Bệnh “thích tôn vinh”

Dư luận cả nước đang xôn xao trước vụ gian lận trong việc tổ chức kì thi tốt nghiệp phổ thông vừa diễn ra ở trường THPT dân lập Đồi Ngô thuộc huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.

Tại hội đồng thi này, giám thị cố ý phớt lờ để cho các thí sinh tự do, thoải mái quay cóp. Tệ hơn, giám thị còn ngang nhiên ném bài giải vào phòng thi cho thí sinh. Những hiện tượng này được một thí sinh quay rồi tung clip lên mạng. Lập tức hàng triệu người ở khắp nơi đã chứng kiến.

Em học sinh này đã quay cả 6 buổi trong kỳ thi vừa qua và không buổi nào là không xảy ra những chuyện tiêu cực trong thi cử. Người xem được chứng kiến những hình ảnh khá… “ sinh động”: Một nữ giám thị ngồi chống cằm, vẻ mệt mỏi đã để cho các thí sinh ngồi ngay sát cạnh mình thỏa sức quay cóp. Rồi một người đàn ông khác ngang nhiên ném bài vào phòng thi ngay trước mặt giám thị mà không gặp bất cứ sự ngăn chặn nào.

Người ta còn lan truyền tin đồn mỗi gia đình có con em dự thi phải nộp cho nhà trường 492.000đ để bảo đảm chắc chắn đỗ (gọi là phí… “chống trượt”?!).

Ảnh chụp từ clip ghi tại Bắc Giang.
Ảnh chụp từ clip ghi tại Bắc Giang.

Hiện vụ việc đang được thanh tra Bộ GD-ĐT cùng công an Bắc Giang điều tra, làm rõ, nhưng có thể thấy tiêu cực trong thi cử ở trường trên là không thể chối cãi. Đây chỉ là một phòng thi cụ thể ở một trường cụ thể, bị “bắt quả tang”, nhờ sự dũng cảm của một thí sinh đã quay clip và tung lên mạng. Liệu trên toàn quốc, có bảo đảm không ở đâu diễn ra tương tự, vụ việc ở trường Đồi Ngô chỉ là cá biệt?

Trước vụ việc trên, dư luận hết sức bất bình. Nhưng đã có hai luồng ý kiến trái chiều về “tác giả” clip được tung lên mạng. Nhiều người cho rằng em thí sinh nào đó đã có công lớn trong việc tố cáo tiêu cực. Cần phải cảm kích và biết ơn sự dũng cảm của em. Nhưng lại có người khẳng định em đã vi phạm quy chế thi cử khi đã mang những thứ không được phép vào phòng thi.

Một vị có trách nhiệm ở Sở GD-ĐT Bắc Giang còn đặt câu hỏi: Em này mang phương tiện ghi hình vào phòng thi để làm gì và yêu cầu sự việc cần được làm rõ. Rõ ràng là vị đã có ý muốn răn đe những việc làm tương tự. Ở đây, cần thấy một điều: Nếu em thí sinh này không “vi phạm” thì làm sao tất cả mọi người, trong đó có những vị có trách nhiệm của bộ, của Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Giang chứng kiến được tiêu cực rất trầm trọng ở hội đồng thi trên?

Và dư luận sẽ mãi chỉ là dư luận và câu hỏi muôn thuở lại được nêu ra: Bằng chứng đâu? Vậy nên bất luận thế nào, em thí sinh kia cũng cần phải được bảo vệ quyền lợi thi cử cũng như mọi thứ  khác. Còn việc động cơ em đem phương tiện ghi hình vào để quay sự thật thi cử gian lận hay phục vụ cho việc quay cóp của mình thì không khó gì đối với nghiệp vụ điều tra của  công an.

Mọi người không thể không suy nghĩ khi kết thúc đợt thi tốt nghiệp PTTH vừa qua, Bộ GD-ĐT đã hùng hồn tuyên bố: Kỳ thi diễn ra nghiêm túc, an toàn. Nghiêm túc như vậy sao? Còn nhớ Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân luôn kêu gọi và nhắc nhở ngành GD-ĐT cần nhanh chóng khắc phục hai căn bệnh trầm kha. Đó là bệnh thành tích và gian lận trong thi cử.

Thực ra, hai bệnh này cũng chỉ xuất phát từ một căn nguyên: làm thì còn yếu kém nhưng muốn được thổi phồng, tôn vinh, tức là sống với giả mà bỏ qua thật. Đây chính là điều Đảng, Nhà nước và toàn dân ta đang buồn phiền trước thực trạng giáo dục nhiều năm qua mà đến nay, việc khắc phục vẫn chưa được là bao. Tuy nhiên, một vị thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết sẽ xử lý vụ việc ở hội đồng thi trường Đồi Ngô nghiêm túc, triệt để,  đúng pháp luật.

Rất mong sự việc này không bao giờ tái diễn mỗi mùa thi đến để trả lại sự trong sáng như bản chất vốn có của ngành giáo dục trong tiềm thức của người Việt Nam ta.

Theo N.B
Petrotimes