Bế tắc ở giảng đường: Tại sao?
(Dân trí) - Đạt ước mơ vào đại học, những tưởng cánh cửa vào đời rộng mở với nhiều bạn trẻ khi trở thành sinh viên. Nhưng không ít bạn lại gặp khủng hoảng, bế tắc từ lúc này…
Chán nản ở trường đại học
Hai năm ở giảng đường với cậu sinh viên Tr.V.H, Trường ĐH Kinh tế TPHCM là quãng thời gian dài đằng đẵng mà đến giờ cậu vẫn không tin mình đã trải qua. Vô vị, tẻ nhạt, chán chường, mệt mỏi… là điều mà H. diễn tả về nửa chặng đường ở trường đại học của mình.
H. kể, mình đã khủng hoảng chỉ sau một tuần từ quê ở Thái Bình vào TPHCM nhập học. Đến giờ lên lớp rồi về phòng trọ, đi ăn cơm bụi, có thời điểm ở chung với một số người thì có tổ chức nấu ăn. Cũng như rất nhiều SV khác, H. chẳng thiết tha với sách vở, học hành trừ khi đến sát ngày thi thì học nhồi học nhét. Hầu hết thời gian, H. ôm điện thoại lên mạng xã hội đến mức... mở điện thoại ra là đau đầu nhưng chẳng biết làm gì hơn.
Từ một học sinh giỏi bậc phổ thông, thi là đỗ ngay vào trường ĐH danh giá mà H. được bố mẹ định hướng là vào miền Nam học sau dễ xin việc, dễ kiếm tiền, H. rơi vào bế tắc ở nơi cậu từng gọi là khát khao, ở thời điểm cậu từng tin là đẹp nhất cuộc đời.
Học Sư phạm năm thứ 3, từ lâu Nguyễn Ngọc Anh nhận ra mình không đủ đam mê đối với nghề nghiệp này. Những giờ lên lớp Ngọc Anh rệu rã, chỉ toàn… ngủ gật, học để cho hết môn, hết kỳ chứ không tìm thấy sự hứng thú. Cuộc sống nhà trọ ngột ngạt, chật hẹp mà ở đó phần lớn sinh viên toàn chỉ ăn, lướt mạng rồi ngủ… càng làm cô SV xuống tinh thần.
Đã có nhiều lần Ngọc Anh muốn bỏ học, muốn bắt đầu lại nhưng cô không biết mình phải làm gì, phải bắt đầu như thế nào. Với cô nữ sinh, giảng đường ĐH, từng là đích đến cao nhất của 12 năm ăn học phổ thông giờ như tấm lưới thép siết lấy mình. Ngọc Anh nói, ngày nào của mình cũng trôi qua giống nhau, chỉ mong sớm ra trường dù cô đã lo tốt nghiệp rồi sẽ thất nghiệp.
Trong nhiều chương trình giao lưu, chia sẻ về lập nghiệp, về thành công ở các trường ĐH ở TPHCM, không ít SV bày tỏ về sự bế tắc, chán chường của mình từ khi… vào ĐH. Hầu hết họ gặp phải tình trạng không hứng thú, hết mình với việc học; mất mục tiêu sống, không biết mình đang sống vì lẽ gì. Và không ít cử nhân tương lai tìm niềm vui cho cuộc sống bằng cách tham gia các tệ nạn như cờ bạc, nhậu nhẹt.
Thiếu sự lăn xả
Con đường vào ĐH với giảng đường rộng thênh thang trước đây đã từng được vẽ lên như mộng cho bao thế hệ học trò. Mà rồi khi chạm vào được ước mơ, nhiều bạn trẻ… vỡ mộng.
Môi trường ĐH với phương pháp học cùng cuộc sống ở thành phố thay đổi rất nhiều so với bậc phổ thông. Một thời gian học quá nhiều, học để thi đỗ nhưng thiếu thực tế, thiếu trải nghiệm nên khả năng tự học, tự tìm tòi cũng như khả năng thích nghi của nhiều bạn trẻ còn kém. Đến môi trường mới, họ bị chới với, chông chênh… khi mất đi mục tiêu học tập và mục đích sống.
Theo một chuyên gia tâm lý, người trẻ bế tắc ngay khi mục tiêu vào ĐH đã đạt được phản ánh học sinh, sinh viên chúng ta chưa được gieo khát khao để theo đuổi ước mơ thực sự. Vào ĐH chưa chắc đã đồng nghĩa với mong muốn, với ước mơ của cuộc đời họ. Nhưng vì ngay từ nhỏ việc học dồn hết để thi, để đỗ ĐH bằng được nên những ước mơ không được định hình rõ ràng hoặc các bạn bị ngộ nhận rằng vào ĐH là ước mơ của mình. Để rồi khi mơ hồ nhận ra, họ lúng túng, khủng hoảng… không biết mình muốn gì, mình ước mơ điều gì.
Hơn nữa, với sự bùng nổ của công nghệ, nhiều thông tin không mấy tích cực liên quan đến tương lai giới trẻ như tình trạng thất nghiệp, chạy việc, bằng cấp không còn nhiều giá trị… và những khó khăn trong cuộc sống đều ảnh hưởng đến thái độ, suy nghĩ bi quan của SV.
Nhưng điều đáng ngại nhất là sức ỳ của người trẻ rất lớn. Họ thấy rõ việc học, cuộc sống tẻ nhạt, vô vị… nhưng lại rất ngại thay đổi, ngại lăn xả để làm mới mình, để khám phá bản thân. Trong lần trao đổi với SV Trường ĐH Kinh tế TPHCM, bà Trang Thanh Minh Thư, cựu SV của trường nói rằng nhiều SV suy nghĩ, than thở nhiều nhưng ngại hành động. Trong khi mỗi người cần phải hành động, dấn thân trước hết để thấy bản thân mình không cũ, để thấy mình có sức sống, mới mẻ.
Khi ra trường, cuộc sống sẽ còn nhiều áp lực hơn mà để đương đầu đòi hỏi thời gian ở ở giảng đường sinh viên phải xây dựng được giá trị cho bản thân. Đó là giá trị nghề nghiệp, giá trị đạo đức, kỹ năng, thái độ và kinh nghiệm. Còn không, sự khủng hoảng này sẽ kéo theo sự bế tắc khác làm ảnh hưởng đến cả cuộc đời.
Hoài Nam
(Hoainam@dantri.com.vn)