 đồng/ngày, mỳ chính 50.000 - 60.000 đồng/ngày, hạt nêm 60.000 - 80.000 đồng/ngày, dầu ăn hết 150.000 - 190.000 đồng/ngày… Tương đương mỗi ngày nấu ăn cho các cháu trường Mầm non Yên Sơn tiêu tốn hết khoảng 1,5 bình ga, hơn 1kg mỳ chính, 1kg bột nêm, 6 - 8 lít dầu ăn...
Anh H. phụ huynh có con học tại trường bức xúc cho biết thêm: "Theo dõi qua hệ thống camera, chúng tôi còn phát hiện nhiều điều khuất tất, đặc biệt là sự chênh lệch rõ rệt về số lượng xuất - nhập hàng hóa, thức ăn giữa sổ sách và thực tế của nhà trường."
“Chẳng hạn, ngày 5/4/2018, sổ nhập ghi tôm 10kg nhưng sổ tính ăn lại ghi 11,4kg. Ngày 15/9/2017 trên sổ nhập nhà trường không nhập trứng nhưng trong sổ tính ăn lại tính 150 quả trong khẩu phần ăn của các cháu... Việc sai lệch như vậy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đảm bảo dinh dưỡng và sự phát triển của các cháu đang tuổi ăn, tuổi lớn” - anh H nói.
Trước những khuất tất về thu chi nấu ăn, phụ huynh học sinh đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu nhà trường vào cuối tháng 3, đầu tháng 4/2018. Tại cuộc họp, nhà trường không đưa ra được các chứng từ hóa đơn mua thực phẩm nào. Theo tính toán, từ tháng 8/2017 - 21/5/2018, số tiền chênh lệch, khai khống này lên tới vài chục triệu đồng.
Trường đã nộp lại hơn 120 triệu đồng
Liên quan đến vấn đề phụ huynh phản ánh, UBND xã Yên Sơn đã có buổi làm việc với phụ huynh và nhà trường vào ngày 27/5/2018. Sau khi lắng nghe ý kiến của phụ huynh, những lý giải của nhà trường, để làm rõ hơn, xác định vi phạm, UBND xã không đủ năng lực làm chặt chẽ nên đã báo cáo sự việc lên UBND thành phố Tam Điệp.
Sau đó, UBND thành phố Tam Điệp đã thành lập đoàn để xác minh nội dung vụ việc. Ông Tạ Quang Khải, Chánh Thanh tra thành phố Tam Điệp cho biết, kết quả xác minh phản ánh của phụ huynh học sinh liên quan đến các khoản thu, chi của trường Mầm non Yên Sơn vẫn chưa có kết luận chính thức.
Lý do đoàn xác minh chưa có kết luận chính thức vụ việc được một phụ huynh cho hay, nội dung dự thảo kết luận những sai phạm của trường Mầm non Yên Sơn mà đoàn xác minh đưa ra chưa đúng với yêu cầu của phụ huynh, chưa thỏa đáng.
"Mới đây ngày 9/8, đoàn xác minh đã có buổi đối thoại với phụ huynh học sinh. Tại buổi đối thoại, chúng tôi yêu cầu, tất cả các khoản chi sai mục đích không có hóa đơn chứng từ phải trả lại cho học sinh. Làm rõ các khoản thu chi tiền ăn của năm học 2016 - 2017 và 2017 - 2018. Ngoài ra, phụ huynh cũng yêu cầu phải kỷ luật thích đáng những người có liên quan đến sai phạm...".
Kết quả bước đầu xác minh của đoàn thanh tra thành phố Tam Điệp cho thấy, trong hai năm học 2016 - 2017 và 2017 - 2018 trường Mầm non Yên Sơn đã thu chi sai quy định đối với các khoản tiền thu của phụ huynh học sinh và các khoản xã hội hóa giáo dục.
Cụ thể, qua kiểm tra sổ sách nhiều khoản thu, chi của nhà trường không có hóa đơn, nhiều khoản được chi cao hơn so với thực tế hàng chục triệu đồng như tiền mua sắm đồ dùng học tập, tiền nhập thực phẩm ăn bán trú cho học sinh… Ngoài ra, nhà trường còn nhập thực phẩm của những đơn vị không có giấy phép kinh doanh, không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm để nấu ăn bán trú cho học sinh.
Được biết, sau khi phụ huynh phản ứng gay gắt, ngày 31/7/2018, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm - Hiệu trưởng nhà trường cùng các Phó hiệu trưởng, Kế toán và Thủ quỹ đã tự nguyện nộp lại số tiền trên 126,9 triệu đồng về quỹ của nhà trường.
"Số tiền này phụ huynh chúng tôi yêu cầu không cho vào quỹ chung của nhà trường sử dụng, cũng không trả lại cho học sinh mà Hội Phụ huynh sẽ lên phương án chi để xã hội hóa cơ sở vật chất cho các cháu học sinh được hưởng lợi" - anh H. nói.
Thái Bá