ĐH Dân lập Đông Đô:

Bi hài kịch từ một Phó giáo sư “giả”

(Dân trí) - Đã hơn một tháng kể từ ngày Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có quyết định “hạ bệ” ông Trần Duy Đoa - Phó Giáo sư “giả”, Quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Đông Đô - vẫn không làm nguôi làn sóng dư luận đang hết sức bức xúc tại đơn vị này.

Bởi, tại trường ĐH vốn nhiều tai tiếng này vẫn còn nhiều điều trái khoáy cần tiếp tục được làm rõ, xử lý dứt điểm.

 

“Hạ bệ” Phó giáo sư “giả”

 

Ngày 24/10/2008, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã ra Quyết định số 7155/QĐ-BGD ĐT về việc: “Nay không công nhận Tiến sĩ Trần Duy Đoa là ủy viên Hội đồng quản trị lâm thời và Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học dân lập Đông Đô” và Quyết định số 7156/ QĐ-BGD ĐT về việc: “Nay công nhận Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Như Cương, ủy viên Hội đồng quản trị lâm thời, Phó hiệu trưởng Trường Đại học dân lập Đông Đô giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học dân lập Đông Đô”.

 

Thế là, sau gần 6 tháng kể từ ngày 14/6/2008 Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ra Quyết định công nhận ông Trần Duy Đoa làm quyền Hiệu trưởng Trường ĐHDL Đông Đô, đã phải ra quyết định không công nhận chức vụ của ông Đoa.

 

Nhiều câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ

 

Xung quanh sự việc không công nhận ông Đoa làm quyền Hiệu trưởng Trường ĐHDL Đông Đô, dư luận trong trường và dư luận xã hội đã đặt ra những câu hỏi mà đòi hỏi Bộ GD-ĐT cần có câu trả lời rõ ràng như ý kiến của GS-TSKH Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm UBVHGD TTN&NĐ của Quốc hội đã nêu ra.

 

Cụ thể, ông Trần Duy Đoa khai man lý lịch chức danh Phó giáo sư (PGS), và bị “lật tẩy” khi Đảng ủy trường ĐHDL Đông Đô có Công văn số 35/CV-ĐU ngày 28/4/2008 gửi Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước đề nghị xác định chức danh PGS của ông Trần Duy Đoa. Cho đến ngày 6/5/2008, Hội đồng các chức danh Nhà nước đã có công văn phúc đáp do Tổng Thư ký Đỗ Trần Cát ký gửi lại với nội dung: “Sau khi đối chiếu danh sách PGS đã được công nhận ở Việt Nam lưu tại Văn phòng Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước, Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước không thấy có PGS nào có tên là Trần Duy Đoa”.

 

Ngày 17/7/2008, Bộ GD-ĐT không cho ông Đoa ký bằng tốt nghiệp của sinh viên mà để ông Hiệu phó ký, nhưng vẫn kéo dài thêm gần 3 tháng mới Quyết định không công nhận quyền Hiệu trưởng của ông Đoa. Trong khi đó, việc khai man lý lịch là vi phạm nghiêm trọng đạo đức Nhà giáo, trong trường hợp này đáng ra  thì phải cách chức, chứ không phải nói là không công nhận chức danh trên (!?). Và khi sự việc gian dối đã bị phơi bày, việc Bộ GD-ĐT đã không công nhận quyền Hiệu trưởng của ông Đoa rồi thì liệu có hình thức kỷ luật gì đối với ông Đoa nữa hay không? Dư luận đòi hỏi Bộ GD-ĐT cần có sự trả lời rõ.

 

Nhìn lại vụ việc trên, đông đảo cán bộ, giảng viên đang công tác tại trường ĐHDL Đông Đô cho rằng việc Bộ GD-ĐT chậm xử lý để kéo dài gần 6 tháng làm quyền Hiệu trưởng, ông Đoa đã lợi dụng chức vụ, bất chấp, không cần có Nghị quyết của HĐQT lâm thời, vi phạm nghiêm trọng Quy chế 86/TTg của Thủ tướng, vi phạm Điều lệ các trường đại học, vi phạm Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường ĐHDL Đông Đô, vi phạm nghiêm trọng Luật Lao động, tự tung tự tác ngang nhiên đưa những người cùng “phe cánh”, đã có những sai phạm nghiêm trọng trước đây vào những chức vụ chủ chốt của phòng, ban, khoa của trường, trong đó có vợ của mình.

 

Dư luận đặt câu hỏi: ông Đoa mạo danh, man khai lý lịch thì chữ ký của ông Đoa (có ghi hoặc không ghi học hàm, học vị) liệu có giá trị pháp lý gì không? Những việc làm sai pháp luật, không có Nghị quyết của HĐQT lâm thời thì có giá trị pháp lý không? Trách nhiệm này thuộc về ông Đoa, nhưng Bộ GD-ĐT có trách nhiệm gì không? Dư luận đòi hỏi Bộ GD-ĐT là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nên có sự trả lời các vấn đề nêu trên.

 

Còn đủ tư cách làm giáo viên?

 

Hiện nay có một điều “tréo ngoe” khác tại trường ĐHDL Đông Đô đó là, theo Quyết định số 2065/QĐBGD-ĐT ngày 14/4/2008 của Bộ GD-ĐT, thì Hội đồng quản trị lâm thời có 5 người, nay ông Đoa không là thành viên HĐQT lâm thời, chỉ còn 3 người là trái với điều 15 của Quy chế 86/TTg quy định “số lượng thành viên HĐQT tối thiểu là 7 người ...”.

 

Mặt khác, HĐQT lâm thời của trường Đông Đô hiện nay chỉ có 3 người mà cả 3 người trên đều là hội viên của Hội Vật lý Việt Nam, trường ĐHDL Đông Đô không có một người nào, Chủ tịch, Hiệu trưởng cũng là người của Hội Vật lý Việt Nam.

 

Như vậy, vấn đề pháp lý đặt ra là HĐQT lâm thời hoạt động theo  nguyên tắc nào? HĐQT lâm thời có 3/5 người thì có ra được nghị quyết hợp pháp không? Số phận trường Đông Đô do người ngoài trường quyết định?

 

Thời điểm này dư luận vẫn đang hết sức quan tâm và đặt hàng loạt câu hỏi trước ông Phó giáo sư “giả” - Trần Duy Đoa khi đã không còn là uỷ viên HĐQT lâm thời và quyền Hiệu trưởng của trường ĐH Dân lập Đông Đô vì khai man lý lịch, vi phạm nghiêm trọng đạo đức Nhà giáo thì ông Đoa có còn đủ tư cách là giáo viên theo Quy chế về đạo đức Nhà giáo do Bộ GD-ĐT ban hành? Ông Đoa có còn xứng đáng để tiếp tục làm Chủ nhiệm khoa Điện tử - Viễn thông của trường nữa hay không?

 

Cán bộ, giảng viên, nhân viên Trường ĐHDL Đông Đô đòi hỏi phải xử lý đúng quy chế và pháp luật vấn đề này để đảm bảo sự trong sạch trong môi trường giáo dục.

 

Vũ Văn Tiến