“Bắt” học sinh thành nhà thơ?!

“Bạn nào có người nhà biết làm thơ thì nhờ. Ai không có thì mất trắng 3 điểm phần tiếng Việt. Như thế, sẽ không phải học lý thuyết”. Đứa em đang học lớp 11, nhờ làm giùm một bài thơ lục bát với lý do mà cô giáo truyền đạt như vậy.

Cách đây 2 năm, có dịp về thăm nhà, tôi từng được 2 cô em họ học lớp 6 “chiêu đãi” bằng bài thơ lục bát:

 

Bố em chạy ra bắt gà

Bà em đi chợ mua na về thờ

 

Ông em vừa mất năm qua

Chỉ vì uống rượu lăn quay ra nhà

 

Đây là một sản phẩm bài tập về nhà, theo yêu cầu của cô giáo từ sách giáo khoa, sau bài học tìm hiểu về thơ lục bát, chủ đề tự do.

 

Chưa quên được dư âm của “bài thơ” “trên sáu dưới tám” phiên bản Bút Tre trên, đầu tuần vừa rồi, tôi lại nhận được lời nhờ vả của một cô em đang học lớp 11: Sáng tác gấp một bài thơ lục bát, đề tài là học sinh, trường lớp và phải làm 3 khổ. “Chị phải giúp em, không thì mất 3 điểm đấy. Có nhiều bạn trong lớp không có ai để nhờ, chấp nhận mất 3 điểm”.

 

Bài lục bát sáng tác lần này quan trọng hơn, vì đó sẽ là một câu trong bài thi học kỳ 2, chứ không phải “bài tập về nhà”.

 

Biết là mình không đủ khả năng để sáng tác một bài thơ theo yêu cầu, nhưng cũng không muốn cô em mất 3 điểm trong bài thi học kỳ sắp tới. Đành chạy đi nhờ một người bạn, lâu nay nổi tiếng về làm thơ, sáng tác giùm.

 

Vừa nghe tôi trình bày “hoàn cảnh” nhờ làm thơ, anh bạn la oai oái: “Làm thơ theo đặt hàng thế này, sao mà làm, lấy đâu ra cảm hứng, ý tưởng? Lại bắt phải lục bát nữa chứ, thơ tự do thì may ra...”.

 

Mãi rồi anh bạn cũng ráng “xuất xưởng” một bài “trên sáu dưới tám”, nhưng không đủ 12 câu như yêu cầu với lời giải thích: “Gieo vần thơ lục bát không dễ. Làm thế này, phải suy nghĩ rất lâu”.

 

Đó là tôi chuẩn bị đề phòng, chứ vẫn nghĩ rằng trong đề thi, nhà trường sẽ không yêu cầu học sinh làm thế. Có chăng, thầy cô muốn học sinh hiểu rõ niêm luật của thể thơ này nên muốn các em tìm hiểu kỹ lưỡng mà thôi. Nhưng đứa em cứ khăng khăng: “Cô giáo nói là về nhà làm trước đi, mai mốt vô thi chép cho nhanh. Chứ đến giờ làm bài, tụi em không thể làm kịp”.

 

Và rồi, đến sáng thứ 6, đề thi học kỳ vẫn có phần sáng tác một bài thơ lục bát. Đương nhiên, học sinh đối phó bằng cách là nhờ người quen làm, hoặc lên mạng tìm một bài thơ của ai đó. Cả lớp, theo như cô bé cho biết, không bạn nào biết làm thơ. Chép lại còn không đúng dấu nữa là! Và... giờ thì cô đang lo vì bài thơ thiếu mấy câu!

 

Theo Nhung Trúc
Vietnamnet