Bảo vệ trẻ trước “cuộc chơi truyền hình”

Phụ huynh cần rà soát khả năng, tâm lý của con, cần khuyến khích trẻ tham gia cuộc thi truyền hình trải nghiệm khả năng hơn là vì cảm giác tự hào của mình. Ban tổ chức, MC cũng cần có kiến thức, kỹ năng tiếp cận quyền trẻ em.

Truyền hình thực tế bùng nổ đã thu hút nhiều đối tượng tham gia, trong đó có trẻ em. Đây là đối tượng chưa tự bảo vệ được mình, rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương. Vừa qua, trên sân khấu Vietnam’s Got Talent đã có nhiều thí sinh nhí bối rối òa khóc nức nở, do hoặc tệ hơn, bị dư luận “ném đá”…

Bảo vệ trẻ trước “cuộc chơi truyền hình”
Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với TS Đỗ Thị Thu Hằng, chuyên gia tâm lý học, giảng viên khoa Báo chí Học viện Báo chí - Tuyên truyền(ảnh bên) về những lợi ích, nguy cơ trẻ em có thể gặp phải khi tham gia một chương trình truyền hình thực tế và vai trò của phụ huynh trong trường hợp này.

Cơ hội phát triển khả năng

. Bà nhìn nhận thế nào về việc trẻ em tham gia các trò chơi truyền hình thực tế?

+ TSĐỗ Thị Thu Hằng: Việc trẻ em tham gia một cách tự tin với vị thế được tôn trọng như người lớn chứng tỏ nhóm quyền tham gia của trẻ em ở nước ta có những biến đổi tích cực.

Nếu trước kia, sự xuất hiện của trẻ em chỉ như hình thức trang trí: Góp mặt trong các tiết mục văn nghệ chào mừng, được phỏng vấn để làm phóng sự thì nay các em đã chủ động hoặc được phụ huynh đăng ký tham gia trò chơi, được người lớn động viên ủng hộ.

. Trẻ tham gia vào các cuộc thi trên truyền hình có ích lợi gì, thưa bà?

+ Các em có cơ hội khẳng định năng lực, nhân cách của mình. Sự tham gia của các em, nhất là cùng tham gia với người lớn ở một sân chơi như cuộc thi Vietnam’s got talent là cơ hội để trẻ phát triển khả năng, được xã hội thừa nhận, làm tăng tính tự tin, lòng tự trọng và tính độc lập. Nếu trẻ có sự chuẩn bị tốt, nếu những người làm truyền hình có kiến thức và kỹ năng tiếp cận quyền trẻ em, sự tham gia của trẻ em trên truyền hình có ý nghĩa tích cực nhiều hơn. Khi đó, sự tham gia của trẻ sẽ đem đến nhiều lợi ích cho trẻ, cho người lớn, cho xã hội và cho cả sự phong phú, hấp dẫn của các chương trình truyền hình.

Bảo vệ trẻ trước “cuộc chơi truyền hình”
Thí sinh nhí Đăng Khoa (trái) khóc quỵ trên sân khấu. (Ảnh: Trà Giang)

. Ngược lại, trẻ có thể gặp những rủi ro, tổn thương nhiều hơn so với người lớn khi tham gia các cuộc thi được truyền hình không, thưa tiến sĩ?

+ Các cuộc thi truyền hình có số lượng công chúng lớn, người chơi phải chịu áp lực sân khấu và áp lực ghi hình. Nếu gặp phải sự cố, trẻ sẽ bị tổn thương về tâm lý lớn hơn, với những hậu quả nặng nề, khó khắc phục hơn; đặc biệt nó ảnh hưởng đến xu hướng phát triển của trẻ trong tương lai.

Khi gặp phải sự cố mà người lớn không có cách ứng xử thích hợp, trẻ sẽ thất vọng, sụp đổ niềm tin, rối loạn định hướng giá trị, nghi ngờ năng lực của mình, xấu hổ, triệt tiêu hứng thú hoạt động và giao tiếp. Nếu bản thân và người thân bị lên án, chê bai, trẻ có thể bị rối loạn tâm lý, trầm cảm, thậm chí muốn tự tử.

Trải nghiệm quan trọng hơn

. Theo bà, để giảm áp lực thi thố của các cuộc thi truyền hình thực tế, phụ huynh phải chuẩn bị kiến thức, tâm lý cho trẻ như thế nào trước khi tham gia?

