Bầu Hội phụ huynh, ai cũng... cúi gằm mặt
(Dân trí) - Trong buổi họp đầu năm, cô giáo đề xuất chọn Ban đại diện phụ huynh. Phụ huynh quay đi, có người cúi gằm mặt, nhiều người chỉ mẹ bạn này, bố bạn kia... làm những người này lắc đầu, xua tay liên tục.
Khi cô giáo đề cập đến các vấn đề học tập, sinh hoạt, học phí, phụ huynh đang chăm chú lắng nghe, lâu lâu đưa ra những góp ý. Về cuối buổi họp, cô giáo đề xuất, lớp mình sẽ bầu Ban đại diện cha mẹ học sinh, một trưởng và một phó. Không ai hẹn ai, hầu hết phụ huynh quay mặt đi.
Bắt đầu những tiếng rì rầm chỉ tên người này người kia. Nào là bố Minh An này, mẹ Bon làm đi, hay bố Ta Ta đi... Những người được/bị nhắc tên thì giật bắn mình, lắc đầu quầy quậy.
Một vài phụ huynh vẫn bị... nhắc tên. Cô giáo cũng có phần lúng túng, rồi đành đề xuất: Nếu không bầu được thì cô sẽ chỉ định. Và giáo viên đành chỉ định luôn hai người được phụ huynh nhắc đến nhiều nhất. Đến khâu phân làm trưởng, làm phó, cả hai người "lỡ" bị gọi tên tiếp tục "nhường" nhau.
Cô giáo trẻ giải thích: Thật ra Ban đại diện chúng ta không làm gì nhiều. Khi trẻ có hoạt động nào có thể cùng kêu gọi phụ huynh tham gia, hay là khi trường lớp có vấn đề gì cần có ý kiến của phụ huynh. Rồi thay mặt lớp tham gia vào Ban đại diện cha mẹ học sinh trường.
Phải nói thêm, đó là buổi chọn Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp tại một trường tư thục ở TPHCM. Ở nơi mà học phí đã trọn gói theo tháng, phụ huynh không đóng bất cứ khoản gì thêm như vận động, đóng góp, vì con em... - hình thức thường diễn ra ở nhiều trường công lập. Nghĩa là Ban đại diện không phải dây dưa chuyện tiền bạc mà việc tìm người tham gia Ban đại diện còn bị đùn đẩy như vậy.
Còn ở trường công lập, phải nói "nơi hoạt động khó thoát nổi chuyện vận động, đóp góp", không mấy ai thiết tha với việc tham gia Ban đại diện cha mẹ học sinh. Tham gia rồi thì đủ cái khổ trên vai.
Anh Trần Triều, một phụ huynh có con học tiểu học ở Gò Vấp, TPHCM kể, lần họp phụ huynh cho con, cô giáo đành nói, khó để bầu quá, thôi thì anh chị nào đủ nhiệt tình, xin giơ tay ứng cử.
Giây phút đó, anh Triều nhớ như in, đa số cúi gằm mặt, một số khác vời nhìn ra cửa sổ để tránh. Chính anh cũng lơ đễnh nhìn xa xăm trốn tránh.
Cuối cùng, tất cả như thở phào khi cũng có 5 phụ huynh mà anh Triều phải nói là năng động, dũng cảm xung phong làm. Đến giờ, anh vẫn phục họ vì thật sự cuộc sống bây giờ, ai cũng bận, tham gia nghĩa là phải bỏ thời gian, rồi cả tâm sức mình trong đó.
Và ai cũng biết, để làm được gì cho con em trong lớp, trong trường, ít nhiều cũng phải có tiền. Nhưng khi họ ngập ngừng đưa ra đề xuất thu tiền thì rất nhiều người phản bác, không đồng tình, có người lý lẽ còn yêu cầu hỏi thu được phép của ngành chưa, của Sở chưa.
"Đến khi về, tôi nghĩ mà thương cho những anh chị làm trong Ban đại diện. Họ nhiệt tình, họ đã phải vào cái vị trí không ai muốn vào mà ngay khi chưa kịp làm đã bị dội cả gáo nước lạnh bởi chính người đã cúi gằm mặt khi được hỏi "ai xung phong làm", anh Triều chia sẻ.
Nhiều người bị ghét ra mặt vì làm trong Ban đại diện. Nhiều hoạt động của Ban đại diện làm cho con em, ít nhiều cũng sẽ cần đến tiền, họ tham gia cũng như rước rắc rối vào thân.
Không chỉ "chống chọi" với phía phụ huynh, đâu đó Ban đại diện còn phải tương tác với nhà trường, đúng nghĩa "một cổ hai tròng". Nhiều khi, chính họ bất đắc dĩ tiếp nhận các thông tin, đề xuất, mong muốn... của nhà trường, có những cái hợp lý và có những cái không biết đường nào mà từ chối.
Dù muốn hay không, mối tương tác phụ huynh và trường học chúng ta vẫn đang nặng về chuyện đóng góp vật chất hơn là việc cùng hợp tác giáo dục con trẻ. Liên quan đến chuyện tiền trường, hai chủ thể này ít nhiều có những mâu thuẫn, xung đột, hoặc bằng mặt mà không bằng lòng. Với nhiều khoản, Ban đại diện chính là những người đứng giữ chịu trận.
Một phụ huynh làm trong Ban đại diện cha mẹ học sinh vừa của lớp, vừa của trường ở TPHCM cho biết, ai làm mới làm Ban đại diện đúng là "ăn cơm nhà, thổi tù và hàng tổng".
Mọi việc ăn thua ở cách mình nói, vận động mọi người và cách mình làm. Cái khó nhất là sao làm để hợp lý hợp tình hợp hoàn cảnh cho tổng thể học trò, cha mẹ và cả nhà trường... Phía nhà trường cũng vậy, cái nào trường "gợi ý" mà không hợp lý thì Ban đại diện phải mạnh dạn gạt đi. Cha mẹ học sinh dễ thương, họ vì con mà sẵn sàng chi, miễn nhà trường đừng làm quá.
Phụ huynh có vai trò rất lớn trong việc phối hợp cùng nhà trường giáo dục con trẻ (Ảnh minh họa cho bài)
Không ít nơi, phụ huynh đã "bao sân" rất nhiều khoản như mái che, rèm cửa, cây xanh, sửa sang nhà vệ sinh, tivi... Nhưng rồi thứ gì nhà trường cũng "lôi" Ban đại diện ra giục thu.
Trong khi, Ban đại diện cha mẹ học sinh, không ít nhiều người phải ngồi vào "ghế nóng" một cách bất đắc dĩ vì những cái "cúi gằm mặt" của số đông người khác. Họ cũng không có kinh nghiệm để xử lý, để đương đầu, để từ chối nhà trường nên phải đeo thêm rắc rối vào mình và có thể kéo thêm rắc rối cho người khác.
Chính vì thực tế này, mà đầu năm học, dù là hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhưng Sở GD-ĐT nhiều tỉnh thành phải đưa ra văn bản nhắc nhở các trường học. Theo đó, nghiêm cấm các trường lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định tại Thông tư số 55 của Bộ GD-ĐT.
Hoài Nam