Bắt đầu đào tạo ĐH theo tín chỉ

Với Luật giáo dục (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, đào tạo theo tín chỉ đang được Bộ GD-ĐT xúc tiến triển khai ở bậc ĐH.

Áp dụng đại trà đào tạo tín chỉ (ĐTTC) sẽ dẫn đến những thay đổi như thế nào trong đào tạo ĐH và tác động trực tiếp đến người học ra sao? Ông Lê Viết Khuyến, vụ phó Vụ ĐH&SĐH (Bộ GD-ĐT), người trực tiếp xây dựng lộ trình ĐTTC trong giáo dục ĐH - cho biết:

 

Việc áp dụng ĐTTC sẽ thực hiện từng bước. Trong năm 2005 thực hiện tại 5-7 trường ĐH. Năm 2006 dự kiến triển khai tới khoảng 20 trường. Sau đó rút kinh nghiệm để tiếp tục mở rộng phạm vi áp dụng. Dự kiến những trường ĐH sẽ thí điểm đầu tiên gồm Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), Đà Lạt, Kinh tế quốc dân, dân lập Thăng Long, dân lập Phương Đông, Đà Nẵng... Trong đó ĐH Bách khoa TP.HCM là trường đã cơ bản triển khai ĐTTC (thí điểm từ năm 1993), chỉ cần hoàn thiện thêm.

 

Thưa ông, ĐTTC có ưu điểm gì so với đào tạo theo niên chế khiến chúng ta phải thay đổi phương thức đào tạo ĐH hiện nay?

 

Căn cứ vào chương trình chung được xây dựng với qui định số tín chỉ tối thiểu cần đạt được, SV có thể ghi danh đăng ký một lịch học phù hợp với mình. SV không phải thi cuối năm, thi tốt nghiệp hay làm luận văn tốt nghiệp, chỉ cần hoàn thành số tín chỉ cần thiết của chương trình trong một thời gian thuận lợi nhất cho mình. Sự lựa chọn “mở” này tạo điều kiện cho SV phát huy được năng lực cá nhân, phù hợp với nhu cầu và sở nguyện. Về hiệu quả đào tạo, tích lũy tín chỉ giúp người học chuyển đổi ngành học, chuyển đổi hình thức đào tạo khi có nhu cầu hoặc có thể kết hợp học để lấy bằng hai, ba chuyên ngành khác nhau một cách rất thuận lợi.

 

Hiệu quả tiết kiệm có thể thấy rõ nhất: tùy theo năng lực, nhu cầu và hoàn cảnh, SV có thể rút ngắn thời gian đào tạo một năm hoặc kéo dài tối đa hai năm (đối với chương trình ĐH 4-5 năm) và ba năm (đối với chương trình ĐH sáu năm) so với thời gian đào tạo qui định chung. Một trong những nguyên tắc quan trọng của ĐTTC là đào tạo theo trình độ thực tế của người học. Cụ thể là căn cứ trình độ để xếp lớp nên có ưu điểm: người học đã đạt đến trình độ nào được công nhận đến trình độ ấy, không phải học từ đầu, tránh được tình trạng cào bằng.

Đặc điểm của hệ thống tín chỉ là kiến thức được cấu trúc thành modul (học phần), qui định khối lượng kiến thức phải tích lũy cho từng văn bằng, xếp năm học của người học theo khối lượng tín chỉ tích lũy. Quá trình học tập là sự tích lũy kiến thức của người học theo từng học phần (đơn vị tính là tín chỉ).

 

Chương trình đào tạo mềm dẻo, cùng với các học phần bắt buộc còn có các học phần tự chọn, cho phép SV dễ dàng điều chỉnh ngành nghề đào tạo...

Thưa ông, thay đổi phương thức, qui trình đào tạo như vậy, cách đánh giá có cần thay đổi?

 

Phương thức đánh giá của ĐTTC rất chặt chẽ bằng cách đánh giá trong cả quá trình học, chứ không phải bằng một kỳ thi kết thúc học kỳ (hay học phần) nên đảm bảo chính xác hơn. Đồng thời đánh giá “sạch”: những điểm không đạt bị loại ra khỏi điểm trung bình chung, người học cứ phải đạt đủ số tín chỉ mới được công nhận tốt nghiệp. Chuyển sang ĐTTC, phương thức đánh giá sẽ thay đổi, từ điểm số như hiện nay sang đánh giá theo thang điểm chữ (A, B, C, D, F). Trong đó F là mức chưa đạt yêu cầu, phải học và thi lại tín chỉ đó.

 

Nhưng liệu mục tiêu đến năm 2010, các trường ĐH cơ bản chuyển sang ĐTTC có phải là một mục tiêu quá tham vọng không, thưa ông?

 

Tất nhiên khi chuyển đổi sang ĐTTC sẽ có những khó khăn. Để triển khai học chế tín chỉ, các trường phải thay đổi thói quen làm việc, nhất là đối với đội ngũ cán bộ quản lý đào tạo. Đồng thời phải thay đổi phương thức quản lý SV, xây dựng hệ thống cố vấn học tập thay cho giáo viên chủ nhiệm vì cơ cấu lớp học không ổn định theo năm học. Giáo viên cố vấn học tập có trách nhiệm tư vấn, hướng dẫn cho SV đăng ký các lớp học thế nào cho hợp lý.

 

Khó khăn tôi cho là lớn nhất khi chuyển đổi sang ĐTTC là phải thay đổi cách dạy từ dạy- học thụ động trong giáo dục ĐH hiện nay, chuyển sang dạy - học tích cực. Người thầy phải thay đổi, giảm bớt thời gian lên lớp, tăng thời gian tự học, tự nghiên cứu. Chất lượng giảng dạy của GV sẽ là yếu tố quyết định sự lựa chọn của SV đăng ký theo học.

 

Theo Thanh Hà

Tuổi Trẻ