Bệnh thành tích trong giáo dục và cái giá phải trả
(Dân trí) - Giáo dục là một lĩnh vực quan trọng của xã hội nên xã hội còn khuyết tật gì, giáo dục có khuyết tật đó. Nhưng, ở chiều ngược lại, xã hội cũng chính là bức tranh phản chiếu chất lượng một nền giáo dục.
12 năm nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục
PGS.TSKH. Trịnh Thị Kim Ngọc, Viện Hàm lâm KHXH Việt Nam cho biết, giáo dục là quốc sách hàng đầu. Giáo dục có vai trò và tầm quan trọng đặc biệt đối với sự hoàn thiện con người và phát triển xã hội.
Bệnh thành tích trong giáo dục, về bản chất chính là việc không coi trọng “việc thực học”, mà chỉ chạy theo điểm số và thành tích ảo. Nói cách khác, đó chính là sự tự huyễn hoặc, đề cao và phóng đại một kết quả nào đó; nặng hơn chính là sự thiếu trung thực, gian dối trong thi cử, không khách quan trong đánh giá việc dạy và học vì những mục tiêu vụ lợi nào đó.
Chuyện những lớp học tiểu học có tới 90 -100% học sinh giỏi là điều có thật và các bậc cha mẹ coi là chuyện bình thường. Chỉ cần 1 trẻ không có giấy khen là thành chuyện. Chuyện bố mẹ chỉ hỏi hôm nay con được mấy điểm thay vì hỏi hôm nay học có gì hay, là câu cửa miệng của không ít các gia đình.
Chuyện cả cô và trò đều diễn, cô yêu cầu cả lớp giơ tay, không biết cũng giơ tay, nhưng chỉ gọi các bạn học giỏi, trong giờ thao giảng là chuyện thường. Cũng vì bệnh thành tích, vì áp lực điểm số, vì học chỉ để thi, vấn nạn dạy thêm-học thêm ngày càng lan rộng. Cũng vì bệnh thành tích, mà tỉnh thành nào tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cũng chót vót 96-97%, nhưng chất lượng thực còn là một khoảng cách cần xem xét.
PGS Trịnh Thị Kim Ngọc cho rằng, phong trào “hai không” là "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục", được Bộ GD&ĐT phát động như là hai mục tiêu lớn của ngành từ năm 2006. Tuy nhiên, đến nay tròn một chu kỳ 12 năm - một thế hệ học sinh đã ra trường, song mục tiêu “hai không” nói trên vẫn đang tồn tại dai dẳng và có xu hướng gia tăng trong nền giáo dục nước nhà.
“Y phục xứng kỳ đức”
Hệ lụy của bệnh thành tích và thói háo danh là vô cùng lớn đối với cá nhân và xã hội.
PGS Trịnh Thị Kim Ngọc chia sẻ, bà đã từng nhận những danh thiếp của những người liệt kê kín những danh hiệu, chức vụ đã và đang nắm giữ của họ, khiến cho người nhận lúng túng không biết họ thực sự đang làm gì...
Bà cũng chứng kiến khá nhiều người không xứng đáng với những danh hiệu nhưng bằng mọi cách, họ vẫn cố kiết để có được những danh hiệu không xứng đáng này.
"Cha ông chúng ta từng nói “y phục xứng kỳ đức”. Chúng ta cần phải xứng đáng với những danh hiệu mà chúng ta có. Nếu không, xã hội sẽ có những rối loạn nhất định. Những rối loạn đó có thể là, chúng ta có thể đặt những người không đúng trình độ vào những vị trí không thuộc về họ" - PGS Trịnh Thị Kim Ngọc nhận định.
Theo PGS Trịnh Thị Kim Ngọc, khi những người đó ngồi chỗ không thuộc về mình, một mặt, họ không thực hiện được nhiệm vụ, chức trách của mình, làm ảnh hưởng xấu đến công việc chung, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội; mặt khác, họ làm cho những người có năng lực, nhưng có thể vì lý do này hay lý do kia, không có được những bằng cấp, danh hiệu nên không được đặt vào đúng vị trí của họ, cảm thấy hụt hẵng, mất ý chí phấn đấu.
Bên cạnh đó, vì “danh hão”, nhiều người có thể làm những việc ảnh hưởng đến uy tín của mình như chạy chức, chạy quyền, chạy bằng hay khoe khoang tiền của, nhà cửa, xe cộ… Và hơn nữa, căn bệnh này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, khi người dân không thể phân biệt thật giả trong bằng cấp, trong vị trí và trong công việc. Từ hệ lụy này sẽ dẫn dắt đến các hệ lụy khác trong xã hội.
Bệnh sùng bái danh hiệu, chức vụ… trong giới trí thức từng được Đặng Hữu Phúc (TuanVietNam 24-06-2009) xem như một quốc nạn kéo theo sự tha hoá dài lâu của giới trí thức cũng như của nhiều lớp người khác cùng sự trì trệ, thiếu thực chất của ngành giáo dục nước nhà.
Vết thương lòng theo suốt cuộc đời….
PGS Trịnh Thị Kim Ngọc khẳng định: Bệnh thành tích từ lâu của ngành giáo dục đã khiến cho các đơn vị, các cá nhân quay cuồng trong guồng máy thật và giả. Nhất là khi thấy hệ luỵ của căn bệnh thành tích trong giáo dục có thể không nhìn thấy ngay, nhưng sức tàn phá của nó rất nguy hại cho cả một nền giáo dục và nhiều thế hệ công dân.
Chúng ta sẽ đào tạo ra cho đất nước những công dân với chất lượng không đảm bảo, một khi các em chịu áp lực nặng trĩu căn bệnh thành tích trên vai, một khi kết quả học tập của các em là ảo, một khi học giả mà bằng thật ?.
PGS Trịnh Thị Kim Ngọc trăn trở, khi nhìn thấy giọt nước mắt chảy dài trên khuôn mặt xinh xắn của một học sinh lớp 6 thuộc một trường THCS ở Sóc Trăng, khi sát hạch đầu vào em không thể đọc và viết thông thạo dù một thông tin đơn giản nên nhà trường buộc phải gửi em trở lại học lớp đầu của tiểu học (lớp 1).
Chính bệnh thành tích của các thày cô dạy các lớp tiểu học kia đã lấy đi cơ hội của cô trò nhỏ còn đang ở ngưỡng cửa của hành trình tích lũy tri thức kỹ năng và hoàn thiện nhân cách để trở thành một công dân có ích cho xã hội trong tương lai.
Chính bệnh thành tích của các lớp tiểu học hay chính là của các thày cô đã dạy ở đó, đã làm tổn thương tâm hồn trong sáng của tuổi thơ mà cô học trò nhỏ kia đã phải mang vết thương lòng này theo suốt cuộc đời….
“Giáo dục là một lĩnh vực quan trọng của xã hội nên xã hội còn khuyết tật gì, giáo dục có khuyết tật đó. Nhưng, ở chiều ngược lại, xã hội cũng chính là bức tranh phản chiếu chất lượng một nền giáo dục, khi nhìn cách hành xử, giao tiếp giữa các công dân trong xã hội, sẽ nắm được chất lượng giáo dục, điều mà chúng ta không chỉ cần suy nghĩ mà cần thiết phải dũng cảm đấu tranh, khắc phục” - PGS Trịnh Thị Kim Ngọc nhấn mạnh.