+ Có lẽ việc đầu tiên cần làm trước khi quyết định có nên để con em mình tham gia các cuộc thi này hay không là nên cùng con tìm hiểu về cuộc thi, về năng lực của trẻ. Cùng bàn với trẻ về những điều cần phải biết, phải trải qua, những thách thức đi kèm - kể cả khi thành công hay thất bại. Phải trang bị cho trẻ kỹ năng xử lý rủi ro và những khủng khoảng, đặc biệt là khủng hoảng về tâm lý. Phải làm cho trẻ hiểu rằng: “Dù con đi thi hay không, dù con thành công hay thất bại, cha mẹ vẫn luôn tự hào về con”. Nếu cha mẹ thật sự hành xử vì lợi ích của chính trẻ chứ không phải vì lợi ích của người lớn thì trẻ sẽ không phải gánh thêm áp lực cha mẹ mình. Nguyên tắc “Vì lợi ích tốt nhất của trẻ” giúp phụ huynh sáng suốt hơn trong thái độ và hành vi ứng xử với con mình cũng như lúc phải đối mặt với nhà sản xuất chương trình và công chúng.

Nhà sản xuất cũng phải học

. Vậy nhà sản xuất và truyền thông nên có ứng xử như thế nào với trẻ khi có trẻ tham gia vào chương trình?

+ Nhà sản xuất và truyền thông cần dành nhiều thời gian để làm quen, tiếp cận với trẻ, trước khi diễn ra cuộc thi. Cần học cách chơi với trẻ, trò chuyện và phỏng vấn trẻ; học cách khuyến khích trẻ vượt qua những áp lực khi xuất hiện trước đám đông và một mình trên sân khấu.

Tôi nhận ra rằng thật tuyệt khi hầu hết các phóng viên, MC, thành viên ban giám khảo trên các đài truyền hình ở nước ta đều rất yêu trẻ. Nhưng yêu thôi vẫn chưa đủ mà phải học cách ứng xử phù hợp với các nguyên tắc: dân chủ và công bằng, không phân biệt đối xử, không phán xét độc đoán và chủ quan, tránh đặt trẻ vào tình trạng có nguy cơ rủi ro về thể chất và tâm lý (chẳng hạn: Không kéo dài thời gian công bố kết quả cuộc thi gây áp lực mạnh về tâm lý cho trẻ).

. Hiện còn một số chương trình truyền hình khác mang tính chất sân chơi, rèn luyện tính cách cho trẻ: Siêu quậy Tí Hon, Con đã lớn khôn… Độ tuổi trẻ em tham gia các chương trình này dưới sáu tuổi nhưng phải đối mặt với các thử thách “nặng ký”: Một mình ra ngoài mua hàng hóa, đem cơm cho bố mẹ… Theo tiến sĩ, những chương trình dạng này có ảnh hưởng gì đến tâm lý trẻ?

+ Nếu tổ chức tốt, các em sẽ thu được nhiều lợi ích. Điều quan trọng là cách làm của nhà sản xuất.

Phụ huynh cần cân nhắc kỹ về khả năng thích ứng tâm lý của trẻ trước khi quyết định cho con tham gia các chương trình này vì cùng một độ tuổi nhưng mỗi trẻ lại có đặc điểm tâm lý khác nhau, cũng như khả năng thích ứng tâm lý và kỹ năng hoạt động độc lập rất khác nhau. Các bài học thực tế cần phải tính đến tính vừa sức trong giáo dục…

. Cám ơn bà.

Các sự cố thí sinh nhí tham gia truyền hình thực tế

- Ngay trước đêm chung kết Britain’s Got Talent 2011 (Anh), một blogger tung tin ban tổ chức đã dàn xếp kết quả để cậu bé Ronan Parke (13 tuổi) chiến thắng. Cậu bé cũng bị nghi là đã được công ty của nhà tổ chức âm thầm đào tạo từ hai năm trước. Ronan Parke bị kéo vào cuộc tranh luận với giới truyền thông, phải liên tục giải thích trước công luận.

- Trong chương trình truyền hình thực tế khiêu vũ Dhoom Macha Le Dhoom tại Ấn Độ năm 2008, sau khi bị ban giám khảo quở trách, thí sinh Shinjini Sengupta (16 tuổi) đã rơi vào trạng thái trầm cảm nghiêm trọng và mất khả năng nói chuyện. Bác sĩ cho biết cô bé bị một cú sốc nghiêm trọng dẫn đến rối loạn thần kinh.

- Trong buổi công bố kết quả bán kết 4 Vietnam’s Got Talent, để tạo căng thẳng, kịch tính cho chương trình, MC đã vòng vo, kéo dài thời gian công bố kết quả. Thí sinh Đăng Khoa (11 tuổi) thì run rẩy và không giấu được những giọt nước mắt ngay từ đầu buổi công bố kết quả.

Khi nghe kết quả cuối cùng: bị loại khỏi vòng chung kết, cậu bé Đăng Khoa đã khóc nấc, lảo đảo gần như ngã quỵ trên sân khấu.

 

Theo Trà Giang

Pháp luật TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm