Bảy người con gái và nếp nhà sư phạm...

Ở làng Nại Cửu (Triệu Phong, Quảng Trị), hầu như nhà nào cũng có người làm giáo viên. Nhưng một gia đình có 7 cô con gái đều nối nhau theo nghề dạy học và 5 trong số 7 chàng rể cũng là giáo viên... thì quả là hiếm.

Bà Lựu - mẹ của bảy cô giáo châm nén nhang lên bàn thờ chồng là ông Phạm Đăng Cẩn, đã mất cách nay sáu năm - rồi kể: Hồi ông nhà tôi còn sống, hình ảnh những thầy giáo luôn khiến ông khâm phục và ngưỡng mộ.

Và thế là hai vợ chồng người nông dân ấy đã chọn hướng đi cho đàn con của mình: theo nghề sư phạm. Chị Phạm Thị Hồng Thoa, cô chị cả trong nhà, nay là hiệu phó Trường tiểu học số 2 Hành Đức, bảo: “Cả bảy chị em theo nghề giáo là nhờ sự hướng nghiệp của bố”.

Chị Thoa ban đầu cũng muốn theo nghề này nghề kia, nhất là những năm ấy cuộc sống của giáo viên rất khó khăn. Nhưng rồi ông bố bảo: cả mấy chị em đều là con gái, sau này theo chồng mỗi người mỗi nơi, khó có thể chăm lo cho nhau nên theo nghề sư phạm trước hết là có thời gian để chăm sóc gia đình hơn.

Và thế là tốt nghiệp THPT chị Thoa thi vào Trường trung học Sư phạm Qui Nhơn. Hai năm sau, chị Thoa vừa ra trường đi dạy thì cô em thứ hai Phạm Thị Thu Thủy cũng đậu vào khoa tiếng Anh Trường cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Quảng Ngãi (nay chị Thủy đang dạy tại Trường THCS thị trấn Chợ Chùa).

Cứ thế, cả bảy chị em đều cách nhau 1-2 tuổi, nên chị Thủy chưa ra trường thì cô thứ ba Phạm Thị Bích Thẩm cũng đậu tiếp vào khoa văn CĐSP Quảng Ngãi, cô thứ tư Phạm Thị Như Thâm lại học TH Sư phạm Qui Nhơn, cô thứ năm Phạm Thị Kim Thuận đậu tiếp vào khoa sử CĐSP tỉnh, cô thứ sáu Phạm Thị Xuân Thảo cũng đậu vào khoa sử và cô út Phạm Thị Mỹ Thi cũng thành giáo viên tiếng Anh sau khi tốt nghiệp khoa Anh Trường CĐSP tỉnh. Điều may mắn là ông Cẩn đã sống cho đến khi bảy cô con gái của mình đều trở thành giáo viên và nên gia thất.

Câu chuyện bảy chị em gái theo nghề sư phạm, nay trở thành giáo viên nghe có vẻ thật suôn sẻ, nhưng chỉ bà Lựu hiểu hết những gì mà hai vợ chồng đã nỗ lực vì đàn con. Bà kể cũng có những ngày rất túng bấn, nhất là khi các con từ trường về nhà, gia đình cũng không dư ăn dư để nên nhiều lúc phải vay mượn bạc tiền để lo cho con theo sự học.

Những lúc khó khăn như vậy, ông Cẩn vẫn dặn bà không được để cho các con biết là bố mẹ đang vay tiền cho con học. Cứ lặng lẽ nuôi hết đứa này đến đứa khác.

Đấy là câu chuyện về nếp nhà, dù sống thanh bần vẫn nuôi dưỡng các con đạo nghĩa cuộc đời để hướng tới những khát vọng cao đẹp. Chị Thoa bảo ba của chị đã dạy đạo nghĩa lẽ đời cho các con bắt đầu từ nét chữ.

Năm 2002, ngành giáo dục tỉnh Quảng Ngãi tham gia thi giáo viên viết chữ đẹp cấp quốc gia, cả tỉnh có ba giáo viên đi dự thi ở Đà Nẵng thì hai trong số ấy là hai chị em ruột: chị Thoa và chị Thâm, và cả hai đều đoạt giải ba quốc gia. Hơn thế, cả bảy chị em đều là những giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh...

Theo Lê Đức Dục
Tuổi Trẻ